In bài viết

Cải cách tiền lương: Cần ưu tiên lương giáo viên cao nhất khối hành chính, sự nghiệp

10:01 - 25/04/2023

(Chinhphu.vn) - Gốc rễ vấn đề giáo viên bỏ nghề, bỏ việc vẫn là chính sách tiền lương. Do đó, nhà nước cần có cách làm đột phá, tiến hành cải cách chính sách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương giáo viên có tính đặc thù, cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Bày tỏ quan điểm trước việc một bộ phận giáo viên nghỉ việc, chuyển việc, trên Báo Giáo dục và Thời đại, ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam đã đưa ra các giải pháp trên quan điểm cá nhân.

Về nguyên nhân giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, ông Đặng Tự Ân cho biết: Năm 2022, cả nước có trên 16 nghìn giáo viên bỏ việc, bình quân cứ khoảng 100 giáo viên thì có 1 người ra khỏi ngành.

Theo ông Đặng Tự Ân, tình trạng nghỉ việc, chuyển việc của giáo viên do nhiều nguyên nhân, cả khách quan và chủ quan. Tuy nhiên, chúng ta có thể đưa ra 2 nhóm nguyên nhân cơ bản sau:

Lương giáo viên mầm non vừa ra trường chỉ bằng nửa tiền lương công nhân

Giáo viên bỏ việc: Gốc rễ vẫn là tiền lương - Ảnh 1.

Ông Đặng Tự Ân, nguyên Vụ trưởng Vụ Giáo dục Tiểu học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Giám đốc Quỹ Hỗ trợ đổi mới giáo dục phổ thông Việt Nam

Thứ nhất, lương thấp không đủ sống, chưa tạo được động lực thu hút giáo viên dạy giỏi.

Theo Tổng cục Thống kê, lương bình quân hằng tháng của giáo viên mầm non, phổ thông và giảng viên đại học (năm 2020) là 7,05 triệu đồng.

Tại những khu công nghiệp có sự chênh lệch lương quá lớn giữa giáo viên và công nhân lao động. 

Lương giáo viên mầm non mới ra trường chỉ trên dưới 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi lương một công nhân làm việc cùng khu lại được 7-8 triệu đồng.

Cùng địa bàn, cùng phải chi phí sinh hoạt như nhau, nhưng giáo viên có thu nhập thấp chỉ bằng một nửa ngành nghề lao động khác.

Những giáo viên giỏi, có trình độ đào tạo đặc thù như tin học, ngoại ngữ cũng vì lương thấp mà xin chuyển sang khối trường tư thục hoặc nghề khác có lương cao gấp 3-4 lần mức lương giáo viên đang hưởng.

Trong khuyến cáo của UNESCO cho rằng, mức lương hay chế độ đãi ngộ của Nhà nước với giáo viên là thể hiện sự nâng tầm vị thế nhà giáo, thước đo của đánh giá giữa những người lao động với nhau, mức tín nhiệm của giáo chức với xã hội.

Mức lương thấp khiến giáo viên bỏ nghề, mặc dù họ đang có uy tín, thậm chí ở trình độ nghệ thuật dạy học điêu luyện. 

Một số địa phương có quan tâm tới người tài như giáo sư, tiến sĩ hay thạc sĩ bằng cách trả lương cao gấp nhiều lần giáo viên giỏi lâu năm trong ngành. Tuy nhiên, nghề dạy học cần sự trải nghiệm nghề nhiều hơn so với người có trình độ đào tạo cao, sau đại học. Với quan điểm này cũng không thể thu hút động viên giáo viên giỏi đến và ở lại với nghề dạy học.

Giáo viên bỏ việc: Gốc rễ vẫn là tiền lương - Ảnh 2.

Sư phạm là loại hình lao động danh giá, mỗi giáo viên cần mang trong mình lý tưởng và cống hiến cho tương lai, cho sự nghiệp trăm năm trồng người.

Áp lực công việc cao, tiền lương chưa tương xứng với lao động nghề giáo

Thứ hai, áp lực của công việc, môi trường làm việc ít thân thiện, chưa động viên, giữ chân nhà giáo. Áp lực của giáo viên, thông thường có áp lực vô hình từ bản thân trong ngành tạo ra và từ ngoài ngành, ngoài xã hội tác động vào.

Đồng lương chưa tương xứng với lao động nghề giáo nên giáo viên mong có thời gian, thêm cơ hội tìm việc làm để tăng thêm thu nhập. Nhiều cơ sở giáo dục không nhận thức được tính cấp thiết và thấu hiểu những khó khăn của đồng nghiệp để mạnh dạn thay đổi cách quản lý cũ kỹ, hình thức, kém hiệu quả của mình.

Ông Đặng Tự Ân cho hay: "Khi tiếp xúc với một cô giáo dạy học cấp THCS ở Hà Nội, tôi được nghe lời chia sẻ buồn bã: Mỗi tuần cô dạy 17 tiết, hưởng lương tháng 3, 4 triệu đồng nhưng hằng ngày phải làm việc trung bình 17 giờ".

Giáo viên trước khi lên lớp phải chuẩn bị bài giảng là cần thiết, nhưng nếu không có cách quản lý khoa học thì sẽ thành gánh nặng dồn lên vai. 

Họ phải mất nhiều thời gian soạn kế hoạch dạy học, họp tổ, họp nhóm, họp trường, hoàn thiện hồ sơ, sổ sách, chuẩn bị cho các hội thi, dự giờ, chấm bài, ghi chép đánh giá chất lượng học sinh…

Đây là những công việc đặc thù của giáo viên, khó có thể đong đếm mà chỉ hiệu trưởng các trường mới thấy được thực trạng vất vả này. Vì thế, áp lực cho giáo viên phổ biến ở nhiều nơi chứ không riêng một trường hay địa phương nào.

Chúng ta đang triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Phải nói rằng chương trình mới khó, nhưng chúng ta không vì thế mà bỏ hay lùi công cuộc đổi mới giáo dục. Đồng nghĩa áp lực chuyên môn lên giáo viên là đương nhiên và không thể né tránh.

Dạy học phát triển năng lực học sinh phải trên nền phương thức dạy học cũ, dạy theo chuẩn kiến thức, kỹ năng và thái độ. Đó là thêm việc. Nhiều bộ sách giáo khoa để giáo viên lựa chọn xây dựng cho giáo án dạy học của mình. Đó là điểm mới.

Và còn nhiều điểm mới khác biệt nữa trong hoạt động dạy học, như dạy theo môn học mới, hoạt động mới hay chuyên đề mới (dạy tích hợp, trải nghiệm, dạy tin học, khoa học công nghệ, dạy học tự chọn cấp THPT, học cho đạt các chứng chỉ…).

Những giáo viên lớn tuổi hay bảo thủ thì đổi mới giáo dục sẽ trở thành thách thức lớn và chắc chắn sẽ làm tăng áp lực không nhỏ.

Có đại biểu Quốc hội đã chia sẻ: Áp lực khối lượng công việc của giáo viên hiện nay đã tăng thêm gấp 2-3 lần so với trước đây, nhưng tiền lương vẫn ở mức cũ.

Thời đại ngày nay là kỷ nguyên Công nghiệp 4.0, thời đại của chuyển đổi số, số hóa và trí tuệ nhân tạo... Giáo dục không thể đứng ngoài xu thế toàn cầu và đội ngũ nhà giáo phải thêm thời gian đầu tư cho chuyển đổi giáo dục, thêm tri thức và thêm tư duy sáng tạo. Như vậy, giáo viên thêm áp lực là theo kịp, thích ứng thời kỳ văn minh mới của nhân loại.

Cả nước hiện thiếu hàng chục nghìn giáo viên - thách thức lớn. Học sinh vẫn ổn định và duy trì số lượng, trường lớp vẫn vậy, chưa nói có xu hướng tăng cục bộ từng năm, ở từng vùng. Ai phải lo dạy học và bằng cách nào cho sự hoạt động bình thường của các nhà trường? Không thể để có trò mà không có thầy. Không ai khác, chính là các nhà giáo đang bám trụ ở vùng cao, hay âm thầm lặng lẽ làm việc ở vùng thuận lợi.

Họ phải đôn đáo dạy tăng tiết, tăng ca và có cả dạy học liên trường để học sinh không bị mất bài và đảm bảo chương trình dạy học theo quy định. Tất nhiên, giáo viên có thêm phụ cấp nhưng chắc chắn không thể tương xứng sức lực bỏ ra.

Ngoài ra, còn áp lực từ ngoài ngành, trước hết từ phía phụ huynh học sinh. Bây giờ, phụ huynh kỳ vọng rất nhiều vào con cái, ai cũng mong muốn con em mình trong học tập phải được đánh giá khá, giỏi.

Cần đột phá trong cải cách tiền lương giáo viên - Ảnh 4.

Mức lương với giáo viên là thể hiện sự nâng tầm vị thế nhà giáo, thước đo của đánh giá giữa những người lao động với nhau, mức tín nhiệm của giáo chức với xã hội.

Mặt trái của cơ chế thị trường và áp lực từ mạng xã hội

Mặt trái của thị trường khiến phụ huynh tự coi mình là khách hàng, thượng đế. Sự can thiệp của phụ huynh vào nhà trường, giáo viên rất nhiều và bằng nhiều kênh khác nhau.

Không chỉ có vậy, giáo viên còn phải chịu áp lực từ mạng xã hội. Bất cứ một hành vi nào của giáo viên trong nhà trường, có khi chỉ là phạt học sinh vì không tuân thủ đúng quy định của trường, lớp cũng bị phụ huynh đưa lên mạng xã hội.

Thực tế, có những giáo viên bỏ ngành chỉ vì nghiêm khắc với học sinh và bị phụ huynh phản ứng không tốt, thêu dệt câu chuyện rồi đưa lên mạng xã hội và gặp phải chuyện không hay.

Có ý kiến cho rằng, nghề giáo được xếp vào một trong những nghề nguy hiểm. Nhiều giáo viên cảm thấy không đủ sức để chịu đựng những sức ép đó và đã rời khỏi môi trường giáo dục.

Giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, chảy máu chất xám trong lĩnh vực giáo dục là dấu hiệu đáng báo động

Theo ông Đặng Tự Ân, việc giáo viên bỏ việc, nghỉ việc, chuyển nghề "chắc chắn để lại hệ lụy cho ngành và sự phát triển cũng như sự tăng trưởng kinh tế đất nước".

Trước mắt tạo ra góc nhìn trong xã hội: Sư phạm là loại hình lao động, tuy danh giá nhưng đang trở nên kém hấp dẫn người lao động. Giá trị nghề nghiệp của nhà giáo bị sụt giảm.

Lòng yêu nghề, mến trẻ và lý tưởng chọn nghề, theo nghề nghiệp ở một bộ phận không nhỏ nhà giáo bị nhạt phai.

Nghề sư phạm ngày càng trở thành một công việc mưu sinh hơn là nơi để lớp trẻ thực hiện lý tưởng và cống hiến cho tương lai, cho sự nghiệp trăm năm trồng người.

Giáo viên đang bị nhiều sức ép trong công việc. Việc quản lý và đổi mới giáo dục ít nhiều có ảnh hưởng, tác động không mong muốn đến đội ngũ nhà giáo.

Xu hướng dịch chuyển lao động, chảy máu chất xám từ lĩnh vực sư phạm sang các ngành nghề khác, đặc biệt lĩnh vực giáo dục công sang giáo dục tư. Đây đều là những dấu hiệu đáng báo động cho các nhà quản lý và ngành giáo dục.

Giáo viên bỏ việc: Gốc rễ vẫn là tiền lương - Ảnh 4.

Mỗi nhà giáo, nhà trường cần làm việc và sống hạnh phúc.

Xu hướng nghỉ việc, chuyển việc ở đội ngũ nhà giáo có thể sẽ trầm trọng hơn

Theo ông Đặng Tự Ân, về lâu dài, nó có thể gây mất cân đối về nhân lực trong một lĩnh vực quan trọng và có số lượng viên chức đông tới hơn 1,4 triệu người.

Khi đội ngũ nhà giáo vừa thiếu, lại bị hao hụt thêm hằng năm sẽ gây nhiều khó khăn cho các nhà trường trong việc tổ chức hoạt động giáo dục. Điều này sẽ tiếp tục gây sức ép lên các nhà giáo đang làm việc. Tìm mọi cách để huy động trẻ tới trường, duy trì sĩ số lớp học, nhưng lại thiếu thầy, thiếu trường lớp tương ứng!

Khi vị thế nghề nghiệp của nhà giáo không được coi trọng đúng mức, lý tưởng nghề nghiệp bị phai nhạt, những sức ép nghề nghiệp trong nghề sư phạm quá ngưỡng chịu đựng… có thể dẫn đến xu hướng thích ứng tiêu cực. Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến kết quả lao động sư phạm và có thể gây ra một số hành động không tích cực trong giáo dục.

Nguy hiểm hơn, xu hướng nghỉ việc, chuyển việc ở đội ngũ nhà giáo có thể sẽ không dừng lại và trở nên trầm trọng hơn, trở thành trào lưu, gây ra phản ứng dây chuyền, ảnh hưởng tiêu cực đến đội ngũ nhà giáo đang cống hiến, đặc biệt những thầy, cô có kinh nghiệm, năng lực chuyên môn tốt.

Gốc rễ vẫn là chính sách tiền lương; phụ cấp đứng lớp, tăng lương cơ bản chỉ mang ý nghĩa tình thế

Theo ông Đặng Tự Ân, gốc rễ vấn đề giáo viên bỏ nghề, bỏ việc vẫn là chính sách tiền lương của giáo viên và cả khối công chức, viên chức hành chính sự nghiệp.

Phụ cấp đứng lớp hay tăng lương cơ bản cũng chỉ là các quyết định mang ý nghĩa tình thế, giải quyết khó khăn tức thời chưa phải là căn cơ lâu dài, ổn định.

Giải quyết vấn đề này, ông Đặng Tự Ân cho rằng, Nhà nước cần có cách làm đột phá, tiến hành cải cách tiền lương, theo hướng ưu tiên lương giáo viên có tính đặc thù, cao nhất trong khối hành chính sự nghiệp.

Giáo viên sống được bằng lương, bằng nghề dạy học là mục tiêu phấn đấu lâu dài, nhưng phải thực hiện ngay từng bước.

Cần đột phá trong cải cách tiền lương giáo viên - Ảnh 6.

Giáo viên sống được bằng lương, bằng nghề dạy học là mục tiêu phấn đấu lâu dài, nhưng phải thực hiện ngay từng bước.

Mỗi nhà giáo, nhà trường cần làm việc và sống hạnh phúc

Đồng thời, các nhà quản lý giáo dục cấp Bộ và địa phương phải ngồi lại để rà soát công tác quản lý giáo viên, theo hướng quản trị nhà trường. Hãy luôn suy nghĩ để cắt giảm hơn những cuộc thi hình thức, sổ sách hành chính, nhiệm vụ kiêm nhiệm không thật cần thiết.

Hãy mạnh dạn bỏ đi tất cả những thủ tục hành chính làm giáo viên mệt mỏi, để các thầy cô được thực sự "tự do" và dành thời gian cho công tác giảng dạy, giáo dục.

"Ứng dụng mạnh mẽ tin học quản lý văn phòng, quản lý nhân sự và chuyên môn. Chỉ cần biết sử dụng nhóm Zalo chúng ta cũng đã bỏ được nhiều cuộc họp không cần thiết, hoặc tương tác được thường xuyên kịp thời giữa giáo viên và phụ huynh", ông Đặng Tự Ân nêu quan điểm.

Bên cạnh đó, cần xây dựng cụ thể các hướng dẫn, công cụ để giúp giáo viên thực sự nắm rõ và thực hiện tốt chương trình mới. Toàn xã hội, truyền thông cần nhìn nhận, đánh giá và dành cho thầy cô sự tôn trọng nghề nghiệp ở mức độ cần thiết. Ghi nhận cũng là cách để họ có động lực cống hiến, yêu nghề.

Cuối cùng, bản thân mỗi nhà giáo, nhà trường cần làm việc và sống hạnh phúc, thay đổi tư duy giáo dục cho giáo viên trong giai đoạn mới, ứng phó những thách thức, khó khăn mới. Có nhận thức đúng những thách thức nghề nghiệp, có kỹ năng ứng phó, giúp nhà giáo mới làm tốt công tác giáo dục trong bối cảnh hiện nay.

Triển khai chính sách tiền lương: Cần coi trọng ở cả 2 cấp

Ngoài ra, ông Đặng Tự Ân cho rằng, khi xây dựng và triển khai chính sách tiền lương, cần coi trọng cả hai cấp vĩ mô và vi mô: Cấp vĩ mô là quan trọng, mở hướng, tạo nền, còn cấp vi mô quyết định thành công và được phép linh hoạt sáng tạo trong quá trình thực hiện.

Ông Đặng Tự Ân cho biết thêm: "Năm 2019, Value Champion - trang phân tích tài chính nổi tiếng có trụ sở tại Singapore đã công bố nghiên cứu 16 quốc gia, so sánh với GDP mỗi nước thuộc châu Á - Thái Bình Dương, Mỹ và Pháp, cho kết quả: Lương của giáo viên Việt Nam đứng cuối cùng trong số các quốc gia này.

Giáo viên Việt Nam bỏ nghề vì lương thấp, nhưng các nước giáo viên có mức lương cao hơn nhiều so với giáo viên của chúng ta, họ cũng bỏ nghề. Lý do đơn giản bởi chi phí sinh hoạt đắt đỏ, các dịch vụ xã hội cao phi mã hay giá thuê nhà cao ngất ngưởng… khiến giáo viên phải tìm tới phương cách chuyển nghề để tồn tại…".