Chiều 01/6, Văn phòng Chính phủ tổ chức buổi họp báo Chính phủ thường kỳ, cung cấp thông tin về tình hình kinh tế-xã hội tháng 5/2024 và 5 tháng đầu năm.
Buổi họp báo diễn ra dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, Người phát ngôn của Chính phủ. Cùng dự có đại diện lãnh đạo các bộ, ngành liên quan và đông đảo phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí, truyền thông.
Mở đầu họp báo, Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Sáng cùng ngày (1/6), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì Phiên họp thường kỳ tháng 5 nhằm đánh giá tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng đầu năm; tình hình thực hiện 03 CTMTQG; giải ngân vốn đầu tư công cùng một số nội dung quan trọng khác; đề ra các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm, đột phá trong thời gian tới.
Trong tháng 5 và 5 tháng đầu năm 2024, nhiều tổ chức quốc tế đánh giá triển vọng kinh tế, thương mại thế giới có dấu hiệu khả quan, song tình hình thế giới tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; bất ổn chính trị ở một số khu vực leo thang; giá đô la Mỹ, giá vàng tăng cao; chính sách tiền tệ ở nhiều nước vẫn thắt chặt và chưa rõ xu hướng thời gian tới; biến đổi khí hậu, thiên tai, dịch bệnh tác động nặng nề...
Ở trong nước, thời cơ, thuận lợi và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, Chính phủ, các bộ, ngành, địa phương đã tập trung chỉ đạo triển khai quyết liệt, linh hoạt các nhiệm vụ, giải pháp theo các Nghị quyết, Kết luận của Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ, Lãnh đạo Chính phủ.
Trong đó tập trung: (i) Chuẩn bị chu đáo, bảo đảm tiến độ, chất lượng các tài liệu cho Kỳ họp thứ 7 Quốc hội khóa XV; (ii) Đẩy mạnh công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, thực thi pháp luật; (iii) Phê duyệt toàn bộ Quy hoạch 06 vùng KTXH; (iv) Làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và đẩy mạnh các động lực tăng trưởng mới; (v) Xử lý linh hoạt các vấn đề tồn đọng và những vấn đề mới phát sinh; (vi) Ứng xử linh hoạt, hiệu quả trong các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế; giữ gìn môi trường hoà bình, ổn định cho phát triển...
Đồng thời, tổ chức nhiều cuộc họp, hội nghị về tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy các công trình, dự án quan trọng quốc gia, phát triển nhà ở xã hội, tín dụng...
Thảo luận tại Phiên họp, các thành viên Chính phủ thống nhất nhận định: Tình hình KTXH tháng 5 và 5 tháng năm 2024 tiếp tục xu hướng tích cực, nhiều lĩnh vực tháng 5 đạt kết quả cao hơn tháng 4 và tính chung 5 tháng tốt hơn so với cùng kỳ năm 2023 trên hầu hết các lĩnh vực.
Nổi bật là: Kinh tế tiếp tục duy trì đà phát triển tích vực ở cả 3 khu vực. Sản xuất nông nghiệp phát triển ổn định.
Sản xuất công nghiệp phục hồi tốt, tháng 5 tăng 3,9% so với tháng 4 và tăng 8,9% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 6,8%. Khu vực dịch vụ tiếp tục tăng mạnh, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5 tăng 9,5%; 5 tháng tăng 8,7%.
Kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 5 tháng tăng 4,03%. Tỷ giá, lãi suất có xu hướng ổn định.
An ninh năng lượng, an ninh lương thực được bảo đảm (xuất khẩu gạo 5 tháng đạt 4,15 triệu tấn, kim ngạch đạt 2,65 tỷ USD, tăng 14,7% về lượng và tăng 38,2% về trị giá); cơ bản bảo đảm cân đối cung cầu lao động.
Xuất khẩu tiếp tục xu hướng tăng mạnh. Tổng kim ngạch XNK tháng 5 tăng 9,1% so với tháng 4 và tăng 22,6% so với cùng kỳ; tính chung 5 tháng tăng 16,6%, trong đó xuất khẩu tăng 15,2%; nhập khẩu tăng 18,2%. Đáng mừng là nhập khẩu tăng trở lại phục vụ cho sản xuất trong nước và cán cân thương mại 5 tháng xuất siêu 8,01 tỷ USD.
Thu NSNN tăng mạnh, tình hình tài chính - NSNN tiếp tục được cải thiện. Tổng NSNN 5 tháng ước đạt 52,8% dự toán năm, tăng 14,8% so với cùng kỳ. Nợ công, nợ chính phủ, nợ nước ngoài quốc gia và bội chi NSNN được kiểm soát thấp hơn giới hạn quy định.
Lĩnh vực du lịch phục hồi mạnh, vượt cùng kỳ trước đại dịch. Khách quốc tế 5 tháng đạt 7,6 triệu lượt, tăng 64,9% so với cùng kỳ năm 2023 và tăng 3,9% so với cùng kỳ năm 2019.
Đầu tư phát triển tiếp tục đạt kết quả tích cực. Giải ngân vốn đầu tư công 5 tháng đạt 22,3% kế hoạch, cao hơn cùng kỳ.
Thu hút FDI đạt 11 tỷ USD, tăng 2%, trong đó vốn đăng ký mới đạt 7,9 tỷ USD, tăng 27,5%, cao nhất trong 3 năm qua; vốn FDI thực hiện đạt 8,3 tỷ USD, tăng 7,8%, cao nhất trong những năm qua.
Phát triển DN có xu hướng tích cực; trong 5 tháng có 98,8 nghìn DN thành lập mới và quay trở lại hoạt động, tăng 4,1% so với cùng kỳ, cao hơn số DN rút lui khỏi thị trường (97.300 DN).
Các lĩnh vực văn hóa, xã hội được chú trọng; an sinh xã hội được bảo đảm; đời sống nhân dân được cải thiện; trong tháng 5 có 94,8% số hộ gia đình đánh giá có thu nhập ổn định hoặc cao hơn cùng kỳ; hỗ trợ cho người dân gần 18.500 tấn gạo; tổ chức ý nghĩa Lễ kỷ niệm 70 năm chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ và các ngày Lễ lớn.
Cải cách hành chính, nhất là cắt giảm, đơn giản hoá thủ tục hành chính, chuyển đổi số, Đề án 06 và phòng chống tham nhũng, tiêu cực được đẩy mạnh, góp phần củng cố niềm tin trong Nhân dân.
Chính trị - xã hội ổn định; quốc phòng, an ninh được giữ vững; trật tự an toàn xã hội được bảo đảm; đối ngoại, hội nhập quốc tế được đẩy mạnh; uy tín, vị thế đất nước được nâng lên.
Nhiều tổ chức, chuyên gia uy tín quốc tế tiếp tục đánh giá cao kết quả và triển vọng của kinh tế Việt Nam.
Bên cạnh khẳng định những kết quả đạt được là cơ bản, các thành viên Chính phủ thẳng thắn nhìn nhận còn những tồn tại, hạn chế, khó khăn, thách thức.
Nổi bật là: (i) Sức ép chỉ đạo điều hành còn cao, nhất là về ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tỷ giá và nâng cao hiệu quả quản lý thị trường vàng. (ii) Tình hình SXKD một số lĩnh vực gặp nhiều khó khăn; nông nghiệp gặp thời tiết bất lợi; sản xuất công nghiệp, một số ngành dịch vụ, sức mua phục hồi nhưng còn chậm; (iii) Việc tiếp cận vốn tín dụng còn khó khăn (đến cuối tháng 5, tăng trưởng tín dụng mới đạt 2,41%); nợ xấu có xu hướng tăng; số DN rút khỏi thị trường còn cao; (iv) Thị trường bất động sản bước đầu ổn định nhưng khó khăn, vướng mắc còn chậm được giải quyết; việc triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ cho nhà ở xã hội chưa được cải thiện; còn 29,1 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công chưa phân bổ; (v) Đời sống một bộ phận người dân khó khăn; thiên tai, dịch bệnh, nắng nóng, hạn hán, sụt lở nghiêm trọng ở một số nơi; tình hình tội phạm, tội phạm mạng, an ninh an toàn thông tin còn diễn biến phức tạp…
Kết luận phiên họp, trên cở sở xác định các nguyên nhân, bài học kinh nghiệm và phân tích tình hình quốc tế, khu vực, trong nước, Thủ tướng Chính phủ nêu rõ quan điểm định hướng chỉ đạo, điều hành và các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thời gian tới, trong đó tập trung:
Về chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô: Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả; phối hợp đồng bộ, hài hòa, chặt chẽ với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm.
Tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng, hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, các lĩnh vực ưu tiên; phấn đấu tăng trưởng tín dụng 6 tháng đầu năm khoảng 5%, cả năm khoảng 15%; tiếp tục thực hiện việc giảm lãi suất cho vay từ 1 đến 2%, trong đó 5 ngân hàng thương mại lớn là nòng cốt.
Triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng. Phấn đấu tăng thu, tiết kiệm chi NSNN. Sớm có phương án huy động thêm 100 nghìn tỷ trái phiếu Chính phủ cho các công trình hạ tầng giao thông. Tập trung xử lý khó khăn, vướng mắc trong huy động, sử dụng vốn ODA.
Tiếp tục thực hiện miễn, giảm thuế, phí, lệ phí, tiền sử dụng đất để tháo gỡ khó khăn cho hoạt động sản xuất kinh doanh. Kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra; có giải pháp ổn định thị trường, giá cả.
Tập trung làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu) và thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng mới, nhất là trong 03 lĩnh vực: (i) Thể chế, cơ chế, chính sách; (ii) Phát triển kinh tế vùng, liên kết vùng, đô thị; (iii) Chuyển đổi số, chuyển đổi xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, các ngành, lĩnh vực mới như chíp bán dẫn, AI…
Quyết liệt đẩy mạnh hơn nữa giải ngân vốn đầu tư công, 03 CTMTQG. Tiếp tục đẩy mạnh hoạt động của 5 Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và 26 Tổ công tác của thành viên Chính phủ.
Báo cáo Quốc hội cho phép chủ động điều chỉnh kế hoạch vốn từ nơi chưa phân bổ, chậm giải ngân sang nơi giải ngân nhanh, có nhu cầu bổ sung vốn; tiếp tục đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án hạ tầng quan trọng, trọng điểm quốc gia; phấn đấu giải ngân trên 95% kế hoạch được giao.
Tập trung hoàn thiện thể chế, pháp luật, cải cách thủ tục hành chính, đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia.
Khẩn trương ban hành đầy đủ, kịp thời các Nghị định, Thông tư, văn bản hướng dẫn, bảo đảm đồng thời với hiệu lực của các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Các tổ chức tín dụng…
Quyết liệt cắt giảm, đơn giản hóa thủ tục hành chính; đẩy mạnh chuyển đổi số, Đề án 06, xây dựng Trung tâm dữ liệu quốc gia. Khẩn trương ban hành, tổ chức thực hiện Kế hoạch triển khai các quy hoạch đã ban hành, đặc biệt là quy hoạch điện VIII, các quy hoạch vùng, quy hoạch tỉnh.
Tập trung phát triển mạnh các ngành, lĩnh vực chủ yếu. Trong đó: (i) Về công nghiệp, tập trung tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy công nghiệp chế biến chế tạo, công nghiệp phụ trợ; đẩy nhanh tiến độ các dự án quy mô lớn, công nghệ cao, lan tỏa mạnh mẽ; điều hành chủ động, linh hoạt, nhất định không để thiếu điện, xăng dầu trong mọi tình huống. (ii) Về nông nghiệp, tận dụng tốt cơ hội xuất khẩu nông sản; sớm gỡ "thẻ vàng" (IUU); điều tiết, bảo đảm đủ nước cho nông nghiệp, sản xuất điện, sinh hoạt của người dân; tổ chức thực hiện hiệu quả phòng, chống cháy rừng với phương châm "4 tại chỗ". (iii) Về dịch vụ, du lịch, tập trung phát triển mạnh các ngành dịch vụ có tiềm năng, lợi thế, ứng dụng công nghệ cao; tiết giảm chi phí vận tải, logistics; đẩy mạnh thu hút du lịch, tăng cường quản lý giá, chất lượng dịch vụ, nhất là mùa du lịch hè.
Tiếp tục xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài, trong đó có 02 dự án Bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức cơ sở 2.
Chú trọng các lĩnh vực văn hoá, xã hội, môi trường; bảo đảm ASXH, đời sống Nhân dân.
Chuẩn bị cải cách tiền lương theo các Nghị quyết của Trung ương, Quốc hội theo nguyên tắc bảo đảm công bằng, bình đẳng, hài hoà, ổn định và có lộ trình phù hợp; đề xuất phương án phù hợp nhất thực hiện từ ngày 01/7/2024.
Làm tốt công tác khám chữa bệnh, bảo đảm thuốc; phòng chống đuối nước, nhất là ở trẻ em; tổ chức tốt Kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh đại học, cao đẳng năm 2024. Khẩn trương hoàn thành CTMTQG về văn hóa trình Quốc hội.
Tăng cường quốc phòng, an ninh; bảo đảm an ninh trật tự, phòng chống tội phạm; phòng chống tham nhũng, tiêu cực.
Triển khai chu đáo, thực chất, hiệu quả các hoạt động đối ngoại của Lãnh đạo cấp cao; nhanh chóng cụ thể hóa, khai thác có hiệu quả các điều ước, thỏa thuận quốc tế.
Tăng cường công tác thông tin, truyền thông, tạo đồng thuận xã hội; đặc biệt quan tâm đến truyền thông chính sách và những vấn đề quan trọng, được dư luận xã hội quan tâm; đấu tranh, phản bác các thông tin xấu, độc, chống phá Đảng, Nhà nước, xử lý nghiêm các sai phạm.