Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên do Ban Dân nguyện chuyển theo Công văn số 1611/BDN ngày 21/11/2023, với nội dung sau:
Thứ nhất, tại khoản 7 Điều 31 Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam sửa đổi năm 2014 quy định sĩ quan tại ngũ được hưởng tiền lương, phụ cấp, nhà ở và điều kiện “Được hưởng phụ cấp nhà ở; được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, được bảo đảm nhà ở công vụ theo quy định của pháp luật”.
Cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền quan tâm tiếp tục triển khai, thực hiện có hiệu quả chính sách nhà ở như đã đề cập góp phần tạo điều kiện để sĩ quan và gia đình được bảo đảm về cuộc sống, yên tâm công tác.
Thứ hai, cử tri đề nghị trình Quốc hội sửa đổi, điều chỉnh tuổi phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm của sĩ quan quy định tại khoản 1 Điều 13 Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam theo hướng tăng tuổi phục vụ tại ngũ (đối với cấp úy, Thiếu tá, Trung tá tăng lên 54 tuổi; Thượng tá từ 54 lên 55; Đại tá từ 57 lên 60 tuổi) để bảo đảm cho những sĩ quan khi hết tuổi phục vụ tại ngũ được hưởng đủ 75% lương hưu, góp phần tạo điều kiện cho sĩ quan có cuộc sống ổn định hơn, đồng thời phù hợp với tính chất đặc thù công việc, tránh lãng phí nguồn nhân lực có kinh nghiệm, giảm được kinh phí đào tạo, bồi dưỡng hằng năm”.
Bộ Quốc phòng có văn bản trả lời như sau: Thực hiện kết luận của Thủ tướng Chính phủ về việc Bộ Quốc phòng tiến hành sơ kết, tổng kết Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam và các văn bản liên quan để sớm đề xuất sửa đổi, bổ sung theo quy định (Văn bản số 17/TB-VPCP ngày 18/3/2022 của Văn phòng Chính phủ), Bộ Quốc phòng đang chỉ đạo tổ chức tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam từ cấp trung đoàn và tương đương trở lên đến cấp Bộ Quốc phòng.
Trên cơ sở kết quả tổng kết thực hiện Luật Sĩ quan và lộ trình thực hiện Nghị quyết số 05-NQ/TW ngày 17/01/2022 của Bộ Chính trị về tổ chức Quân đội nhân dân Việt Nam giai đoạn 2021-2030 và những năm tiếp theo, Bộ Quốc phòng sẽ xem xét, đề xuất việc sửa đổi, bổ sung Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cho phù hợp, trong đó có tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan, phụ cấp nhà ở, chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội và nhà ở công vụ.
Cử tri tỉnh Hưng Yên đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên theo hướng sĩ quan dự bị đã được đào tạo nhưng do tổ chức, biên chế có hạn nên chưa được sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị dự bị động viên được hưởng chế độ phụ cấp hằng quý.
Đồng thời, cử tri đề nghị cấp có thẩm quyền xem xét tăng chỉ tiêu nguồn đào tạo sĩ quan dự bị từ sinh viên, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ (có sự phân bổ chỉ tiêu đào tạo các ngành cho phù hợp với chuyên môn quân sự) nhằm tạo thuận lợi cho công tác đăng ký, quản lý, sắp xếp, kiện toàn sĩ quan dự bị vào các đơn vị dự bị động viên”.
Về vấn đề này, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:
Thứ nhất, về nội dung “Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định Nghị định số 79/2020/NĐ-CP ngày 08/7/2020 của Chính phủ quy định về chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên theo hướng sĩ quan dự bị đã được đào tạo nhưng do tổ chức, biên chế có hạn nên chưa được sắp xếp, bổ nhiệm vào các đơn vị dự bị động viên được hưởng chế độ phụ cấp hằng quý”.
Luật Lực lượng dự bị động viên được Quốc hội thông qua ngày 26/11/2019; trong đó có quy định về đơn vị dự bị động viên, tổ chức biên chế đơn vị dự bị động viên, việc xếp quân nhân dự bị vào đơn vị dự bị động viên, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm chức vụ đối với quân nhân dự bị và chế độ, chính sách trong xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên…
Căn cứ Luật Lực lượng dự bị động viên, Chính phủ đã quy định chế độ, chính sách đối với quân nhân dự bị nói chung, sĩ quan dự bị nói riêng gắn với tổ chức biên chế của đơn vị dự bị động viên.
Theo đó, sĩ quan dự bị được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên, được bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên phải thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao theo quy định, nên hằng quý được hưởng phụ cấp trách nhiệm tùy theo vị trí được sắp xếp, chức vụ được bổ nhiệm.
Trường hợp chưa được sắp xếp vào đơn vị dự bị động viên và bổ nhiệm giữ chức vụ chỉ huy đơn vị dự bị động viên thì chưa được hưởng chế độ phụ cấp trách nhiệm là phù hợp.
Việc quy định chế độ, chính sách xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên nói chung, phụ cấp trách nhiệm quản lý đơn vị dự bị động viên nói riêng đã được các bộ, ngành nghiên cứu, cân nhắc kỹ, Chính phủ ban hành Nghị định thực hiện chế độ, chính sách phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội của đất nước và tình hình thực tiễn.
Về nội dung “Đề nghị xem xét tăng chỉ tiêu nguồn đào tạo sĩ quan dự bị từ sinh viên, hạ sĩ quan chuẩn bị xuất ngũ (có sự phân bổ chỉ tiêu đào tạo các ngành cho phù hợp với chuyên môn quân sự) nhằm tạo thuận lợi cho công tác đăng ký, quản lý, sắp xếp, kiện toàn sĩ quan dự bị vào các đơn vị dự bị động viên”
Những năm qua, Bộ Quốc phòng đã có nhiều chủ trương, biện pháp chỉ đạo thực hiện công tác xây dựng, huy động lực lượng dự bị động viên; trong đó đã tăng chỉ tiêu đào tạo sĩ quan dự bị từ các đối tượng, ưu tiên chỉ tiêu đào tạo đối với chuyên ngành thiếu nhiều, gắn địa bàn động viên với địa bàn tuyển quân để việc tạo nguồn đào tạo theo đúng địa chỉ…
Hiện nay, đội ngũ sĩ quan dự bị hiện có đạt 144% so với nhu cầu động viên, đã sắp xếp đạt 92,2%.
Bộ Quốc phòng tiếp thu đề nghị của cử tri và sẽ chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, hướng dẫn đơn vị, địa phương trong việc tạo nguồn, xây dựng kế hoạch đào tạo sĩ quan dự bị nhất là các chuyên ngành còn thiếu cho phù hợp để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ.