Toàn cảnh Phiên họp
Tại Phiên họp 44, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Trình bày Tờ trình dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân, Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng không tổ chức Tòa án nhân dân cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện.
Đồng thời, thành lập Tòa án nhân dân khu vực. Chuyển các Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt thành các Tòa chuyên trách trong Tòa án nhân dân khu vực.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến trình bày Tờ trình
Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm: Tòa án nhân dân tối cao; Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Tòa án nhân dân khu vực.
Về thành phần Hội đồng tuyển chọn, giám sát Thẩm phán quốc gia, dự thảo Luật bổ sung thành phần của Hội đồng gồm 01 thủ trưởng đơn vị thuộc Tòa án nhân dân tối cao là Thẩm phán Tòa án nhân dân, 01 Chánh tòa Tòa Phúc thẩm Tòa án nhân dân tối cao, 01 Chánh án Tòa án nhân dân thành phố trực thuộc trung ương do Chánh án Tòa án nhân dân tối cao chỉ định để thay cho 03 Chánh án Tòa án nhân dân cấp cao tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật hiện hành.
Phó Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Văn Tiến cũng cho biết, trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 03 cấp, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án.
Bên cạnh đó, sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc điều chỉnh nhiệm vụ, quyền hạn của Chánh án Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Thẩm phán Tòa án nhân dân; tiêu chuẩn, điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Sửa đổi, bổ sung các quy định liên quan đến việc bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Hội thẩm nhân dân;...
Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng trình bày Báo cáo thẩm tra
Nêu quan điểm thẩm tra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp Hoàng Thanh Tùng nhấn mạnh, Ủy ban tán thành sự cần thiết ban hành Luật với các lý do như nêu tại Tờ trình của Tòa án nhân dân tối cao.
Nhất trí với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về xây dựng, ban hành Luật này theo thủ tục rút gọn. Dự thảo Luật phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; bảo đảm tính hợp hiến, thống nhất với hệ thống pháp luật.
Phạm vi sửa đổi, bổ sung tập trung vào các quy định liên quan đến tổ chức bộ máy và nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân.
Tuy nhiên, dự thảo còn sửa đổi một số nội dung khác ngoài phạm vi nêu trên, đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo làm rõ nội dung này.
Về tổ chức Tòa án nhân dân, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp tán thành dự thảo Luật quy định hệ thống tổ chức Tòa án nhân dân gồm Tòa án nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực.
Các Tòa án quân sự được giữ nguyên theo Luật hiện hành. Kết thúc hoạt động của Tòa án nhân dân cấp cao và Tòa án nhân dân cấp huyện.
Về thẩm quyền thành lập, giải thể, quy định phạm vi thẩm quyền theo lãnh thổ của Tòa án nhân dân khu vực, đa số ý kiến tán thành quy định của dự thảo Luật và cho rằng, Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử, thực hiện quyền tư pháp, có vị trí, vai trò quan trọng trong bộ máy nhà nước. Đây cũng là nội dung cơ bản kế thừa quy định của Luật hiện hành.
Một số ý kiến đề nghị giao thẩm quyền này cho Chánh án Tòa án nhân dân tối cao để phù hợp chủ trương đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và bảo đảm linh hoạt, phù hợp yêu cầu thực tiễn, đồng thời cũng đồng bộ với thẩm quyền của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao thực hiện phân bổ biên chế của Tòa án nhân dân.
Vấn đề này cần xem xét, quyết định động bộ với thẩm quyền thành lập Viện kiểm sát nhân dân khu vực theo dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân.
Các đại biểu tham gia Phiên họp
Về nhiệm vụ, quyền hạn của Tòa án nhân dân, quy định của dự thảo Luật là thực hiện đúng chủ trương về tăng cường phân cấp, phân quyền; phù hợp với tổ chức bộ máy, nguồn lực hiện có và khả năng hoàn thành nhiệm vụ được giao của các Tòa án nhân dân, do đó tán thành với dự thảo Luật.
Ngoài ra, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng nêu rõ quan điểm của cơ quan thẩm tra đối với quy định về sắp xếp tổ chức bộ máy của Tòa án nhân dân tối cao và Tòa án nhân dân khu vực; về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; về điều khoản chuyển tiếp.
Thảo luận tại phiên họp, đa số ý kiến nhất trí cao với sự sự cần thiết ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân.
Việc xây dựng dự án Luật này nhằm kịp thời thể chể hóa chủ trương của Đảng về tiếp tục sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị, trong đó có Tòa án nhân dân. Tán thành với đề xuất của Tòa án nhân dân tối cao về xây dựng, ban hành Luật này theo thủ tục rút gọn.
Ngoài ra, các đại biểu cũng tập trung góp ý hoàn thiện dự thảo Luật liên quan tới quy định về điều kiện bổ nhiệm Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao, phương án xử lý điều khoản chuyển tiếp; về sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều của luật liên quan;...
Phó Chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Dân nguyện và Giám sát Lê Thị Nga
Kết luận phiên họp, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định nêu rõ, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đánh giá cao Tòa án nhân dân tối cao đã khẩn trương phối hợp với các cơ quan có liên quan trong việc xây dựng hồ sơ dự án Luật.
Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cũng rất trách nhiệm, tích cực trong quá trình thẩm tra, bảo đảm chặt chẽ, rõ ràng, kỹ lưỡng kịp thời trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, cho ý kiến.
Đồng thời, nhất trí Hồ sơ dự án Luật đủ điều kiện trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9 theo trình tự thủ tục rút gọn.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định kết luận nội dung Phiên họp
Liên quan tới một số nội dung cụ thể, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất với phạm vi sửa đổi được xác định trong Tờ trình và dự thảo Luật.
Tuy nhiên lưu ý tại Kỳ họp thứ 9 có nhiều dự án Luật được Quốc hội xem xét thông qua. Vì vậy đề nghị Tòa án nhân dân tối cao, Ủy ban Pháp luật và Tư pháp cần phối hợp chặt chẽ với các cơ quan trong quá trình tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội nhằm đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất của hệ thống pháp luật.
Về hệ thống tòa án, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tán thành tổ chức Tòa án nhân dân có 03 cấp (gồm Tòa án hân dân tối cao, Tòa án nhân dân cấp tỉnh, Tòa án nhân dân khu vực) và thẩm quyền của từng tòa án.
Bên cạnh đó, về điều khoản chuyển tiếp, giao Thường trực Ủy ban Pháp luật và Tư pháp phối hợp với Tòa án nhân dân tối cao và Viện Kiểm sát nhân dân tối cao để xây dựng phương án phù hợp, đảm bảo quy định thống nhất giữa các luật;...
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cũng đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến tại phiên họp, phối hợp chặt chẽ với cơ quan thẩm tra khẩn trương hoàn thiện Hồ sơ dự án Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV và gửi tài liệu tới các vị đại biểu Quốc hội theo quy định.