Thảo luận tại Tổ 10, nhiều đại biểu cũng quan tâm đến vấn đề lao động, việc làm, đại biểu Nguyễn Văn Thân, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình nêu quan điểm: Xã hội ổn định, kinh tế phát triển cần quan tâm đến các lĩnh vực bền vững nông nghiệp, như giáo dục, y tế, lao động.
Đại biểu Nguyễn Văn Thân lo ngại tình trạng "chảy máu" lao động có chuyên môn cao, lao động lành nghề. Đại biểu cho rằng, nếu không tận dụng được lực lượng này sẽ dẫn tới tình trạng chuyển dịch từ khu vực nhà nước sang tư nhân, sang các doanh nghiệp FDI, thậm chí xuất khẩu lao động.
Đại biểu băn khoăn, tại sao có thể đầu tư hàng triệu tỉ cho cơ sở hạ tầng nhưng đầu tư cho con người chưa tương xứng, trong khi chủ trương của Đảng và Nhà nước luôn xác định đầu tư cho con người là trung tâm.
Vì vậy, theo đại biểu Nguyễn Văn Thân chế độ tiền lương, thu nhập của người lao động cần được cải thiện và không chỉ trông chờ vào nguồn ngân sách nhà nước mà cần có giải pháp đột phá.
Đai biểu Nguyễn Văn Thân cũng nhấn mạnh rằng: Đầu tư cho con người là đầu tư cho lâu dài, cho tăng trưởng bền vững, công việc này cần được tiến hành ngay từ thời điểm này.
Liên quan đến vấn đề lao động, thảo luận tại Tổ 14, đại biểu Đặng Hồng Sỹ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Thuận cho biết, tình trạng từ cuối 2022, những tháng đầu 2023, tình trạng mất việc làm tăng, tập trung ở các tỉnh thành có nhiều khu công nghiệp.
Đại biểu phân tích nguyên nhân của tình trạng này là do biến động từ tình hình kinh tế thế giới cũng như một số vấn đề trong nước làm ảnh hưởng đến một số doanh nghiệp, khiến nhiều doanh nghiệp không tiếp cận được nguồn vốn, hoạt động sản xuất, kinh doanh đình trệ.
Đưa ra giải pháp cho vấn đề này, đại biểu Đặng Hồng Sỹ cùng các đại biểu cho rằng cần tiếp tục quán triệt triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, tổ chức các hội chợ xúc tiến thương mại để khai thác các thị trường mới. Cần có giải pháp hỗ trợ vốn cho các doanh nghiệp, đặc biệt với các doanh nghiệp liên quan đến bất động sản.
Ngoài ra, các đại biểu cho rằng cần đẩy mạnh các giải pháp phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, sắp xếp tổ chức cơ cấu, nâng cao chất lượng đầu vào của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.
Theo đại biểu Hà Thị Nga (Đồng Tháp), mặc dù Chính phủ và các bộ, ngành, địa phương đã có một số chính sách hỗ trợ người lao động mất việc, nhưng đại biểu đề nghị Chính phủ chỉ đạo các bộ ngành quan tâm, rà soát, đánh giá chính xác về số doanh nghiệp rời khỏi thị trường, từ đó có giải pháp hỗ trợ vực dậy doanh nghiệp.
Đại biểu đề nghị Chính phủ tiếp tục thực hiện chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn, chú trọng đến lao động nữ; có chính sách hỗ trợ vốn, cho vay ưu đãi thông qua các ngân hàng chính sách xã hội…