Theo báo Giáo dục và Thời đại: Mặc dù, Bộ Nội vụ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch cũng như Bộ GD&ĐT đều có văn bản quy định về vị trí việc làm và thăng hạng chức danh nghề nghiệp, chế độ lương và phụ cấp độc hại. Tuy nhiên, đến nay, ngoài lương, đội ngũ này không có thêm bất kỳ khoản nào.
Là nhân viên thư viện trường học ở thị xã Duy Tiên (Hà Nam), cô Nguyễn Thị Ngọc Hường cho biết: Khoản 3 mục III Thông tư số 07/2005/TT- BNV ngày 5/1/2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại đối với cán bộ công chức, viên chức.
Ngoài ra, tại khoản 2 mục III Thông tư số 26/2006/TT- BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ công chức, viên chức ngành văn hóa thông tin.
Ngày 6/5/2024, Sở GD&ĐT tỉnh Hà Nam có công văn đề nghị Ủy ban nhân dân huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ sở giáo dục công lập thuộc phạm vi quản lý thực hiện theo quy định hiện hành về các loại phụ cấp đối với nhân viên trường học, bảo đảm đúng đối tượng, mức phụ cấp theo vị trí việc làm.
Theo đó, phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với nhân viên thư viện: Thực hiện theo quy định tại mục II Thông tư số 26/2006/TT-BVHTT ngày 21/2/2006 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa - Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) hướng dẫn thực hiện chế độ độc hại, nguy hiểm và bồi dưỡng bằng hiện vật đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành văn hóa - thông tin.
Nguồn kinh phí, cách tính và chi trả chế độ các loại phụ cấp thực hiện theo hướng dẫn tại các văn bản nêu trên của các bộ quản lý chuyên ngành, lĩnh vực và quy định hiện hành của Nhà nước.
Trong công văn ban hành, sở cũng yêu cầu các đơn vị trực thuộc nghiên cứu kỹ quy định về đối tượng, mức phụ cấp, cách tính và chi trả phụ cấp đối với người lao động.
Căn cứ thực tế nhiệm vụ được phân công của nhân viên trong đơn vị để xác định đúng đối tượng, mức phụ cấp đối với từng vị trí việc làm; thực hiện chi trả phụ cấp ưu đãi, trách nhiệm, độc hại, nguy hiểm đối với người lao động tại đơn vị bảo đảm đúng quy định.
“Không hiểu vì sao đến hết tháng 5/2024 tỉnh Hà Nam vẫn không giải quyết chi trả chế độ cho nhân viên thư viện trên địa bàn mặc dù Bộ GD&ĐT đã có Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD ngày 26/12/2023 về việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên trường học”, cô Hường nói.
Ngày 30/10/2023, Bộ GD&ĐT ban hành Thông tư số 20/2023 hướng dẫn về vị trí việc làm, cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và định mức số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục phổ thông.
“Cách tính trả lương và phụ cấp cho người làm công tác thư viện hưởng theo quy định Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, nhưng lại thực hiện tiết đọc tiếng Việt như một giáo viên. Vì vậy, chúng tôi vừa là viên chức văn hóa thông tin, vừa là giáo viên đứng lớp.
Tại Quyết định số 61/1998 và Thông tư 16/2022 của Bộ GD&ĐT đều khẳng định, chúng tôi là giáo viên thư viện dạy tiết đọc thư viện và phụ trách mảng thư viện...
Do đó, đề xuất đội ngũ này được hưởng phụ cấp đứng lớp và các phụ cấp độc hại của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Hơn nữa, chúng tôi được xếp vào nhóm chuyên môn dùng chung như văn thư, kế toán... trong khi phục vụ sách báo chuyên dùng để giảng dạy trên lớp và hướng dẫn các em tiết đọc thư viện cũng như nhân viên thiết bị - hướng dẫn học sinh thí nghiệm (được xếp vào chuyên môn chuyên ngành).
Chưa kể, chúng tôi đang kiêm nhiệm mảng thiết bị dạy học mà không được xếp như nhân viên thiết bị.
Vị trí việc làm này chưa đầy đủ, chưa đảm bảo hết được những công việc mà đội ngũ phải làm, chưa tạo điều kiện cho người làm thư viện được xét hạng cao hơn”, cô Lê Thị Xuân Châu – nhân viên thư viện tại Khánh Hòa nói.
Cũng theo cô Châu, nhân viên thư viện hạng II hầu như chưa có, hạng III rất ít, đa phần là hạng IV.
Trong tâm thư, đội ngũ nhân viên thư viện đề nghị các ban, ngành xét cho bộ phận thư viện trường học trên cả nước được thăng từ hạng IV lên hạng III và đặc biệt là hạng II.
Điều này nhằm cải thiện mức lương và hệ số lương đội ngũ này cao hơn, giúp đảm bảo cuộc sống.
Ngoài ra, mong các cấp nên đầu tư cơ cở vật chất cho thư viện trường học để có thể đạt thư viện chuẩn và tiến hành khen thưởng cho người làm công tác thư viện.
Thực tế cho thấy, trường học muốn được công nhận đạt chuẩn quốc gia các mức thì thư viện của trường phải đạt chuẩn trước. Có nơi, người làm công tác thư viện đã bỏ công sức, trí tuệ ra xây dựng một thư viện đạt chuẩn lại không hề được động viên, khích lệ bằng những tấm giấy khen dù họ xứng đáng được tôn vinh.
Ngày 26/12/2023, Bộ GD&ĐT có Công văn số 7211/BGDĐT-NGCBQLGD về việc thực hiện chế độ chính sách và thăng hạng chức danh nghề nghiệp cho đội ngũ nhân viên trường học.
Theo đó, Bộ GD&ĐT đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo sở GD&ĐT chủ trì phối hợp với sở Nội vụ, cơ quan liên quan tổ chức rà soát, thực hiện đúng quy định về chế độ chính sách có liên quan đến đội ngũ viên chức gắn với vị trí việc làm chuyên môn dùng chung.
Trong đó, lưu ý nhóm này tiếp tục thực hiện các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp và được áp dụng các chế độ, chính sách về tiền lương, phụ cấp độc hại, các phụ cấp khác (nếu có) như quy định của các bộ quản lý công chức, viên chức chuyên ngành, lĩnh vực (khoản 5 Điều 02 Thông tư số 20/2023/TT-BGDĐT).
Bên cạnh đó, Bộ GD&ĐT cũng đề nghị các cơ quan liên quan căn cứ khoản 16, khoản 17 Điều 1 Nghị định số 85/2023/NĐ-CP (sửa đổi Điều 32, Điều 33) để tham mưu tổ chức hoặc tổ chức theo thẩm quyền việc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp (trường hợp có phân hạng) cho đội ngũ viên chức nhân viên trường học theo quy định nhằm đảm bảo quyền lợi, góp phần cải thiện thu nhập cho đội ngũ.
Qua chia sẻ của đồng nghiệp, cô Phạm Thị Chiêm, nhân viên thư viện trường học tại TP Thái Bình (Thái Bình) được biết một số tỉnh, thành thực hiện chi trả chế độ cho nhân viên thư viện. Cụ thể như các tỉnh Nghệ An, Kon Tum, Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Thái Nguyên, Cao Bằng…
Theo cô Chiêm, nhân viên thư viện trường học mong mỏi trong thời gian gần nhất, chế độ về lương và phụ cấp được triển khai rộng khắp trên toàn quốc.
“Chúng tôi mong được các cấp lãnh đạo, ban, ngành quan tâm để có cơ hội được truy lĩnh chế độ độc hại và hiện vật, có cơ hội chuyển ngạch theo đúng bằng cấp, cải thiện được mức lương sau bao nhiêu năm đèn sách và cống hiến”, cô Chiêm bày tỏ.