In bài viết

Bao nhiêu nhân sự được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6?

06:38 - 20/10/2023

(Chinhphu.vn) - Toàn bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết của phiên họp.

Có bao nhiêu nhân sự sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6? - Ảnh 1.

Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Tuấn Anh trả lời câu hỏi của nhà báo về việc thực hiện lấy phiếu tín nhiệm tại Kỳ họp thứ 6.

Lấy phiếu tín nhiệm vào ngày 24/10

Chiều 19/10, Văn phòng Quốc hội tổ chức họp báo thông tin về dự kiến chương trình Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV. Theo đó, việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh là một trong số nhiều nội dung quan trọng.

Trong nhiệm kỳ khóa XV, Quốc hội đã bầu và phê chuẩn 50 chức danh, trong đó có 1 vị trí đã nghỉ hưu. Riêng trong năm 2023, Quốc hội đã bầu mới hoặc phê chuẩn 5 chức danh. Các chức danh này sẽ không được lấy phiếu tín nhiệm do thời gian công tác chưa đủ một năm.

Cụ thể, 5 vị trí này gồm: Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng, các Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà và Trần Lưu Quang, Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh và Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Lê Quang Mạnh.

Việc lấy phiếu tín nhiệm sẽ được thực hiện vào ngày thứ hai của Kỳ họp (24/10).

Giải thích lý do việc lấy phiếu tín nhiệm được thực hiện ngay đầu kỳ họp, đồng chí Nguyễn Tuấn Anh, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho biết, việc gửi hồ sơ lấy phiếu tín nhiệm cho 44 chức danh đã được gửi tới các đại biểu Quốc hội 20 ngày trước khi kỳ họp bắt đầu.

Trước đó, chậm nhất 45 ngày trước khai mạc Kỳ họp thứ 6 của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã dự kiến danh sách và yêu cầu người được lấy phiếu tín nhiệm gửi báo cáo kiểm điểm quá trình công tác và bản kê khai tài sản, thu nhập làm căn cứ lấy phiếu tín nhiệm.

Lấy phiếu tín nhiệm thực hiện bằng hình thức bỏ phiếu kín. Trên phiếu ghi rõ họ tên, chức vụ của những người được lấy phiếu tín nhiệm với các mức độ "tín nhiệm cao", "tín nhiệm", "tín nhiệm thấp".

Các chức danh có quá nửa đến dưới 2/3 tổng số đại biểu đánh giá "tín nhiệm thấp" phải xin từ chức trong không quá 10 ngày kể từ ngày công bố kết quả lấy phiếu tín nhiệm.

Kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố trên phương tiện truyền thông đại chúng

Khi được đặt vấn đề về trách nghiệm nêu gương vợ/chồng/con cái của cán bộ được lấy phiếu tín nhiệm, Phó Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu rõ, trong báo cáo kiểm điểm của người được lấy phiếu tín nhiệm đã có báo cáo kiểm điểm trách nghiệm nêu gương về vợ chồng/con cái. 

Ngoài ra, Quốc hội vẫn tiếp tục thu thập thông tin qua kênh của Đại biểu Quốc hội và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam,…

Đồng chí Nguyễn Tuấn Anh thông tin thêm, toàn bộ kết quả lấy phiếu tín nhiệm sẽ được công bố trên các phương tiện truyền thông đại chúng ngay sau khi Quốc hội thông qua nghị quyết của phiên họp.

Đối tượng lấy phiếu tín nhiệm

Nghị quyết số 96/2023/QH15 của Quốc hội đã quy định mục đích, đối tượng về việc lấy phiếu tín nhiệm, bỏ phiếu tín nhiệm đối với người giữ chức vụ do Quốc hội, Hội đồng nhân dân bầu hoặc phê chuẩn. Theo đó, Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm đối với những người giữ chức vụ sau đây:

+  Chủ tịch nước, Phó Chủ tịch nước;

+ Chủ tịch Quốc hội, Phó Chủ tịch Quốc hội, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc, Chủ nhiệm Ủy ban của Quốc hội;

+ Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng, các thành viên khác của Chính phủ;

+ Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán nhà nước.

Dự kiến nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV

Có bao nhiêu nhân sự sẽ được Quốc hội lấy phiếu tín nhiệm tại kỳ họp thứ 6? - Ảnh 3.

Dự kiến nội dung kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV.