In bài viết

Kiến nghị quy định cụ thể về trang bị, trợ cấp cho Dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ

15:23 - 10/10/2024

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị có quy định cụ thể về trang bị, trợ cấp cho Dân quân tự vệ theo Luật Dân quân tự vệ.

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Bình Dương do Ban Dân nguyện chuyển đến với nội dung: “Tại Điều 25 Luật Dân quân tự vệ có quy định về trang bị vũ khí, vật liệu nổ quân dụng, công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật cho Dân quân tự vệ, tuy nhiên, tại Luật cũng như văn bản dưới luật (Thông tư số 76/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ Quốc phòng) chưa hướng dẫn cụ thể danh mục, trong đó có phương tiện được trang bị, vì hiện nay nếu lực lượng Dân quân tự vệ không có phương tiện sẽ dẫn đến khó khăn trong phối hợp hoạt động giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội theo quy định tại Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 của Chính phủ quy định hoạt động phối hợp của Dân quân tự vệ. 

Bên cạnh đó, tại điểm a khoản 1 Điều 34 Luật này quy định (Đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế được trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau...). 

Cử tri kiến nghị Bộ Quốc phòng xem xét ban hành hoặc tham mưu cơ quan có thẩm quyền ban hành các quy định cụ thể để các địa phương có căn cứ thực hiện, tháo gỡ khó khăn trong thực thi công vụ” .

Về kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:

Dân quân tự vệ là lực lượng vũ trang quần chúng, không thoát ly sản xuất, công tác, trong quá trình thực hiện nhiệm vụ thông thường là phối hợp hoạt động đặt dưới sự chỉ huy của cơ quan quân sự địa phương các cấp.

Phương tiện đảm bảo trong hoạt động phối hợp, tại khoản 4, khoản 5 Điều 8, Nghị định số 02/2020/NĐ-CP ngày 30/6/2020 quy định: “Khoản 4. Địa phương, cơ quan, tổ chức bảo đảm vũ khí thô sơ; công cụ hỗ trợ, phương tiện, trang thiết bị thiết yếu cho lực lượng Dân quân tự vệ thuộc quyền.

Khoản 5. Cơ quan, tổ chức, đơn vị chủ trì hoạt động phối hợp bảo đảm công cụ hỗ trợ, trang thiết bị, phương tiện kỹ thuật chuyên ngành cho hoạt động phối hợp với Dân quân tự vệ và công tác bảo đảm khác cho cho hoạt động phối hợp của cơ quan, tổ chức, đơn vị”. Do vậy (Thông tư số 76/2020/TT-BQP ngày 23/6/2020 của Bộ Quốc phòng) không quy định cụ thể về nội dung này.

Điểm a khoản 1 Điều 34 Luật Dân quân tự vệ năm 2019 quy định: “a. Đối với dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế được hưởng trợ cấp ngày công lao động, bảo đảm tiền ăn; được hưởng chế độ khi làm nhiệm vụ từ 22 giờ đến 06 giờ sáng ngày hôm sau, ngày nghỉ, ngày lễ, khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm theo quy định của pháp luật về lao động; được trợ cấp ngày công lao động tăng thêm trong trường hợp được kéo dài thời hạn thực hiện nghĩa vụ tham gia dân quân tự vệ. 

Khi làm nhiệm vụ trên biển được hưởng phụ cấp đặc thù đi biển; khi làm nhiệm vụ cách xa nơi cư trú, không có điều kiện đi, về hằng ngày thì được bố trí nơi nghỉ, bảo đảm phương tiện, chi phí đi lại hoặc thanh toán tiền tàu, xe một lần đi và về”.

Luật Dân quân tự vệ quy định đối tượng dân quân tại chỗ, dân quân cơ động, dân quân phòng không, pháo binh, trinh sát, thông tin, công binh, phòng hóa, y tế khi thực hiện nhiệm vụ trong điều kiện nêu trên được hưởng các chế độ, mức hưởng, cách tính theo quy định của pháp luật về lao động; không quy định cụ thể trong Luật Dân quân tự vệ và Nghị định số 72/2020/NĐ-CP để tránh chồng chéo các văn bản quy phạm pháp luật hiện hành.