Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh An Giang với nội dung: “Hiện nay, việc tham gia Dân quân tự vệ có giới hạn thời gian tham gia theo quy định của Luật Dân quân tự vệ, dẫn đến nhiều trường hợp người tham gia trong thời gian thực hiện nhiệm vụ được tổ chức kết nạp Đảng và nắm bắt công việc nhưng sau đó phải thôi tham gia do hết thời hạn, gây khó khăn trong công tác quản lý Đảng viên và phải có thời gian để người tham gia mới từng bước tiếp cận công việc.
Cử tri đề nghị trình Quốc hội xem xét, điều chỉnh thời gian tham gia lực lượng Dân quân tự vệ theo hướng không quy định thời gian tham gia hoặc quy định thời gian tham gia phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế” .
Công tác quản lý đảng viên thực hiện theo các văn bản của Trung ương, trọng tâm là: Quy định số 24-QĐ/TW ngày 30/7/2021 của Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII về thi hành Điều lệ Đảng; Quy định số 213-QĐ/TW ngày 02/01/2020 của Bộ Chính trị về trách nhiệm của đảng viên đang công tác thường xuyên giữ mối liên hệ với tổ chức đảng và nhân dân nơi cư trú; Chỉ thị số 28-CT/TW ngày 21/01/2019 của Ban Bí thư về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; Hướng dẫn số 01-HD/TW ngày 28/9/2021 của Ban Bí thư về một số vấn đề cụ thể thi hành Điều lệ Đảng; Hướng dẫn số 12-HD/BTCTW ngày 18/01/2022 về nghiệp vụ công tác đảng viên; Hướng dẫn số 24-HD/BTCTW ngày 20/9/2023 về tổ chức hoạt động của chi bộ quân sự xã, phường, thị trấn.
Nội dung hỏi của cử tri không rõ vấn đề gì gây khó khăn trong công tác quản lý đảng viên, nên không có cơ sở để trả lời cụ thể.
Đề nghị quá trình thực hiện các cấp ủy, tổ chức đảng cần quán triệt, thực hiện chặt chẽ, nghiêm túc các văn bản của Trung ương và Tổng cục Chính trị về công tác quản lý đảng viên.
Tại khoản 1, khoản 2, khoản 3 Điều 8 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định:
“1. Công dân nam từ đủ 18 tuổi đến hết 45 tuổi, công dân nữ từ đủ 18 tuổi đến hết 40 tuổi có nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ; nếu tình nguyện tham gia Dân quân tự vệ thì có thể kéo dài đến hết 50 tuổi đối với nam, đến hết 45 tuổi đối với nữ.
2. Thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ tại chỗ, Dân quân tự vệ cơ động, Dân quân tự vệ biển, Dân quân tự vệ phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế là 04 năm; dân quân thường trực là 02 năm.
Căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ được kéo dài nhưng không quá 02 năm; đối với dân quân biển, tự vệ và chỉ huy đơn vị Dân quân tự vệ được kéo dài hơn nhưng không quá độ tuổi quy định tại khoản 1 Điều này.
3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi không có đơn vị hành chính cấp xã, người đứng đầu cơ quan, tổ chức quyết định kéo dài độ tuổi, thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ theo quy định tại Điều này”.
Như vậy, theo quy định trên căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự của địa phương, cơ quan, tổ chức để xác định việc kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia Dân quân tự vệ cho phù hợp với tình hình nhiệm vụ và thực tiễn của từng địa phương.