In bài viết

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Không để khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được vay vốn

17:29 - 29/08/2022

(Chinhphu.vn) - Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giao nhiệm vụ cho các đơn vị trong ngành ngân hàng thúc đẩy mạnh mẽ chương trình hỗ trợ lãi suất 2%, bảo đảm không để khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Không để khách hàng đủ điều kiện mà không được vay vốn - Ảnh 1.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền từ ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.

Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% là sự quan tâm đặc biệt đối với doanh nghiệp, người dân

Phát biểu kết luận tại Hội nghị trực tuyến cả nước phổ biến, giải đáp, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai chương trình hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng nhấn mạnh, Chương trình hỗ trợ lãi suất 2% với số tiền từ ngân sách nhà nước 40.000 tỷ đồng là sự quan tâm đặc biệt của Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đối với việc tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân. Chương trình này nhận được sự quan tâm của rất nhiều cấp lãnh đạo, doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh, người dân.

Tại Hội nghị, ý kiến phát biểu của các ngân hàng thương mại, ngân hàng nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố là ý kiến thực tiễn từ những người trực tiếp làm công tác hỗ trợ lãi suất. Thông qua các ý kiến đã thấy được sự vào cuộc quyết liệt của các đơn vị trong ngành Ngân hàng. 

Theo kết quả rà soát nhanh của Vụ Tín dụng các ngành kinh tế, trên cơ sở 27/44 TCTD dư nợ của các khoản vay thuộc các ngành được hỗ trợ lãi suất có ký hợp đồng và giải ngân từ 01/01/2022 đến nay và các khoản vay này sẽ có nợ lãi đến hạn từ ngày 20/5/2022 cho đến hết năm 2023 là khoảng 800.000 tỷ đồng. 

Đây là các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ gia đình đã được vay và thuộc 8 ngành được quy định tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP, trong đó bao gồm cả các hộ không có giấy phép kinh doanh. 

Trên cơ sở con số này, nếu các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp rà soát giữa 2 bên và doanh nghiệp nếu đủ điều kiện đã quy định thì chắc chắn sẽ được hỗ trợ lãi suất và kết quả hỗ trợ lãi suất sẽ cao hơn rất nhiều so với số liệu đã công bố. 

Để tổ chức tín dụng và doanh nghiệp xác định được trong số 800.000 tỷ đồng đó, bao nhiêu thuộc đối tượng hỗ trợ, bao nhiêu không có giấy phép kinh doanh, bao nhiêu còn băn khoăn đến đánh giá khả năng trả nợ vay, khả năng phục hồi… thì đòi hỏi phải có tháo gỡ khó khăn từ các Bộ, các ngành.

Tại hội nghị này, ý kiến phát biểu của các Bộ, ngành đã giải thích rõ những khó khăn, nhưng cũng còn có những điểm tiếp tục cần nghiên cứu, phối hợp giải quyết. 

Các đồng chí đại biểu đại diện các Bộ, các ngành đã thể hiện tinh thần sẵn sàng phối hợp với NHNN theo chức năng, nhiệm vụ quy định của Chính phủ tại Nghị định 31/2022/NĐ-CP để tháo gỡ vướng mắc, khó khăn trong quá trình triển khai gói hỗ trợ này.

Để đẩy mạnh triển khai chủ trương hỗ trợ lãi suất của Quốc hội, Chính phủ có kết quả trong thời gian tới, Thống đốc NHNN mong muốn ngành Ngân hàng cùng các Bộ, ngành vào cuộc mạnh mẽ, quyết tâm, đồng thuận và chung tay hơn nữa. 

Sắp tới NHNN sẽ có văn bản đề nghị các địa phương cùng đồng hành, hỗ trợ tích cực hơn nữa để giải quyết được những khó khăn trong triển khai gói hỗ trợ này.

Gói hỗ trợ lãi suất 2%: Không để khách hàng đủ điều kiện mà không được vay vốn - Ảnh 2.

Tạo thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất 2%

Trên cơ sở ý kiến của các đại biểu về những khó khăn vướng mắc cần tháo gỡ, với mục tiêu thúc đẩy và tạo tâm lý đồng thuận để triển khai chính sách trong cả nước; nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn nữa cho người dân, doanh nghiệp trong tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất hỗ trợ, góp phần phục hồi, phát triển kinh tế- xã hội theo chỉ đạo của Quốc hội, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị:

Đối với các ngân hàng thương mại:

Triển khai ngay việc phối hợp với khách hành rà soát danh sách tất cả các khách hàng hiện hữu thuộc đối tượng, ngành, lĩnh vực được hỗ trợ lãi suất, có khoản vay ký kết thỏa thuận cho vay và giải ngân từ ngày 01/01/2022 và có phát sinh kỳ trả lãi từ ngày 20/5/2022 để nắm bắt nhu cầu được hỗ trợ; thông báo, hướng dẫn khách hàng về hồ sơ, thủ tục được hỗ trợ lãi suất theo quy định. 

Khách hành được hỗ trợ lãi suất thì phải cập nhật ngay số liệu để ngân hàng nhà nước tổng hợp, cùng với các Bộ, Ngành báo cáo kết quả với Chính phủ. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo không để xảy ra trường hợp khách hàng đủ điều kiện, đúng đối tượng mà không được hỗ trợ lãi suất.

Các tổ chức tín dụng quán triệt đầy đủ các nội dung, công việc phải triển khai tới từng chi nhánh, phòng giao dịch trong hệ thống về việc xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, cần khẩn trương, quyết liệt, kịp thời triển khai thực hiện với tinh thần, trách nhiệm cao nhất.

Chủ động, kịp thời xử lý khó khăn, vướng mắc theo thẩm quyền và kịp thời phản ánh với Ngân hàng Nhà nước, các Bộ, ngành, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về các khó khăn, vướng mắc vượt thẩm quyền; đề xuất, kiến nghị trong quá trình triển khai thực hiện.

Tăng cường công tác truyền thông, tuyên truyền về chính sách hỗ trợ lãi suất (qua các kênh báo đài, chính quyền địa phương, hiệp hội ngành nghề và trực tiếp với khách hàng...), giúp cho các doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh hiểu rõ và sớm nắm bắt thông tin, cách thức để tiếp cận chính sách hỗ trợ lãi suất tại ngân hàng thương mại.

Đối với ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố:

Theo dõi, giám sát việc triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất này, chủ động hướng dẫn tháo gỡ khó khăn phát sinh trên địa bàn và kịp thời phản ánh với ngân hàng nhà nước những vấn đề vượt thẩm quyền. Từ thực tiễn trên địa bàn, các chi nhánh ngân hàng nhà nước cần chủ động đề xuất giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.

Ngân hàng nhà nước chi nhánh chủ động phối hợp các sở, ngành địa phương tổ chức các Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp trên địa bàn để nắm bắt nhu cầu hỗ trợ của doanh nghiệp; tăng cường thông tin, đối thoại trực tiếp giữa ngân hàng thương mại và khách hàng trên địa bàn nhằm tháo gỡ khó khăn, tăng khả năng tiếp cận chính sách, thể hiện tinh thần triển khai quyết liệt từ cơ sở. 

Hội nghị này cần có sự tham dự của các tổ chức tín dụng và doanh nghiệp thuộc đối tượng hỗ trợ lãi suất để thấy được doanh nghiệp nào tiếp cận được, không tiếp cận được gói hỗ trợ này để có giải thích rõ ràng, bảo đảm công khai, minh bạch và tổng hợp những khó khăn, vướng mắc để có giải pháp tháo gỡ.

Chủ động truyền thông tại địa phương đảm bảo doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm rõ khung pháp lý của Nghị định 31/2022/NĐ-CP và Thông tư 02/2022/TT-NHNN và hướng dẫn triển khai thực hiện. Ngân hàng nhà nước chi nhánh phối hợp với các đơn vị chức năng của Ngân hàng nhà nước và các đơn vị chức năng của các Bộ, các Ngành xử lý kịp thời những vướng mắc, khó khăn.

Tại Ngân hàng Nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố thành lập đường dây nóng để lắng nghe ý kiến của doanh nghiệp, hộ kinh doanh, người dân phản ánh những vướng mắc, khó khăn phát sinh và xử lý nghiêm, kịp thời các tổ chức tín dụng không triển khai thực hiện chương trình hỗ trợ lãi suất này.

Các đơn vị thuộc Ngân hàng nhà nước Trung ương:

Theo dõi sát diễn biến kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ trong nước, quốc tế để tham mưu các giải pháp điều hành chính sách tiền tệ, tín dụng, lãi suất chủ động, linh hoạt nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô; qua đó, tạo điều kiện hỗ trợ triển khai có hiệu quả chương trình hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước.

Vụ Tín dụng các Ngành kinh tế khẩn trương xây dựng chương trình cho các chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh, thành phố để tổ chức Hội nghị kết nối ngân hàng – doanh nghiệp. Đồng thời xây dựng chương trình công tác của Ban Lãnh đạo Ngân hàng nhà nước để phân công tham dự các Hội nghị này tại các địa phương.

Xây dựng chương trình giám sát, kiểm tra việc tổ chức triển khai thực hiện cho vay hỗ trợ lãi suất của các ngân hàng thương mại theo quy định, nắm bắt những khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn với sự tham gia của các Bộ, cơ quan có liên quan.

Các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước phối hợp với các Bộ, Ngành có hướng dẫn, giải đáp kịp thời trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của đơn vị mình. Nếu có vấn đề vượt thẩm quyền thì báo cáo Chính phủ, báo cáo Thường vụ Quốc hội để được hướng dẫn xử lý.

Thành lập đường dây nóng tại Ngân hàng Nhà nước Trung ương để cùng đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh các tỉnh, thành phố tiếp nhận các phản ánh chính sách từ người dân, doanh nghiệp, ngân hàng thương mại nhằm kịp thời xử lý, tháo gỡ vướng mắc, khó khăn.

Đối với các Bộ, cơ quan có liên quan: Thống đốc Ngân hàng Nhà nước đề nghị các Bộ, cơ quan có liên quan tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng triển khai thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ lãi suất; Kịp thời giải đáp, tháo gỡ các vướng mắc phát sinhtrong quá trình triển khai chính sách; Tham gia các đoàn kiểm tra của Ngân hàng Nhà nước thực hiện chính sách tại địa phương để nắm bắt thực tiễn, làm cơ sở để có giải pháp để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn hỗ trợ.

Về công tác truyền thông: Cần phải đặc biệt quan tâm hơn nữa, có sự vào cuộc của tất cả, từ Ngân hàng Nhà nước đến các Ngân hàng thương mại, từ Ngân hàng nhà nước chi nhánh tỉnh, thành phố tới các tổ chức tín dụng, hiệp hội các ngành hàng… để làm rõ mục đích truyền thông cho doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh nắm rõ điều kiện, đối tương tiếp cận gói hỗ trợ lãi suất. Các hướng dẫn, giải đáp thắc mắc cũng cần được truyền thông để vướng mắc của đơn vị này được giải quyết thì tất cả các đơn vị khác biết và thực hiện.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giao Vụ Truyền thông Ngân hàng Nhà nước làm đầu mối, phối hợp với các đơn vị trong và ngoài Ngành tổ chức triển khai thực hiện công tác truyền thông về Chương trình hỗ trợ lãi suất này. 

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng đề nghị các cơ quan báo chí, truyền thông tích cực truyền thông về tình hình triển khai thực hiện gói hỗ trợ lãi suất theo Nghị định 31/2022/NĐ-CP của Chính phủ.

Thống đốc Nguyễn Thị Hồng giao Vụ Tín dụng các ngành kinh tế tập hợp ý kiến của các đại biểu dự Hội nghị để cùng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước và các Bộ ngành liên quan tháo gỡ, giải quyết các khó khăn, vướng mắc. 

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước hy vọng với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt, sự đồng hành, chung sức của các Bộ, ngành với Ngân hàng Nhà nước và ngành ngân hàng, chương trình hỗ trợ lãi suất sẽ đạt mục tiêu đề ra, đóng góp tích cực vào quá trình phục hồi và tăng trưởng kinh tế của đất nước.