In bài viết

Một loạt chính sách chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển

18:20 - 20/12/2022

(Chinhphu.vn) - Trong năm qua, Bộ Tài chính đã chủ động, kịp thời tham mưu, đề xuất Chính phủ, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành các chính sách nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân, kiểm soát lạm phát hiệu quả, góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Đáng chú ý có nhiều chính sách được ban hành chưa có trong tiền lệ, qua đó giúp khơi thông nhiều điểm nghẽn của nền kinh tế.

Một loạt chính sách tài chính chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển - Ảnh 1.

Đột phá, sáng tạo, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành tài chính

Bộ Tài chính cho biết, trong điều kiện nền kinh tế còn nhiều khó khăn sau 2 năm ảnh hưởng bởi dịch bệnh COVID-19, cơ quan này đã chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 nghìn tỷ đồng. 

Đây là nền tảng đưa kinh tế Việt Nam tiếp tục hồi phục mạnh mẽ, kinh tế cả nước đã bắt kịp đà tăng trưởng tốt hơn trước dịch với GDP tăng trưởng cả năm đạt khoảng 8%, lạm phát được kiểm soát ở mức tăng dưới 3%. 

Đáng chú ý, Bộ Tài chính chủ động đề xuất cấp có thẩm quyền kịp thời có những điều chỉnh về chính sách tài khóa nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội.

Trong đó, Bộ Tài chính đã đề xuất cấp có thẩm quyền ban hành các chính miễn, giảm, gia hạn thuế giá trị gia tăng, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân và tiền thuê đất năm 2022; gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước; miễn giảm 37 loại phí, lệ phí. 

Một loạt chính sách tài chính chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển - Ảnh 2.

Trước áp lực từ diễn biến giá xăng dầu trên thế giới tăng nhanh gây áp lực lên lạm phát tăng chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và đời sống người dân, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội giảm mức thuế bảo vệ môi trường về mức sàn đối với xăng, dầu, mỡ nhờn đến hết năm 2022 và đề xuất tiếp tục giảm trong năm 2023. 

Dự kiến thực hiện các giải pháp này sẽ hỗ trợ cho doanh nghiệp và người dân trong năm 2022 khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng, đến nay đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng.

Bên cạnh đó, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi Ngân sách Trung ương năm 2021 số tiền 6.600 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và 240 tỷ đồng để cân đối nguồn, giảm áp lực huy động vốn cho Chương trình phục hồi. 

Đồng thời yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngay từ khi giao dự toán, cắt giảm những khoản chi ngân sách trung ương đã được giao nhưng chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình. Tổng số cắt giảm của các bộ, cơ quan trung ương khoảng 533 tỷ đồng.

Những chính sách nêu trên đã thể hiện sự đột phá, sáng tạo và quyết liệt trong công tác điều hành của Bộ Tài chính trong năm vừa qua. Điều này đã góp phần kịp thời hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, thúc đẩy phục hồi kinh tế, đảm bảo an sinh xã hội, ổn định đời sống người dân.

Một loạt chính sách tài chính chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển - Ảnh 3.

Thu ngân sách nhà nước về đích sớm

Việc triển khai hiệu quả các chính sách tài khóa, đồng bộ với chính sách tiền tệ và các chính sách vĩ mô khác đã tác động tích cực đến kết quả thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2022. 

Qua đó giúp công tác thu ngân sách nhà nước về đích sớm ngay từ tháng 10/2022, đến ngày 15/12/2022 đã đạt 1.691,8 nghìn tỷ đồng, vượt 19,8% dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã Báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4. 

Trong bối cảnh Chính phủ tiếp tục thực hiện các chính sách ưu đãi, miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí như nêu trên thì kết quả thu ngân sách tính thời điểm này được đánh giá là tích cực, tạo dư địa trong điều hành tài khóa, hỗ trợ cho chính sách tiền tệ, đáp ứng kịp thời các nhiệm vụ chi ngân sách nhà nước. 

Nhờ đó giúp Chính phủ có thêm nguồn lực cho đầu tư phát triển và giảm nợ công, an ninh tài chính của đất nước được giữ vững, đưa vị thế của Việt Nam ngày càng được cải thiện trong mắt cộng đồng quốc tế.

Một loạt chính sách tài chính chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển - Ảnh 4.

Thủ tướng và các đại biểu kích hoạt hệ thống hoá đơn điện tử - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước

Có được kết quả này một phần nhờ vào những đột phá trong tổ chức triển khai các giải pháp thu ngân sách của cơ quan thuế, hải quan trong năm vừa qua. 

Trong lĩnh vực thuế, đã triển khai thành công hệ thống hóa đơn điện tử trên phạm vi cả nước, với gần 100% doanh nghiệp, hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh chuyển sang sử dụng hóa đơn điện tử, góp phần tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch và thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, Cổng Thông tin thương mại điện tử cũng chính thức được kích hoạt, trở thành là công cụ hữu hiệu hỗ trợ cho người dân, doanh nghiệp, cung cấp thông tin, kê khai và thực hiện nghĩa vụ thuế bằng phương thức điện tử. 

Cơ quan thuế cũng đã triển khai ứng dụng trên nền tảng thiết bị di động eTax – Mobile qua đó kết nối giữa các Ngân hàng thương mại và hệ thống Kho bạc nhằm tạo thuận lợi cho người nộp thuế.

Một loạt chính sách tài chính chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển - Ảnh 5.

Triển khai Cổng TTĐT xuyên biên giới dành cho nhà cung cấp nước ngoài

Đáng lưu ý, công tác thanh tra kiểm tra chống chuyển giá, gian lận thuế được tăng cường, đồng thời thực hiện hiệu quả công tác chống thất thu trong lĩnh vực chuyển nhượng bất động sản, các giao dịch thương mại điện tử xuyên biên giới. 

Cơ quan thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử xuyên biên giới dành cho Nhà cung cấp nước ngoài từ tháng 3/2022, đến nay đã có 42 nhà cung cấp nước ngoài kê khai nộp thuế qua Cổng thông tin này với tổng số thuế đã nộp là 3,44 nghìn tỷ đồng, trong đó có nhiều công ty công nghệ lớn trên thế giới như Apple, Meta (Facebook), Google, Microsoft, Tiktok, Netflix…

Một loạt chính sách tài chính chưa có tiền lệ và những giải pháp đột phá đã 'bơm máu', tiếp sức cho nền kinh tế phục hồi, phát triển - Ảnh 6.

Bắt giữ trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan

Trong lĩnh vực hải quan, Bộ Tài chính đã làm tốt vai trò của Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tích cực phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương triển khai nhiều giải pháp đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới, góp phần bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ nền sản xuất hàng hóa trong nước, bảo vệ môi trường, sức khỏe người dân, chống thất thu ngân sách. 

Trong năm 2022, lực lượng Hải quan đã bắt giữ trên 16 nghìn vụ vi phạm trong lĩnh vực hải quan với trị giá 5,8 nghìn tỷ đồng, thu nộp Ngân sách nhà nước 425,6 tỷ đồng. 

Cơ quan Hải quan đã ban hành quyết định khởi tố 45 vụ và chuyển các cơ quan khác khởi tố 112 vụ vi phạm, đặc biệt là bắt giữ 268 vụ buôn bán, vận chuyển ma túy, bắt giữ 233 đối tượng; tang vật thu được gồm: 153 kg Heroin và 28 bánh heroin; 145 kg Cần sa; 49,1 kg thuốc phiện; ma tuý tổng hợp 629 kg và 54.164 viên, ketamin 47,5 kg. 

Bên cạnh đó, lực lượng Hải quan cũng đã bắt giữ nhiều vụ liên quan đến buôn lậu xăng dầu, vận chuyển tiền xuyên biên giới...

Triển khai hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN

Cùng với việc tạo thuận lợi cho hoạt động xuất nhập khẩu, tăng cường chống buôn lậu và gian lận thương mại, cơ quan hải quan đã triển khai rất hiệu quả Cơ chế một cửa quốc gia, Cơ chế một cửa ASEAN, xây dựng Hải quan thông minh.

Thực hiện quản lý, giám sát và đảm bảo vận hành Hệ thống thông quan tự động VNACCS/VCIS và các hệ thống công nghệ thông tin tập trung, an toàn bảo mật với đường truyền thông suốt đã góp phần làm cho việc thông quan hàng hóa xuất nhập khẩu theo hướng ngày càng hiện đại hóa, đơn giản, thuận lợi, giúp tiết kiệm chi phí cho người dân, doanh nghiệp. 

Qua đó đã góp phần đưa kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2022 của Việt Nam chạm mốc kỷ lục 700 tỷ USD, xuất siêu gần 11 tỷ USD, góp phần quan trọng vào cân đối ngân sách.