In bài viết

4 lý do cần thiết ban hành Luật Nhà giáo

15:51 - 08/10/2024

(Chinhphu.vn) - 4 lý do cần thiết ban hành Luật Nhà giáo: Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò đội ngũ nhà giáo; khắc phục tình trạng có nhiều văn bản về nhà giáo nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ; kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo; phù hợp với xu thế của quốc tế trong xây dựng chính sách nhà giáo.

Thực hiện quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, Nghị quyết số 129/2024/QH15 ngày 8/6/2024 của Quốc hội, ngày 6/9/2024, Chính phủ đã có Tờ trình số 406/TTr-CP trình Quốc hội về dự án Luật Nhà giáo.

Ngày 25/9/2024, tại Phiên họp thứ 37, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo. Ngày 27/9/2024, Tổng Thư ký Quốc hội có văn bản số 4296/TB-TTKQH thông báo kết luận của Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Nhà giáo.

Trên cơ sở tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ báo cáo, làm rõ thêm một số nội dung liên quan đến dự án Luật Nhà giáo; trong đó có sự cần thiết ban hành Luật. Cụ thể như sau:

Thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò đội ngũ nhà giáo

Thứ nhất, ban hành Luật Nhà giáo nhằm thể chế hóa quan điểm, chủ trương của Đảng về vị trí, vai trò của đội ngũ nhà giáo trong sự nghiệp phát triển đất nước.

Trong suốt các chặng đường phát triển đất nước hơn hai mươi năm qua, Đảng ta luôn khẳng định sự quan tâm sâu sắc, liên tục đối với đội ngũ nhà giáo.

Các chỉ thị, nghị quyết của Đảng luôn khẳng định tầm quan trọng, vai trò quyết định của đội ngũ nhà giáo đối với nâng cao chất lượng giáo dục - yếu tố có ý nghĩa quyết định đối với phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, phát triển con người, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế.

Các quan điểm, chủ trương xuyên suốt của Đảng qua các kỳ Đại hội đều nhất quán khẳng định vị trí “lực lượng nòng cốt, có vai trò quan trọng” của đội ngũ nhà giáo và việc phát triển, chuẩn hóa và nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo là yêu cầu tất yếu để đáp ứng yêu cầu đổi mới GD-ĐT.

Đảng đã thể hiện quan điểm toàn diện về xây dựng, đội ngũ nhà giáo với các nhóm vấn đề cơ bản bao gồm: vị trí, vai trò, trách nhiệm của nhà giáo, tiêu chuẩn, quy chuẩn nhà giáo, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng nhà giáo, tuyển dụng, sử dụng, đãi ngộ, tôn vinh nhà giáo, hợp tác quốc tế trong công tác quản lý nhà nước, phát triển đội ngũ nhà giáo.

Gần đây nhất, tại Kết luận 91-KL/TW ngày 12/8/2024 của Bộ Chính trị tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 29-NQ/TW, ngày 4/11/2013 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XI "Về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hoá, hiện đại hoá trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế" đã khẳng định cần “Tập trung rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện cơ chế, chính sách, pháp luật về giáo dục và đào tạo, tháo gỡ những điểm nghẽn, trong đó, cần sớm xây dựng Luật về nhà giáo”.

Các quan điểm, chủ trương nêu trên cần được thể chế hóa thành luật để tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo.

Khắc phục tình trạng có nhiều văn bản về nhà giáo nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ

Thứ hai, ban hành Luật Nhà giáo nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật, khắc phục tình trạng có nhiều văn bản về nhà giáo nhưng chồng chéo, thiếu đồng bộ trong chế tài quản lý giữa nhà giáo trong công lập và nhà giáo ngoài công lập.

Qua rà soát hệ thống văn bản quy phạm pháp luật hiện hành về nhà giáo, đồng thời học tập kinh nghiệm quốc tế trong ban hành chính sách nhà giáo thì thấy rằng có thể có một số giải pháp khác nhau để xử lý sự bất cập trong hệ thống pháp luật hiện hành về nhà giáo (ban hành luật riêng hoặc chỉ sửa đổi, bổ sung các luật liên quan hoặc ban hành một bộ luật chung về giáo dục).

Tuy nhiên, nếu tiến hành sửa đổi các luật liên quan thì sẽ không giải quyết được sự tản mát, thiếu đồng bộ trong các quy định về nhà giáo, đồng thời có thể tạo ra sự mất cân đối về cấu trúc của các luật hiện hành (vì nội dung quy định về chính sách nhà giáo phải đảm bảo đầy đủ, có tính hệ thống).

Đồng thời, việc quy định chính sách nhà giáo chung với viên chức các ngành, lĩnh vực khác sẽ không thể đề xuất những nội dung chính sách có tính chất đột phá đối với nhà giáo. Cũng như, nhiều “điểm nghẽn” trong thực tế quản lý, sử dụng nhà giáo trong giai đoạn vừa qua không thể giải quyết được (vấn đề thừa/thiếu giáo viên, chế tài quản lý nhà giáo ngoài công lập...).

Bên cạnh đó, các quy định của Luật Viên chức không điều chỉnh đối với đội ngũ nhà giáo ngoài công lập và nhà giáo nước ngoài vào giảng dạy tại Việt Nam. Trong khi xu thế xã hội hóa giáo dục ngày càng được đẩy mạnh, số nhà giáo làm việc trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập này ngày càng tăng trong thời gian tới. Trong khi tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền và nghĩa vụ của nhà giáo có những yêu cầu riêng gắn với đặc điểm hoạt động nghề nghiệp theo cấp học và trình độ đào tạo. Vì vậy, việc áp dụng pháp luật về lao động trong tuyển dụng, sử dụng, quyền, nghĩa vụ của nhà giáo không phù hợp.

Kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo

Thứ ba, Luật Nhà giáo kiến tạo các chính sách đột phá để phát triển đội ngũ nhà giáo.

Cùng với xu hướng toàn cầu hóa, với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ thông tin, những thay đổi trong cơ cấu dân số, những thách thức của nền kinh tế tri thức và bài toán toàn cầu sẽ dẫn tới những biến đổi tất yếu trong giáo dục nói chung và trong quản lý, phát triển đội ngũ nhà giáo nói riêng.

Trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 và yêu cầu của công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục hiện nay, vai trò, vị trí của nhà giáo đã có những thay đổi nhất định. Điều này đòi hỏi cần phải có một luật riêng điều chỉnh về nhà giáo với những quy định phù hợp, với các quy định có tính chất mở đường cho việc xây dựng đội ngũ nhà giáo tại thời điểm trước mắt và lâu dài; tạo vị thế vững chắc của nhà giáo trong xã hội, đồng thời là cơ hội để phát triển, nâng cao chất lượng đội ngũ, góp phần phát triển kinh tế, xã hội của đất nước.

Chủ trương của Đảng và Nhà nước cũng như tầm nhìn của thế giới đều xác định lực lượng nhà giáo là yếu tố quan trọng nhất, nền tảng nhất, cốt lõi nhất quyết định chất lượng giáo dục. Lực lượng nhà giáo là tài sản và vốn quý báu nhất của Ngành để thực hiện sứ mệnh cao cả.

Vì vậy, phát triển đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, tốt về chất lượng là việc sống còn của ngành Giáo dục. Phát triển giáo dục và đào tạo cung cấp nguồn nhân lực chất lượng cao là khâu đột phá chiến lược để phát triển đất nước, thì phát triển đội ngũ nhà giáo là khâu đột phá trong đột phá chiến lược ấy.

Phù hợp với xu thế của quốc tế trong xây dựng chính sách nhà giáo

Thứ tư, việc ban hành Luật Nhà giáo phù hợp với xu thế của quốc tế trong xây dựng chính sách nhà giáo.

Kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới trong xây dựng, ban hành Luật điều chỉnh về nhà giáo và các chính sách về nhà giáo cho thấy, chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo, nhưng chất lượng của nhà giáo phụ thuộc vào các chính sách định hình môi trường làm việc của họ và quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng, phát triển họ.

Nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục. Nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia thông qua việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Vì lý do này, vị thế nghề nghiệp của nhà giáo phải được đề cập đến như là một yếu tố chủ chốt của mục tiêu giáo dục.

Các văn bản luật về nhà giáo trên thế giới vì thế khá đa dạng về mô hình/hình thức thể hiện, tùy thuộc mức độ phát triển về pháp luật giáo dục của quốc gia.

Từ kinh nghiệm của quốc tế, việc lựa chọn mô hình xây dựng một Luật riêng về nhà giáo là phù hợp với điều kiện thực tế và trình độ phát triển luật pháp ở Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Hiến pháp năm 2013 đã khẳng định “nhà nước quản lý xã hội bằng pháp luật” và "Phát triển giáo dục là quốc sách hàng đầu nhằm nâng cao dân trí, phát triển nguồn nhân lực, bồi dưỡng nhân tài" (Điều 61).

Từ các căn cứ nêu trên, việc ban hành Luật Nhà giáo vì thế hết sức cần thiết trong bối cảnh hiện nay, vừa đáp ứng được yêu cầu thể chế hóa các quan điểm, chủ trương của Đảng về phát triển đội ngũ nhà giáo, vừa phù hợp với điều kiện thực tế về xây dựng hệ thống pháp luật của Việt Nam trong bối cảnh hiện nay.

Đồng thời, Luật Nhà giáo được ban hành sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc, đột phá cho việc phát triển đội ngũ nhà giáo, đáp ứng yêu cầu trước mắt cũng như định hướng chiến lược phát triển đất nước đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045.