Tham dự Phiên khai mạc có: Tổng Bí thư, Đại tướng Tô Lâm; Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch nước Lương Cường; Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Cẩm Tú; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến.
Cùng dự còn có: các Ủy viên Bộ Chính trị; Bí thư Trung ương Đảng; Phó Chủ tịch nước; các Phó Thủ tướng Chính phủ; các Phó Chủ tịch Quốc hội; Ủy viên Trung ương Đảng; các Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Trưởng đoàn, Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; lãnh đạo các cơ quan Trung ương và địa phương.
Theo thông cáo báo chí về chương trình, nội dung Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV cho biết, Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV khai mạc vào ngày 12/02/2025 và dự kiến bế mạc vào ngày 19/02/2025 theo hình thức họp tập trung tại Nhà Quốc hội, Thủ đô Hà Nội.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, thông qua nhiều luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy; xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền cùng nhiều nội dung quan trọng.
Về chương trình, nội dung Kỳ họp, tại Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định các nội dung cụ thể như sau:
Quốc hội xem xét, thông qua: (1) Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; (2) Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi);
(3) Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); (4) Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi);
(5) Nghị quyết của Quốc hội quy định về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước;
(6) Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội (trường hợp Luật Tổ chức Quốc hội được Quốc hội quyết định sửa đổi theo hướng không quy định cụ thể tên gọi các cơ quan chuyên môn của Quốc hội như Luật hiện hành);
(7) Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV (sửa đổi);
(8) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi);
(9) Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV (sửa đổi).
Cũng trong kỳ họp này, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Xem xét Tờ trình về Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên.
Quốc hội xem xem xét, quyết định: (1) Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
(2) Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
(3) Chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng;
(4) Các cơ chế, chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
(5) Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024-2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC);
(6) Một số cơ chế, giải pháp cấp bách cần thiết để triển khai Dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, xây mới Trụ sở làm việc cơ quan Chủ tịch nước tại số 02 Lê Thạch, Hoàn Kiếm, Hà Nội.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội gửi báo cáo đến Quốc hội về việc cho thôi làm nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV đối với ông Dương Văn An thuộc Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc.
Về công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp, do thời gian diễn ra Kỳ họp ngắn, Tổng Thư ký Quốc hội không tổ chức Họp báo trước Kỳ họp.
Để bảo đảm công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội ban hành Thông cáo báo chí về nội dung, chương trình Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Thông cáo báo chí hằng ngày về chương trình nghị sự của Kỳ họp; cử đại diện tham dự và cung cấp thông tin cho lãnh đạo các cơ quan báo chí về một số nội dung liên quan đến Kỳ họp tại Hội nghị Giao ban báo chí định kỳ (do Ban Tuyên giáo và Dân vận Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông; Hội Nhà báo Việt Nam phối hợp tổ chức); tổ chức Họp báo trong nước và quốc tế về kết quả Kỳ họp.
Các cơ quan báo chí bám sát Đề án tổ chức công tác thông tin, báo chí tuyên truyền về Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV của Văn phòng Quốc hội và Đề cương tuyên truyền chi tiết các nội dung được Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp để triển khai công tác thông tin, tuyên truyền.
Trung tâm Báo chí Kỳ họp được bố trí tại tầng B1, Nhà Quốc hội, Ba Đình, Hà Nội. Thời gian mở cửa từ 7 giờ 30 phút đến 18 giờ 30 phút hàng ngày (trừ ngày Quốc hội nghỉ).
Trung tâm Báo chí Kỳ họp được bố trí đầy đủ cơ sở vật chất, thiết bị kỹ thuật; wifi, máy tính, máy in kết nối internet; lắp đặt đường truyền tín hiệu, hình ảnh, âm thanh từ Hội trường Diên Hồng, Nhà Quốc hội đến tầng B1 bảo đảm cho phóng viên khai thác tin, hình thuận lợi.
Phiên khai mạc và phiên bế mạc Kỳ họp bất thường lần thứ 9, Quốc hội khóa XV được truyền hình, phát thanh trực tiếp trên Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam.
Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV được tiến hành ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII (tháng 1.2025) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng
Theo Tổng thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Lê Quang Tùng: Kỳ họp bất thường lần thứ Chín, Quốc hội khóa XV được tiến hành ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XIII (tháng 1/2025) có ý nghĩa đặc biệt quan trọng nhằm triển khai ngay Kết luận số 121-KL/TW, Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương để tập trung giải quyết một số vấn đề rất cấp bách, tháo gỡ điểm nghẽn của thể chế nhằm khơi thông, giải phóng mọi nguồn lực, tận dụng mọi cơ hội, khai thác tối đa các tiềm năng, thế mạnh đưa đất nước phát triển nhanh, bền vững.
Tại kỳ họp, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định 17 nội dung với hai nhóm nhiệm vụ trọng tâm:
Một là, sửa đổi, bổ sung các luật về tổ chức bộ máy, luật ban hành văn bản quy phạm pháp luật nhằm tạo khung khổ pháp lý cho việc thực hiện cuộc cách mạng về tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị.
Quốc hội sẽ xem xét, thông qua Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (sửa đổi) và 8 luật, nghị quyết liên quan đến sắp xếp, tổ chức bộ máy, gồm: Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Quốc hội; Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi); Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi); Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về việc xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước; Nghị quyết của Quốc hội về việc tổ chức các cơ quan của Quốc hội; Nghị quyết của Quốc hội về số thành viên của Ủy ban Thường vụ Quốc hội khóa XV.
Hai là, Quốc hội sẽ xem xét, quyết định một số nội dung quan trọng, cấp bách, bao gồm:
Đề án bổ sung về phát triển kinh tế - xã hội năm 2025 với mục tiêu tăng trưởng đạt 8% trở lên nhằm kịp thời hoàn thiện thể chế pháp luật, khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực đầu tư, góp phần tạo nền tảng vững chắc để đạt tốc độ tăng trưởng 8% trở lên trong năm 2025 và tăng trưởng 2 con số trong giai đoạn 2026 - 2030;
Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù, đặc biệt để phát triển hệ thống mạng lưới đường sắt đô thị tại thành phố Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh;
Xem xét, quyết định các cơ chế chính sách đặc thù đầu tư xây dựng dự án điện hạt nhân Ninh Thuận;
Xem xét, quyết định chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng;
Nghị quyết của Quốc hội thí điểm một số chính sách để tháo gỡ vướng mắc trong hoạt động khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo;
Phương án đầu tư bổ sung vốn điều lệ giai đoạn 2024 - 2026 của Công ty mẹ - Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC). Bên cạnh đó, Quốc hội cũng sẽ xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền.
Ngay sau Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương diễn ra vào cuối tháng 1 vừa qua, các cơ quan của Quốc hội và Chính phủ đã phối hợp chặt chẽ, khẩn trương hoàn thiện các nội dung trình Quốc hội với tinh thần vừa chạy vừa xếp hàng, phát huy cao nhất trách nhiệm, trí tuệ của cả hai bên.
Tuy yêu cầu gấp về tiến độ, áp lực về thời gian, nhiều nội dung khó, phức tạp, song chất lượng các nội dung đến nay đều cơ bản đạt yêu cầu, đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, quyết định. Trong đó có các vấn đề lớn cơ bản đã được Đảng ủy Quốc hội, Đảng ủy Chính phủ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ thảo luận, đánh giá kỹ lưỡng, thống nhất và bảo đảm chất lượng trình Quốc hội.
Đồng chí Lê Quang Tùng cho biết: Các dự thảo luật, nghị quyết được trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đã được Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42 vừa qua. Các nội dung trình Quốc hội đã có sự thống nhất cao giữa Chính phủ và các cơ quan chủ trì thẩm tra.
Tuy nhiên, khi cho ý kiến tại Phiên họp thứ 42, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn và Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã yêu cầu các cơ quan phải tiếp tục rà soát kỹ lưỡng, thận trọng để bảo đảm chất lượng cao nhất vì đây là những dự luật, dự thảo nghị quyết rất quan trọng, tạo cơ sở pháp lý cho việc sắp xếp tổ chức bộ máy và vận hành thông suốt, hiệu năng, hiệu quả của bộ máy sau sắp xếp.
Đối với dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đặc biệt nhấn mạnh yêu cầu nghiên cứu, chỉnh lý, hoàn thiện các nội dung về “phân cấp”, “ủy quyền” để bảo đảm tính thống nhất với dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) và các luật, dự thảo luật có liên quan, tạo điều kiện thuận lợi cho cơ quan được phân cấp chủ động giải quyết công việc, rõ trách nhiệm cơ quan phân cấp, cơ quan được phân cấp và không quy định về việc phân cấp tiếp.
Đối với dự án Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi), Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị phân định thẩm quyền, phân quyền, phân cấp, ủy quyền; tiếp tục rà soát, chỉnh lý bảo đảm tính đồng bộ, thông suốt về chủ thể, đối tượng, phương thức phân cấp, ủy quyền, chế độ trách nhiệm và điều kiện bảo đảm thực hiện phân cấp, ủy quyền.
Đối với dự thảo Nghị quyết về xử lý một số vấn đề liên quan đến sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ xác định rõ các đầu mục công việc cần triển khai, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, thời hạn hoàn thành và có danh mục cụ thể các luật, nghị quyết của Quốc hội cần sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới để đáp ứng yêu cầu của công tác sắp xếp tổ chức bộ máy nhà nước.
Đồng chí Lê Quang Tùng nhấn mạnh: Việc trình Quốc hội điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng kinh tế năm 2025 đạt 8% trở lên có ý nghĩa hết sức quan trọng không chỉ trong ngắn hạn mà còn đặt nền tảng cho việc tăng trưởng giai đoạn 2026 - 2030 liên tục đạt 2 con số.
Như Tổng Bí thư Tô Lâm đã nhấn mạnh, “đây là những mục tiêu phải phấn đấu thực hiện để nước ta thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình, đến năm 2030 là nước đang phát triển có công nghiệp hiện đại, thu nhập trung bình cao, đến năm 2045 trở thành nước phát triển, thu nhập cao”.
Để thực hiện thắng lợi mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2025 đạt 8% trở lên, chúng ta phải triển khai quyết liệt, hiệu quả các nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu theo Kết luận số 123-KL/TW của Trung ương, Nghị quyết số 158/2024/QH15 của Quốc hội và tùy tình hình thực tế có các giải pháp điều hành phù hợp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định vĩ mô.
Trong đó, phải tiếp tục tăng cường năng lực nội sinh, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững, đặc biệt, phải giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, coi đây là mục tiêu nền tảng trong bối cảnh tình hình thế giới nhiều biến động, để tạo cơ sở vững chắc cho tăng trưởng và phát triển bền vững giai đoạn tới.
Đặc biệt, thời gian thực hiện các mục tiêu điều chỉnh chỉ khoảng 10 tháng nên trong điều hành phải hết sức linh hoạt, kết hợp hiệu quả giữa các giải pháp ngắn hạn và dài hạn.
Chúng ta quyết tâm đạt mục tiêu tăng trưởng nhưng phải giữ vững nền tảng để phát triển bền vững, lâu dài, nhất là giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội, quốc phòng và an ninh.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đã yêu cầu Chính phủ hoàn thiện dự thảo Nghị quyết trình Quốc hội theo hướng cụ thể, đi thẳng vào nội dung cần thể hiện, đặc biệt là các chỉ tiêu, mục tiêu.
Đồng thời, cần điều chỉnh các nhiệm vụ, giải pháp bổ sung so với Nghị quyết số 158 của Quốc hội để thể chế hóa đầy đủ, toàn diện Kết luận 123-KL/TW của Trung ương đạt mục tiêu tăng trưởng trên 8%; có giải pháp thực chất, hiệu quả để thu hút đầu tư xã hội, thực hiện bằng được chủ trương lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư, vì đột phá về tăng trưởng cần có sự đột phá về đầu tư xã hội.
Đồng chí Lê Quang Tùng cho biết, các nội dung được trình Quốc hội xem xét, quyết định tại Kỳ họp bất thường lần thứ Chín đã quán triệt sâu sắc quan điểm của Trung ương về tiếp tục tập trung đẩy mạnh 3 đột phá chiến lược, nhất là đột phá về thể chế vì đây là "đột phá của đột phá".
Từ các dự thảo luật, nghị quyết về tổ chức bộ máy cho đến các chủ trương đầu tư và cơ chế chính sách đặc thù để thực hiện các dự án trọng điểm về đường sắt, đường sắt đô thị, điện hạt nhân Ninh Thuận… đều tập trung tháo gỡ các điểm nghẽn về thể chế, bảo đảm các chủ trương, mục tiêu được triển khai thông suốt, hiệu quả nhất.
Tuy nhiên, sau Kỳ họp, vẫn phải tiếp tục bám sát yêu cầu tăng trưởng đạt trên 8% và Kết luận 123 của Trung ương để xác định cụ thể lộ trình, trách nhiệm, xây dựng trình Quốc hội các luật, nghị quyết của Quốc hội, bảo đảm hành lang pháp lý cho việc đạt mục tiêu tăng trưởng năm 2025 và các năm tiếp theo; thực hiện nghiêm chỉ đạo của Tổng Bí thư về việc hướng dẫn, điều chỉnh một số luật liên quan đến đất đai, đầu tư công, luật doanh nghiệp, tháo gỡ mọi điểm nghẽn, rào cản và thực hiện phương pháp "quản lý theo kết quả", chuyển mạnh từ "tiền kiểm" sang "hậu kiểm" gắn với tăng cường kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực.
Trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế, các cơ quan cần quán triệt sâu sắc yêu cầu về đổi mới tư duy xây dựng pháp luật, bảo đảm thời gian, chất lượng ban hành các luật, nghị quyết và các văn bản hướng dẫn; đồng thời, phải tiếp tục nâng cao hiệu quả tổ chức thi hành pháp luật và tập trung giải quyết các điểm nghẽn trong thi hành pháp luật để mọi chủ trương, chính sách, pháp luật đi vào cuộc sống nhanh nhất, hiệu quả nhất.