Quốc hội vừa thông qua Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, với 458/459 đại biểu Quốc hội tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 95,62% tổng số đại biểu Quốc hội.
Theo đó, Luật quy định hạn tuổi cao nhất của sĩ quan phục vụ tại ngũ theo cấp bậc quân hàm: Cấp úy 50 tuổi; Thiếu tá 52 tuổi; Trung tá 54 tuổi; Thượng tá 56 tuổi; Đại tá 58 tuổi; Cấp tướng 60 tuổi.
Khi quân đội có nhu cầu, sĩ quan có đủ phẩm chất về chính trị, đạo đức, năng lực, sức khỏe và tự nguyện thì có thể được kéo dài tuổi phục vụ tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) quy định không quá 5 năm; trường hợp đặc biệt có thể kéo dài hơn theo quy định của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng.
Trao đổi với báo chí bên hành lang Quốc hội, đại biểu Hồ Thị Minh (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị) cho rằng, những chính sách mới của Luật đã thể hiện rất rõ sự ghi nhận của Quốc hội với những cống hiến của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đánh giá rất cao Ban soạn thảo dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu Hồ Thị Minh cho biết: Trong quá trình Quốc hội thảo luận về dự án luật, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Đại tướng Phan Văn Giang đã rất thẳng thắn khi phát biểu giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.
Với tình cảm và sự quan tâm đặc biệt dành cho bộ đội, có một số đại biểu đề nghị tăng tuổi tại ngũ của sĩ quan lên cao hơn mức đề xuất.
Tuy nhiên, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng giải trình rằng chỉ nên tăng đến mức như Ban soạn thảo đề nghị, vì còn liên quan tới sức khỏe của sĩ quan trong việc bảo đảm chất lượng, hiệu quả công tác huấn luyện sẵn sàng chiến đấu và các nhiệm vụ khác trong Quân đội.
Một số đại biểu cũng đề nghị nâng mức quân hàm của Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh lên cấp tướng.
Về nội dung này, Đại tướng Phan Văn Giang cũng giải thích rõ: Để phong được quân hàm cấp tướng thì cần có bề dày cống hiến. Nếu các đồng chí Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự cấp tỉnh phấn đấu, cống hiến tốt thì sẽ phát triển được đến vị trí quy định trong luật để được thăng quân hàm cấp tướng.
Đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng: Những giải trình của Đại tướng Phan Văn Giang đã cho thấy bản chất Bộ đội Cụ Hồ đã được thể hiện rất rõ trong Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam cũng như Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam mà Quốc hội vừa thông qua.
Với những nội dung của luật đã được Quốc hội thông qua, đại biểu Hồ Thị Minh cho rằng: Đây là nguồn động viên rất lớn cho đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Luật đã có sự điều chỉnh về nhiều chế độ, chính sách theo hướng bảo đảm tốt hơn cho sĩ quan, như nâng thời gian phục vụ tại ngũ (tuổi nghỉ hưu) một cách hợp lý để sĩ quan có điều kiện được hưởng mức lương hưu tối đa 75% theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội và Bộ luật Lao động.
Đại biểu cho biết: "Vừa rồi, chúng ta cũng đã có điều chỉnh chính sách trong lực lượng Công an nhân dân, nên việc điều chỉnh chính sách trong lực lượng Quân đội nhân dân trong thời điểm này là hợp lý.
Tất nhiên, mỗi ngành có đặc thù riêng, nên tôi không so sánh. Nhưng với sự quan tâm của Quốc hội với cả 2 lực lượng như vậy, tôi tin rằng các đồng chí đang phục vụ trong Quân đội nhân dân đều rất vui mừng đón nhận những chính sách mới mà Quốc hội vừa thông qua".
Đại biểu Hồ Thị Minh nhấn mạnh: Những chính sách mới đã thể hiện rất rõ sự ghi nhận của Quốc hội đối với những cống hiến của lực lượng Quân đội nhân dân Việt Nam.
Đây là lực lượng mà trong thời chiến hay thời bình đều có những sự cống hiến, hy sinh rất lớn vì sự bình yên, độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ của đất nước.
Do vậy, sự đồng thuận rất cao của Quốc hội cũng chính là sự thể hiện rất rõ nét tình quân - dân rất đặc biệt.
Quyết định của các đại biểu Quốc hội cũng thể hiện rất rõ tình cảm và sự tin tưởng của nhân dân ta với lực lượng Quân đội nhân dân - Bộ đội Cụ Hồ./.