Ban Thường vụ Thành ủy Cần Thơ tổ chức hội nghị báo cáo và lấy ý kiến về dự thảo các đề án sắp xếp đơn vị hành chính các cấp TP Cần Thơ.
Tại hội nghị, các cán bộ nghe đại diện Ban Thường vụ Thành ủy báo cáo các đề án sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp TP Cần Thơ.
Theo đó, TP Cần Thơ hiện nay có 80 đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện sắp xếp, sáp nhập còn 32 đơn vị hành chính cấp xã (gồm 16 phường, 16 xã).
Tỉnh Sóc Trăng hiện nay có 108 đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện sắp xếp, sáp nhập còn 43 đơn vị hành chính cấp xã (35 xã, 8 phường).
Tỉnh Hậu Giang hiện nay có 103 đơn vị hành chính cấp xã, thực hiện sắp xếp, sáp nhập còn 28 đơn vị hành chính cấp xã (21 xã, 7 phường).
Đối với cấp tỉnh, hợp nhất, sáp nhập tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đơn vị hành chính TP Cần Thơ sau khi hợp nhất, sáp nhập có diện tích tự nhiên hơn 6.360km2; quy mô dân số 4.199.806 người; số lượng đơn vị hành chính trực thuộc là 103 xã, phường (31 phường, 72 xã).
Quy mô kinh tế TP Cần Thơ sau khi hợp nhất, sáp nhập có tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) 281.675 tỉ đồng; tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn 24.043 tỉ đồng; thu nhập bình quân đầu người 88,02 triệu đồng.
Trung tâm chính trị - hành chính TP Cần Thơ sau khi hợp nhất, sáp nhập đặt tại TP Cần Thơ hiện nay…
Các ý kiến tại hội nghị bày tỏ sự đồng tình, tin tưởng vào chủ trương của Đảng và Nhà nước về sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính các cấp. Chủ trương này là để mở rộng không gian phát triển kinh tế - xã hội của mỗi địa phương, làm giàu cho đất nước.
Chính vì thế, cần quán triệt tư tưởng, đẩy mạnh tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và người dân hiểu rõ lợi ích của chủ trương này, tạo sự đồng thuận trong thực hiện.
Đề nghị có giải pháp tránh lãng phí trong xử lý trụ sở, tài sản nhà nước sau khi sáp nhập; giải quyết tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau khi sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; lựa chọn cán bộ có đức, đủ tài bố trí vào làm việc ở cơ quan, đơn vị các cấp trong hệ thống chính trị sau khi sắp xếp, sáp nhập.
Đề nghị lựa chọn tên xã, phường mới cho hợp lý, nhất là chú ý tên gắn với lịch sử, tên gọi của quê hương đó…
Đồng chí Đỗ Thanh Bình ghi nhận, tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ các ý kiến tâm huyết tại hội nghị.
Đồng chí Bí thư Thành ủy khẳng định, Ban Thường vụ Thành ủy, Ban Chỉ đạo về hợp nhất, sáp nhập đơn vị hành chính cấp tỉnh đang tập trung chỉ đạo làm tốt công tác quán triệt tư tưởng, tuyên truyền để tạo sự đồng thuận của hệ thống chính trị và nhân dân về chủ trương sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính.
Tập trung nguồn lực để giải quyết tốt chế độ, chính sách cho cán bộ, công chức, viên chức dôi dư sau sắp xếp, sáp nhập đơn vị hành chính; lựa chọn cán bộ chuẩn chất, ngang tầm nhiệm vụ bố trí vào bộ máy hệ thống chính trị sau sắp xếp, sáp nhập.
Ban Thường vụ Thành ủy chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, sở, ngành chức năng nghiên cứu chọn và đặt tên xã, phường mới đảm bảo yếu tố lịch sử và truyền thống văn hóa của vùng đất và quê hương…
Ban Pháp chế HĐND TP Cần Thơ tổ chức cuộc họp thẩm tra dự thảo Nghị quyết và Tờ trình về việc thông qua chủ trương sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. UBND TP Cần Thơ đã trình báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến cử tri đối với sắp xếp đơn vị hành chính tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ và Dự thảo Đề án sắp xếp tỉnh Sóc Trăng, tỉnh Hậu Giang và TP Cần Thơ. Đồ họa: Báo Cần Thơ