Nêu giải pháp để vận tải xe buýt thực sự là sân chơi sòng phẳng cho các doanh nghiệp, để xe buýt thực sự là lựa chọn của người dân, chuyên gia giao thông Nguyễn Văn Thanh cho rằng: Thực tế hiện nay, chúng ta đang "kêu gào", "ép buộc" việc dùng phương tiện công cộng…
Đương nhiên phải có những biện pháp hạn chế các phương tiện cá nhân, nhưng cũng phải có những biện pháp phù hợp để xe buýt phát triển.
Câu chuyện phát triển xe buýt ở đô thị lớn nhiều năm nay vào "ngõ cụt", từ buýt nhỏ, BRT, đến đường trên cao... Nguyên nhân "ông quy hoạch" làm "chết" vận tải xe buýt, làm ùn tắc giao thông thì ít nói tới.
Theo ông Nguyễn Văn Thanh, trước khi đổ cho giao thông phải nhìn nhận do lỗi quy hoạch đô thị rồi mới đến giao thông. "Tôi đề nghị nghiêm túc xử lý quy hoạch đô thị rõ ràng, thậm chí phá bỏ những nhà cao tầng làm ách tắc giao thông, sau đó mới đến tổ chức giao thông".
Tiếp đến là đầu tư hạ tầng giao thông. Việc này cần làm bài bản để doanh nghiệp nhảy vào cuộc bằng cơ chế khuyến khích, trợ giá, đấu thầu minh bạch. Đấu thầu phải rõ ràng bao nhiêu năm, xe của nước nào… Quan trọng nhất là kiểm soát nguồn thu.
Nhiều chuyên gia cho rằng trợ giá cho người dùng xe buýt, nhưng đương nhiên phải thông qua xe buýt. Cách trợ giá phải rõ tổng chi thế nào thì trợ giá, thu bao nhiêu tập trung cho doanh nghiệp để thanh quyết toán. Khuyến khích đưa doanh nghiệp đổi mới dịch vụ và phương tiện, doanh thu càng cao càng phải khuyến khích, chứ không khoán.
TS. Lưu Bình Nhưỡng nhấn mạnh: Không thể không đấu thầu. Nhà nước phải thay nhân dân tìm được nhà thầu tốt nhất. Đấu thầu phải đàng hoàng chứ không "quân xanh, quân đỏ"," phát nổ, phát xịt"…
Thứ hai là quy hoạch. Quy hoạch này phải nằm trong quy hoạch về kinh tế - xã hội nói chung. Tôi phản đối quy hoạch các loại đô thị lớn mọc lên ở 2 đầu cầu gây ủn tắc giao thông.
Thứ ba là quy hoạch con người. Những nơi nào thiết kế quy hoạch quan trọng phải đưa những người có năng lực quan tâm đến lĩnh vực đó và tự tổ chức bộ máy để tham mưu.
Quy hoạch giao thông thì việc phân luồng tuyến bến bãi phải rõ ràng. Xe buýt không được xung đột với các loại hình giao thông khác, xe buýt phải nằm trong luồng tuyến của các loại hình khác thì mới có nhiều giá trị.
Mặt khác, Nhà nước phải phổ biến pháp luật để ủng hộ chính sách về xe buýt, giữa xe chạy xăng dầu và điện. Cần nghĩ đến người dân và dân cư khu vực nào thì các chính sách cần thông qua ý kiến của người dân, hiệp hội… Nếu làm chính sách kiểu cứ "đút chân vào gầm" bàn đưa ra chính sách là "cưỡng bức" với xã hội.
Theo ông Đào Viết Ánh, Tổng Giám đốc Công ty Phương Trang: Các địa phương cần nghiên cứu đề án xe buýt của riêng mình và tạo hành lang pháp lý để doanh nghiệp đầu tư.
Phải nghiên cứu nhu cầu đi lại của người dân để tổ chức đấu thầu nhằm kêu gọi các doanh nghiệp vận tải tham gia.
Những tuyến kém phải yêu cầu doanh nghiệp đổi mới và cải thiện dịch vụ, nếu hết thời hạn không thực hiện thì thu hồi để các doanh nghiệp uy tín tham gia.
Hiện tại một số địa phương chỉ định thầu nhưng không có bộ tiêu chí và thời hạn cụ thể. Một số còn sai trong bộ tiêu chí và bắt doanh nghiệp tham gia.
Tôi ủng hộ đưa ra đấu thầu công khai minh bạch và bộ tiêu chí chất lượng dịch vụ để người dân biết và chấp nhận chất lượng dịch vụ.
Đừng bao cấp xin-cho nữa, mà hãy để doanh nghiệp tự quyết định chất lượng dịch vụ. Người dân cũng tự quyết định, chất lượng cao thì giá cao mà chất lượng vừa thì vừa tiền.
Kết lại tọa đàm "Để xe buýt thực sự là một lựa chọn văn minh", TS. Nguyễn Sĩ Dũng nêu rõ: Chúng ta hôm nay có cuộc tọa đàm vấn đề chuyên môn rất là sâu, có vẻ kỹ thuật nhưng ảnh hưởng kinh tế xã hội cực lớn. Bởi vì nếu chúng ta không giải quyết được vấn đề vận tải xe buýt công cộng thì quả thật ách tắc vẫn hoàn ách tắc.
Hiện tại chúng ta cố gắng để có metro, có tàu điện ngầm nhưng cái đó còn cần nhiều thời gian. Rồi tuyến này còn tuyến khác chưa kết nối với nhau, còn lâu dài lắm. Nếu chúng ta nhắm vào đấy thì còn ách tắc "suốt đời chúng ta ở đây".
Quan trọng là giao thông công cộng bằng xe buýt cần được cải thiện, người dân đa số phải sẵn sàng chọn phương tiện giao thông công cộng là xe buýt. Không có giải pháp khác cho chúng ta. Nếu chúng ta tiếp tục để hàng triệu người đi xe máy như thế này, rồi nếu người dân giàu có lên, sang trọng lên, đi ô tô nữa thì coi như là bế tắc luôn hết.
Giải pháp mà cuộc tọa đàm hôm nay có ý nghĩa rất trọng vì đấy là giải pháp duy nhất. Chúng ta phải giải quyết được, không bàn lùi. Giải quyết cái này, những ý kiến ở đây, tôi chỉ gom lại thôi.
Trước hết tính đến đổi mới và nghiên cứu xây dựng một quy hoạch rất khoa học, nâng cao chất lượng hệ thống xe buýt.
Tiếp theo, áp dụng cơ chế thị trường để chọn được những doanh nghiệp có năng lực nhất cung cấp dịch vụ này. Đây là một dịch vụ công, nói về thuận lợi anh có thương quyền rất lớn. Những doanh nghiệp xứng đáng cả về văn hóa phục vụ cả về chất lượng phục vụ thì phải được lựa chọn.
Cuộc tọa đàm hôm nay nhấn mạnh một ý rất rõ, nhấn đi nhấn lại là phải tổ chức đấu thầu để chọn những doanh nghiệp có chất lượng, chứ không thể nào do quan hệ quen biết, thân thiết mà chọn theo cách chỉ định thầu. Cái đó vi phạm pháp luật, cái đó chứng minh trong thực tế thời gian vừa qua không xử lý được vấn đề nâng cao chất lượng.
Bây giờ còn một vấn đề nữa là trợ giá hay không trợ giá? Có lẽ các địa phương nên nghiên cứu rất kỹ. Tại sao các địa phương không trợ giá, các doanh nghiệp không được trợ giá lại có thể cung cấp dịch vụ tốt và làm ăn được, trong khi đó các doanh nghiệp được trợ giá thì lại kêu lỗ?
Rõ ràng trong một cuộc tọa đàm chúng ta không đưa hết được nguyên nhân, nhưng có lẽ cần một nghiên cứu để giải thích được tại sao lại như vậy. Và chắc chắn chúng ta phải lựa chọn những doanh nghiệp không cần trợ giá. Lựa chọn đầu tiên phải là cái đó.
Cuộc tọa đàm hôm nay đưa đến một kết luận mà tôi cho là công bằng ở chỗ: Không cực đoan để nói là không trợ giá cho giao thông công cộng, bởi vì đây là dịch vụ công thiếu yếu của xã hội và rất nhiều người cần được hỗ trợ. Nhưng cách thức trợ giá như thế nào để không phải lấy tiền trợ giá mà khuyến khích cung cấp dịch vụ tốt hơn. Như vậy, phải rất thông minh trong việc cung cấp trợ giá, chứ còn trợ giá đầu vào thì không khéo chỉ khuyến khích tiết kiệm cho trợ giá, mà tiết kiệm cho trợ giá thì chỉ tiết kiệm cho dịch vụ cung cấp cho người dân thôi. Cung cấp trợ giá như thế nào để khuyến khích dịch vụ phục vụ người dân tốt hơn để được trợ giá nhiều hơn thì đó mới là hướng trợ giá.
Với tinh thần một cuộc thảo luận ngắn, vấn đề kỹ thuật phức tạp thì tọa đàm hôm nay không có tham vọng giải quyết mọi vấn đề, nhưng khơi gợi lên một số vấn đề hệ trọng nhất và tương đối rõ để các cơ quan, đặc biệt là các địa phương quan tâm thúc đẩy.
Cuối cùng, đây là giải pháp hết sức hệ trọng để phát triển giao thông công cộng đồng thời cũng là phát triển kinh tế xã hội của địa phương – TS. Nguyễn Sĩ Dũng nhấn mạnh./.