In bài viết

Cán bộ Tòa án nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa khoa học,… trách nhiệm của Chánh án như thế nào?

16:20 - 21/03/2023

(Chinhphu.vn) - Sáng 20/3, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình. Một trong những vấn đề được quan tâm là tổ chức, biên chế, chế độ chính sách đối với cán bộ, công chức, viên chức thẩm phán ngành Tòa án.

Cán bộ nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa hợp lý… trách nhiệm của Chánh án TANDTC như thế nào? - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ: Với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành tòa án nhân dân chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên. Ảnh Quochoi.vn

Phát biểu khai mạc phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ: Tòa án là cơ quan xét xử thực hiện quyền tư pháp, có nhiệm vụ bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức cá nhân.

Trong thời gian qua, mặc dù số lượng các loại vụ án phải thụ lý giải quyết tăng nhiều và có tính chất ngày càng phức tạp, trong khi số lượng biên chế được giao không tăng thêm chất lượng biên chế còn có mặt, chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ được giao, nhưng với tinh thần trách nhiệm cao, nỗ lực lớn của cán bộ, công chức, viên chức ngành tòa án nhân dân chất lượng, hiệu quả, công tác xét xử của các tòa án ngày càng được nâng lên.

Cán bộ nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa hợp lý… trách nhiệm của Chánh án TANDTC như thế nào? - Ảnh 2.

Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng dự phiên chất vấn. Ảnh Quochoi.vn

Áp lực công việc ngày càng tăng, cán bộ tòa án nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa khoa học

Tại phiên chất vấn, đại biểu Nguyễn Tạo (Lâm Đồng) nêu vấn đề: "Thực trạng hiện nay, một bộ phận cán bộ, công chức, thẩm phán ngành Tòa án nhân dân xin nghỉ việc do áp lực công việc ngày càng tăng.

Trong khi đó, công tác tuyển dụng biên chế ngành Tòa án nhân dân còn gặp nhiều khó khăn và bất cập.

Đại biểu đề nghị Chánh án cho biết trách nhiệm của mình về các nội dung trên, các giải pháp đồng bộ để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đầu vào của ngành Tòa án nhân dân trong thời gian tới?"

Cán bộ nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa hợp lý… trách nhiệm của Chánh án TANDTC như thế nào? - Ảnh 3.

Các đại biểu dự phiên chất vấn Chánh án Tòa án nhân dân tối cao tại điểm cầu Hà Nội. Ảnh Quochoi.vn

Cũng về vấn đề này, đại biểu Điều Huỳnh Sang (Bình Phước) cho rằng: "Vấn đề khá nan giải hiện nay là công tác cấn bộ và biên chế. Số lượng biên chế các đơn vị không đủ để đáp ứng yêu cầu công việc, nhất là đội ngũ thư ký tòa án.

Trong khi đó, số lượng các công việc phải thụ lý ngày càng tăng và yêu cầu về nâng cao chất lượng đã tạo áp lực không nhỏ đối với các đơn vị thuộc Tòa án nhân dân hai cấp ở các địa phương trên cả nước.

Đại biểu đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết giải pháp trong thời gian tới để khắc phục tình trạng trên?".

Chất vấn Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình, đại biểu Quốc hội Lê Thị Thanh Xuân (Đoàn Đắk Lắk) phản ánh thực tế tổ chức bộ máy một số Tòa án chưa thực sự khoa học, thiếu đồng bộ, chưa sát thực tiễn. Đại biểu đề nghị, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nêu rõ giải pháp để khắc phục những hạn chế tổ chức và hoạt động của Tòa án hiện nay?

Cán bộ nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa hợp lý… trách nhiệm của Chánh án TANDTC như thế nào? - Ảnh 4.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình: Tổ chức bộ máy của tòa án chưa thực sự hợp lý, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ, đặc biệt cần có tòa án khu vực để có khả năng giải quyết các vụ việc chuyên nghiệp hơn. Ảnh Quochoi.vn

Mô hình tổ chức tòa án hiện nay chưa hợp lý, đang khắc phục bằng các giải pháp căn cơ

Trả lời chất vấn của đại biểu về công tác tổ chức, cán bộ của ngành Tòa án, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận mô hình tổ chức hiện nay chưa hợp lý do và đang tiến hành khắc phục bằng các giải pháp căn cơ.

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu thực tế, hiện nay một số loại án chuyên biệt đòi hỏi tính chuyên môn sâu nhưng không có thẩm phán, không có tòa chuyên trách để giải quyết, nên hiệu quả giải quyết rất khiêm tốn. Ví dụ như tòa phá sản, tòa sở hữu trí tuệ, tòa hành chính…

Vì vậy, Chánh án Nguyễn Hòa Bình đề nghị Quốc hội xây dựng các tòa chuyên biệt để chuyên xử các vụ án chuyên biệt, nhất là chuyên xử các vụ án hành chính của cấp tỉnh để khắc phục được tình trạng nể nang.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình khẳng định, tổ chức bộ máy của tòa án chưa thực sự hợp lý theo quy mô nền kinh tế, quy mô dân số và quy mô số lượng các vụ việc của Tòa án, trong khi mô hình hiện nay đang tổ chức đồng đều.

Vì vậy, cần tiến hành sửa đổi bằng những giải pháp mang tính căn cơ, đặc biệt cần có tòa án khu vực để có khả năng giải quyết các vụ việc chuyên nghiệp hơn.

Cán bộ nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa hợp lý… trách nhiệm của Chánh án TANDTC như thế nào? - Ảnh 5.

Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Phải đảm bảo số lượng biên chế phù hợp với công việc. Ảnh Quochoi.vn

Chế độ đãi ngộ thấp nên có tình trạng thư ký tòa án xin nghỉ việc

Trả lời câu hỏi đại biểu về biên chế, thiếu cán bộ, Chánh án Nguyễn Hòa Bình nêu rõ: Do quy mô nền kinh tế, quy mô dân số như hiện nay, số lượng tòa án giải quyết các vụ việc lớn và có xu hướng tăng, gây áp lực cho biên chế.

Theo quy định, mỗi thẩm phán có một thư ký để phục vụ thụ lý án, nhưng hiện nay một thư ký phục vụ cho 3-4 thẩm phán.

"Trong khi chế độ đãi ngộ thấp nên có tình trạng thư ký tòa án xin nghỉ việc", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình thừa nhận.

Theo Chánh án Nguyễn Hòa Bình, hiện biên chế của toàn ngành Tòa án là 15.500 người. Trong khi đó, số cán bộ nghỉ việc hàng năm khoảng 4,5% (khoảng 700-800 người).  Mỗi năm Học viện Tòa án chỉ được tuyển 300 người nên còn khoảng một nửa chỉ tiêu Tòa án phải tuyển người ngoài ngành.

"Thông thường, chúng tôi sẽ ưu tiên tuyển các sinh viên trường ngoài hệ thống tòa án có học lực giỏi, xuất sắc để không làm ảnh hưởng đến chất lượng tuyển dụng", Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết.

Cán bộ nghỉ việc, thiếu biên chế, tổ chức bộ máy chưa hợp lý… trách nhiệm của Chánh án TANDTC như thế nào? - Ảnh 6.

Tòa án nhân dân tối cao mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét, đảm bảo vấn đề biên chế cho ngành Tòa án. Ảnh Quochoi.vn

Phải đảm bảo số lượng biên chế phù hợp với công việc

Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình cho biết: Với biên chế hiện có, giải pháp chủ yếu của ngành Tòa án là "vẫn phải động viên và áp dụng các giải pháp để nâng cao năng suất lao động và chất lượng công việc".

Từ năm 2021 đến nay, ngành Tòa án bắt đầu đưa vào trợ lý ảo được xem như đột phá của công nghệ thông tin, hỗ trợ cho thẩm phán trong việc truy tìm các văn bản pháp luật; hỗ trợ áp dụng án lệ; tra cứu, tham khảo các bản án có tình huống pháp lý tương tự để hỗ trợ cho thẩm phán nâng cao năng suất.

Giải pháp tiếp theo là tăng cường hòa giải, đối thoại theo Luật hòa giải, việc càng nhiều, việc đưa ra xét xử càng ít và giảm tải cho ngành tòa án.

"Về lâu dài vẫn phải có số lượng biên chế phù hợp với khối lượng công việc", Chánh án Tòa án nhân dân tối cao Nguyễn Hòa Bình nhấn mạnh.

Đối với câu hỏi làm cách nào nâng cao chất lượng xét xử, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao nêu rõ: So với khối lượng công việc, biên chế của Tòa án hiện nay rất ít. Điều này tạo nên áp lực đối với hệ thống Tòa án, ảnh hưởng chất lượng xét xử. Tòa án nhân dân tối cao mong muốn Quốc hội, các cơ quan có thẩm quyền xem xét việc này, đảm bảo vấn đề biên chế cho Tòa án./.