Ngày 22/10, tại Nhà Quốc hội, Quốc hội thảo luận tại tổ về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023; Tình hình thực hiện ngân sách nhà nước năm 2022, dự toán ngân sách nhà nước.
Thảo luận tại Tổ 2, đa số các đại biểu đồng tình, đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ về tình hình kinh tế - xã hội và nhấn mạnh, năm 2022 nước ta hoàn thành và vượt 14/15 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội.
Tốc độ tăng trưởng kinh tế dự kiến năm nay sẽ đạt khoảng 8%, trong khi đó, kế hoạch đề ra là 6%-6,5%. Nhiều chỉ tiêu về văn hóa, xã hội, ngân sách đều đạt.
Điều quan trọng hơn là những khó khăn, thách thức mà Việt Nam phải đương đầu thì cả thế giới hiện nay cũng đang gặp phải, xuất hiện rất nhiều yếu tố vừa bất định vừa bất ngờ vừa bất ổn và rất bất thường trước những yếu tố của thế giới.
Góp ý vào Báo cáo của Chính phủ, theo đại biểu Trần Hoàng Ngân (Thành phố Hồ Chí Minh), trong bối cảnh tình hình chính trị, kinh tế thế giới diễn biến phức tạp, Việt Nam đã hoàn thành các mục tiêu đề ra, đó là nỗ lực đáng trân trọng và là động lực để chúng ta tiếp tục phấn đấu đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế mà Đại hội Đảng toàn quốc đã đề ra; hoàn thành kế hoạch kinh tế giai đoạn 2021-2025.
Đại biểu dẫn chứng, thu ngân sách 9 tháng đầu năm 2022 đã đạt 94%, ước cả năm sẽ tăng tới 14,3% so với dự toán. Đối với, Thành phố Hồ Chí Minh, ước thu ngân sách cả năm 2022 sẽ khoảng hơn 426 nghìn tỷ đồng, là con số cao nhất từ trước tới nay, vượt xa so với dự toán. Đây là nỗ lực rất lớn của lãnh đạo chính quyền và nhân dân Thành phố, đóng góp vào mục tiêu chung của cả nước.
Đại biểu Trần Hoàng Ngân cho biết, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam từ đầu năm đến nay là 585 tỷ đô la, xuất siêu là 7,24 tỷ đô la, là con số rất cao so với cùng kỳ, trong khi vốn đầu tư nước ngoài cũng đang tiếp tục gia tăng. Bên cạnh đó, quốc phòng an ninh được tăng cường và giữ vững; thể chế tiếp tục hoàn thiện, hạ tầng kinh tế xã hội được cải thiện,...
Tuy nhiên, theo đại biểu chúng ta vẫn còn những tồn tại nhất định, với tình hình như bên ngoài hiện nay đang bất ổn khiến chúng ta gặp nhiều thách thức trong việc điều hành chính sách tiền tệ.
Vì vậy, đại biểu Trần Hoàng Ngân đề nghị cần quyết liệt hơn trong việc điều hành nền kinh tế vĩ mô trong thời gian tới.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của thị trường trái phiếu trong việc huy động nguồn vốn, đại biểu cho rằng "phải đảm bảo được thể chế minh bạch, hiệu quả, để đảm bảo cho người dân và doanh nghiệp trong việc giao dịch mua bán trái phiếu trên thị trường và phải có cơ chế kiểm tra, giám sát".
Bên cạnh đó, "chúng ta cũng phải tăng cường xử lý các tổ chức tín dụng yếu kém để tạo ra hệ thống an ninh tiền tệ chặt chẽ và hiệu quả", đại biểu Trần Hoàng Ngân nhấn mạnh.