Công an TPHCM đang điều tra vụ án hình sự “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” xảy ra tại Công ty Cổ phần Đào Ngọc Bình ở đường Hoàng Diệu (phường 5, quận 4).
Công an TPHCM xác định, Thái Khắc Hoàng (sinh năm 1972, ngụ tỉnh An Giang, trú quận 7, TPHCM) là nguyên Giám đốc - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Đào Ngọc Bình có hành vi tạo dựng niềm tin với khách hàng, kêu gọi góp vốn thành lập công ty.
Đối tượng đã lập khống hồ sơ chuyển nhượng cổ phần, thực hiện chuyển đổi, thành lập Công ty Cổ phần Đào Ngọc Bình, nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần, thay đổi đăng ký kinh doanh, tăng vốn điều lệ.
Đồng thời, Hoàng dùng tư cách Chủ tịch HĐQT đã giao dịch chuyển nhượng cổ phần và pháp nhân doanh nghiệp (bao gồm 4 thửa đất của ông Đào Ngọc Bình), bán cho Nguyễn Duy Linh, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Kinh doanh và Phát triển Nhà An Phú với giá 100 tỷ đồng mà không thông qua các cổ đông.
Qua đó, Thái Khắc Hoàng đã chiếm đoạt của nhóm ông Đào Ngọc Bình gần 63 tỷ đồng.
Ngày 29/1/2024, Công an TPHCM đã khởi tố bị can và lệnh bắt giam Thái Khắc Hoàng về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Ngày 13/5, Viện KSND TPHCM phê chuẩn các quyết định trên. Ngày 14/5, Công an TPHCM thi hành lệnh bắt giam Thái Khắc Hoàng.
Ngày 27/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương ra Quyết định truy nã đặc biệt đối với bị can Nguyễn Thị Kim Loan (SN 1964, ngụ khu phố Đông, phường Vĩnh Phú, TP Thuận An, tỉnh Bình Dương) về tội “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”.
Nguyễn Thị Kim Loan là Giám đốc Công ty Việt Tâm Đức, hoạt động kinh doanh mua, bán hàng nông sản, chủ yếu là củ gừng và củ nghệ.
Từ năm 2017 đến năm 2020, Kim Loan đã ký các hợp đồng hợp tác kinh doanh, góp vốn mua hàng nông sản và vay, mượn tiền của các cá nhân với tổng số tiền gần 5,2 tỷ đồng.
Cũng trong thời gian này, Kim Loan đã chia lợi nhuận cho các đối tác được hơn 640 triệu đồng thì dọn dẹp máy móc, thiết bị khỏi xưởng và bỏ trốn.
Đến nay, Cơ quan điều tra xác định Loan đã chiếm đoạt của 7 bị hại với tổng số tiền hơn 4,5 tỷ đồng.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Hà Nam cho biết đã kết thúc điều tra giai đoạn I vụ án sản xuất, mua bán, tàng trữ, vận chuyển con dấu, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức có quy mô đặc biệt lớn xảy ra trên địa bàn tỉnh Hà Nam và nhiều tỉnh thành trên cả nước.
Cơ quan Công an xác định: Trong 6 tháng (từ tháng 6/2023 đến tháng 12/2023), nhóm đối tượng do Nguyễn Thành Thái (SN 1991), trú ở thành phố Quy Nhơn, tỉnh Bình Định và Trần Xuân Hiển (SN 1991), trú ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định cầm đầu đã tổ chức sản xuất, làm giả trên 50.000 giấy tờ giả của cơ quan, tổ chức gồm: giấy phép lái xe các loại; giấy tờ khám sức khỏe; chứng chỉ nghề; bằng cấp các loại.
Thông qua hệ thống các bưu điện trên địa bàn TP Hà Nội để chuyển đi 62 tỉnh thành trên toàn quốc cho các khách hàng đặt mua, với tổng số tiền thu lời bất chính khoảng hơn 100 tỷ đồng.
Xét thấy tính chất đặc biệt nghiêm trọng, mức độ, quy mô sản xuất và mua bán của nhóm đối tượng này rất lớn, gây phức tạp tình hình an ninh trật tự, ảnh hưởng xấu đến uy tín của các cơ quan, tổ chức, đến công tác quản lý Nhà nước về an ninh trật tự đối với các loại văn bằng, chứng chỉ, giấy tờ trên toàn quốc và gây bức xúc trong dư luận xã hội, Giám đốc Công an tỉnh Hà Nam đã chỉ đạo Phòng Cảnh sát hình sự tập trung áp dụng đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ quyết liệt đấu tranh, làm rõ quy luật hoạt động tội phạm và vai trò của từng đối tượng.
Trong đó, xác định Nguyễn Thành Thái và Trần Xuân Hiển là đối tượng cầm đầu đã cùng nhau bàn bạc, thống nhất mua máy móc, thiết bị phục vụ việc làm giả con dấu, tài liệu và lôi kéo các đối tượng khác đăng thông tin quảng cáo trên mạng xã hội (Facebook, Telegram, Zalo...) để tìm kiếm khách hàng hoặc nhắn tin vào số điện thoại để tiếp thị tìm khách trên mạng.
Khi có khách đặt hàng, bọn chúng sẽ gửi thông tin khách hàng cho đồng bọn sản xuất theo đơn đặt hàng.
Sau khi sản xuất, đóng gói xong, các đối tượng thông qua dịch vụ bưu biện để chuyển phát giấy tờ, tài liệu, bằng cấp giả tới tận nơi cho khách hàng.
Quá trình điều tra, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Nam đã làm rõ vai trò và toàn bộ hành vi phạm tội của các đối tượng trong vụ án.
Theo đó, quá trình hoạt động tội phạm, đối tượng Thái và Hiển đã chia thành 3 nhóm và giao nhiệm vụ cụ thể cho từng nhóm gồm: Nhóm chỉ đạo, điều hành, quảng cáo câu khách trên mạng xã hội; nhóm trực tiếp sản xuất và nhóm vận chuyển, tiêu thụ giấy tờ, bằng giả. Bọn chúng cấu kết với cán bộ bưu điện để gửi đến các địa chỉ khách hàng trên toàn quốc.
Khám xét khẩn cấp 3 địa điểm trên địa bàn TP Hà Nội, nơi các đối tượng thuê để sản xuất giấy tờ giả, Cơ quan Công an đã thu giữ nhiều loại máy móc, thiết bị gồm: máy tính; máy in; máy ép plastic; máy scan; máy CNC, dụng cụ để phục vụ cho việc sản xuất, in ấn giấy tờ, con dấu giả.
Vừa qua, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Hải Phòng đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với Bùi Thị Kim Dung (SN 1972, trú phường Sở Dầu, quận Hồng Bàng) để điều tra về hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức; sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”.
Theo Quyết định khởi tố vụ án hình sự 07/QĐ-ANĐT của Cơ quan ANĐT Công an TP Hải Phòng, Bùi Thị Kim Dung là Giám đốc Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ thương mại Cầu Vồng Hoa Lan 7&1 (trụ sở tại 457 Hoàng Minh Thảo, phường Dư Hàng Kênh, quận Lê Chân, TP Hải Phòng), chủ yếu hoạt động trên lĩnh vực đầu tư, môi giới bất động sản.
Cơ quan An ninh điều tra xác định, từ năm 2020 đến nay, bị can Bùi Thị Kim Dung và Công ty Cầu Vồng Hoa Lan 7&1 thực hiện nhiều dự án bất động sản trên địa bàn TP Hải Phòng
Trong quá trình tổ chức hoạt động, sau khi ký kết các biên bản thỏa thuận góp vốn đầu tư, biên bản thỏa thuận chuyển nhượng đất…, Bùi Thị Kim Dung với cương vị là Giám đốc Công ty đã có hành vi làm giả và sử dụng các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà và tài sản khác gắn liền với đất giả thuộc Dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại tại khu Ải Bà Chúc (xã Lê Lợi, huyện An Dương) để giao cho khác hàng.
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Sơn La đã ra Quyết định khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, tống đạt các Quyết định và bắt tạm giam đối với Đặng Tùng Lâm (SN 1989, HKTT tại Tổ 10, phường Quyết Thắng, TP Sơn La; nơi ở: đường Nguyễn Ngọc Vũ, phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Các Quyết định tố tụng đã được Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Sơn La phê chuẩn đúng pháp luật.
Căn cứ kết quả điều tra xác định vào tháng 4/2023, lợi dụng là nhân viên một ngân hàng có chi nhánh TP Sơn La, Đặng Tùng Lâm đã có hành vi đưa ra thông tin gian dối về việc vay tiền đáo hạn cho khách hàng để chiếm đoạt 5,2 tỷ đồng của anh T.N rồi sử dụng để chi tiêu cá nhân.
Tiếp đó, vào tháng 9/2023, Đặng Tùng Lâm chuyển đến làm việc tại một ngân hàng khác.
Vào đầu tháng 5/2024, Đặng Tùng Lâm còn có hành vi chiếm đoạt hơn 2,5 tỷ đồng của khách hàng là chị H.T khi chị H.T đến giao dịch nộp tiền lãi và giao ứng dụng tài khoản để đáo hạn khoản vay.
Bằng thủ đoạn xâm nhập vào ứng dụng tài khoản ngân hàng đã được chị H.T cung cấp, Lâm đã thực hiện chuyển tiền về tài khoản của bản thân rồi chiếm đoạt hết số tiền đó để sử dụng vào mục đích chi tiêu cá nhân.
Hiện vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Sơn La thụ lý điều tra, mở rộng; đồng thời thông báo phương thức, thủ đoạn phạm tội của bị can.
Phòng Cảnh sát hình sự Công an tỉnh Nghệ An vừa thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga (sinh năm 1984), trú tại xã Diễn Ngọc, huyện Diễn Châu, tỉnh Nghệ An về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản (dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục đi xuất khẩu lao động nước ngoài).
Theo đó, qua công tác nghiệp vụ và nắm tình hình, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An phát hiện đối tượng Trần Thị Hằng Nga có nhiều biểu hiện nghi vấn thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản dưới hình thức nhận tiền, hồ sơ làm thủ tục du lịch, xuất khẩu lao động nhưng không thực hiện.
Quá trình vào cuộc xác minh, cơ quan Công an xác định từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, mặc dù không có chức năng trong việc tổ chức đưa công dân xuất khẩu lao động, nhưng Trần Thị Hằng Nga vẫn giới thiệu mình làm Giám đốc một công ty đưa người đi xuất khẩu lao động và thông tin công ty của Nga có thể làm được thủ tục đi xuất khẩu lao động các nước với mức giá rẻ hơn những nơi khác từ 200 - 300 triệu đồng.
Nga cam kết các trường hợp Nga nhận để làm thủ tục xuất khẩu lao động đều có tỷ lệ thành công cao, rất ít trường hợp trượt.
Với sự hứa hẹn của Trần Thị Hằng Nga và thấy mức giá Nga nhận để làm thủ tục rẻ hơn nhiều so với những công ty khác, nhiều môi giới đã tin tưởng và đăng tuyển người có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động để giới thiệu cho Nga.
Chỉ tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, đã có hàng trăm công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động các nước như Hàn Quốc, Úc, New Zealand, Canada, Hoa Kỳ… được các môi giới giới thiệu và gửi hồ sơ cho Nga để làm thủ tục.
Quá trình nhận làm thủ tục cho các công dân có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động, Nga đã đưa ra nhiều thông tin để các công dân đóng tiền theo nhiều đợt với tổng số tiền nhiều tỷ đồng nhưng sau khi đóng tiền vẫn không đi được như Nga đã hứa hẹn.
Nhiều công dân đã yêu cầu Nga trả tiền, Nga hứa hẹn nhiều lần nhưng vẫn không trả tiền cho các công dân. Nhiều trường hợp công dân nộp tiền và hồ sơ cho Nga không được Đại sứ quán các nước cấp visa nhưng bằng nhiều thủ đoạn, Nga vẫn tiếp tục yêu cầu công dân đóng tiền.
Tất cả số tiền nhận từ các công dân, Nga dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Cơ quan Công an cũng xác định văn phòng công ty của Nga tại thành phố Hà Nội chỉ là văn phòng cho thuê theo giờ, trong văn phòng chỉ có 01 bộ bàn ghế (không có máy tính, máy in, các loại hồ sơ) và cũng không có nhân viên nào trong công ty.
Từ những tài liệu, chứng cứ thu thập được, ngày 19/05/2024, Phòng Cảnh sát hình sự Công an Nghệ An đã thi hành quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Trần Thị Hằng Nga về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Khoản 4 Điều 174 Bộ luật Hình sự.
Khám xét chỗ ở của Trần Thị Hằng Nga, cơ quan chức năng thu giữ 01 máy tính xách tay, CPU máy tính bàn, 03 điện thoại di động, nhiều hộ chiếu, hình ảnh lịch hẹn lăn tay xin visa, hình ảnh visa điện tử có dấu hiệu bị chỉnh sửa.
Bước đầu Cơ quan Công an xác định, chỉ tính từ đầu năm 2022 đến giữa năm 2023, Trần Thị Hằng Nga đã tiếp nhận hơn 500 công dân tại nhiều tỉnh, thành trong cả nước có nhu cầu đi du lịch, xuất khẩu lao động nước ngoài được các môi giới đã giới thiệu với tổng số tiền Nga nhận được từ các công dân là hơn 20 tỷ đồng.
Thời gian qua, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh tuyên truyền về phương thức, thủ đoạn của các đối tượng lợi dụng xuất khẩu lao động để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết, tin tưởng vào những thông tin hấp dẫn mời chào, không ít lao động vẫn bị các đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản.
Người lao động có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng và tìm hiểu kỹ các thông tin có liên quan.
Tối 20/5, Công an tỉnh Quảng Nam cho biết, Cơ quan CSĐT Công an TP Tam Kỳ vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam đối với Huỳnh Hồng Danh (SN 1993, trú xã Tam Thái, huyện Phú Ninh, Quảng Nam) để điều tra về hành vi “Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức”; Nguyễn Tiện (SN 1996, trú xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức; Sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức” và Tô Văn Thanh (SN 1987, trú xã Quế Mỹ, huyện Quế Sơn) về hành vi “Làm giả tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Kết quả điều tra ban đầu thể hiện, qua công tác quản lý địa bàn, Đội Cảnh sát hình sự Công an TP Tam Kỳ phát hiện thông tin một số đối tượng có hành vi làm giả giấy tờ, tài liệu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ giả tham gia đấu thầu công trình xây dựng trên địa bàn TP Tam Kỳ nên báo cáo lãnh đạo Công an TP Tam Kỳ truy xét, đấu tranh.
Quá trình điều tra xác định, năm 2024, Công ty Cổ phần xây dựng hạ tầng Quảng Nam do Huỳnh Hồng Danh làm Giám đốc có tham gia dự thầu một số hạng mục, công trình do Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ làm chủ đầu tư.
Danh cùng Nguyễn Tiện, nhân viên Công ty Cổ phần xây dựng hạ Tầng Quảng Nam và Tô Văn Thanh, Giám đốc Công ty Cổ phần xây dựng Đại Lộc (phường Hòa Thuận, TP Tam Kỳ) đã làm giả văn bản của cơ quan Nhà nước gửi đến Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ để chứng minh năng lực của công ty trong hồ sơ đấu thầu.
Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tam Kỳ đã tạm giữ 1 máy tính xách tay; 3 ĐTDĐ; 4 văn bản liên quan đến hành vi làm giả, sử dụng tài liệu giả của cơ quan, tổ chức; 1 Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp công ty cổ phần (bản gốc) và các tài liệu khác.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Tam Kỳ đang tiếp tục đấu tranh mở rộng, làm rõ hành vi làm giả, sử dụng tài liệu giả của các đối tượng để xử lý theo quy định pháp luật.
Ngày 20/5, Công an TP Kon Tum, tỉnh Kon Tum vừa phối hợp với Công an thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa bắt giữ 2 đối tượng Huỳnh Thị Tuý và Nguyễn Minh Viễn để điều tra về hành vi “Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ”.
Trước đó, Công an TP Kon Tum nhận được đề nghị của Công an thị xã Nghi Sơn về việc phối hợp, điều tra vụ án “Tàng trữ, mua bán trái phép vật liệu nổ” phát hiện ngày 15/5 tại TDP Liên Thành, phường Hải Châu, thị xã Nghi Sơn.
Sau khi tiếp nhận đề nghị, Công an TP Kon Tum, Công an xã Chư Hreng (TP Kon Tum) phối hợp với các đơn vị liên quan tiến hành khám xét chỗ ở của Huỳnh Thị Tuý (SN 1965, trú thôn Đăk Prong, xã Chư Hreng, TP Kon Tum) và Nguyễn Minh Viễn (SN 1972, trú thôn 4, xã Chư Hreng, TP Kon Tum) là Giám đốc Công ty TNHH MTV xây dựng Phát Hoàng Viễn .
Qua đó, cơ quan chức năng phát hiện, thu giữ tại nhà đối tượng Nguyễn Minh Viễn 1 bọc nhựa (dạng bao bì xác rắn) hình trụ tròn màu trắng, bên trong chứa chất bột màu vàng nhạt, trọng lượng 0,92kg.
Sau đó, Viễn giao nộp thêm 250 thỏi thuốc nổ, mỗi thỏi có trọng lượng 0,2kg, bên ngoài ghi dòng chữ “THUOC NO NHU TUONG”.
Nguyễn Minh Viễn khai nhận, các bọc nhựa và thỏi rắn trên là thuốc nổ do Công ty TNHH MTV xây dựng Phát Hoàng Viễn nhập về để sử dụng trong công trình xây dựng Thủy điện Đăk Min 1 (tại xã Đăk Choong, huyện Đăk Glei, tỉnh Kon Tum). Do sử dụng không hết nên Viễn bán cho Huỳnh Thị Tuý để lấy tiền tiêu xài.
Hiện Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP Kon Tum đang tiếp tục phối hợp điều tra, xử lý vụ việc theo quy định.
Vừa qua, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở đối với bị can Phan Minh Thuận (Thuận Nồi Đất, sinh năm 1980, Giám đốc Công ty TNHH MTV Thuận Kiều 368, địa chỉ: phường An Hòa, quận Ninh Kiều, thành phố Cần Thơ) về tội “Trốn thuế” với số tiền trên 2,3 tỷ đồng, theo quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ luật Hình sự năm 2015.
Qua công tác nghiệp vụ và giải quyết nguồn tin về tội phạm, Cơ quan Cảnh sát điều tra (Phòng Cảnh sát kinh tế) Công an thành phố Cần Thơ đã thu thập thông tin, tài liệu, chứng cứ xác định: để có đất xin làm Dự án Khu Nhà ở Thuận Kiều 368, Phan Minh Thuận đã trực tiếp và nhờ nhiều người khác đứng tên nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của các hộ dân, khai tính thuế với giá rất thấp so với giá giao dịch trên thực tế để trốn thuế.
Tiến hành giám định tư pháp xác định Phan Minh Thuận có hành vi “trốn thuế” số tiền trên 2,3 tỷ đồng và đã bỏ trốn khỏi địa phương.
Cơ quan Cảnh sát điều tra ra Quyết định khởi tố bị can, ra Lệnh bắt bị can để tạm giam, ra Lệnh khám xét chỗ ở, nơi làm đối với Phan Minh Thuận về tội “Trốn thuế” quy định tại khoản 3 Điều 200 Bộ Luật Hình sự năm 2015 và được Viện kiểm sát nhân dân thành phố Cần Thơ phê chuẩn.
Ngày 09/5/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cần Thơ đã bắt được bị can Phan Minh Thuận đang lẩn trốn tại tỉnh Vĩnh Long. Tiến hành khám xét chỗ, nơi làm việc thu giữ được nhiều tài liệu, dữ liệu điện tử quan trọng có liên quan đến vụ án và các sai phạm khác của Phan Minh Thuận.