In bài viết

Yêu cầu rà soát toàn diện các loại kem chống nắng trên toàn quốc

13:53 - 21/05/2025

(Chinhphu.vn) - Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ban hành văn bản yêu cầu rà soát các phiếu công bố mỹ phẩm có công bố tính năng, công dụng chống nắng (kem chống nắng) đã được tiếp nhận. Thu hồi các số tiếp nhận phiếu công bố không đáp ứng quy định...

Tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm chống nắng

Cục Quản lý Dược, Bộ Y tế vừa ban hành Công văn 1372/QLD-MP gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; Các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm chống nắng.

Trong văn bản do Phó Cục trưởng Cục Quản lý Dược Tạ Mạnh Hùng ký ban hành cho biết, triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công điện số 55/CĐ-TTg ngày 02/5/2025 về việc tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả;

Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 về mở đợt cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ; Chỉ thị số 13/CT-TTg ngày 17/5/2025 về việc tăng cường công tác chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới;

Công văn số 2965/BYT-QLD ngày 16/5/2025 của Bộ Y tế về việc tăng cường thanh tra, kiểm tra hậu mại, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm;

Công văn số 3005/BYT-QLD ngày 17/5/2025 của Bộ Y tế về việc triển khai Công điện số 65/CĐ-TTg ngày 15/5/2025 của Thủ tướng Chính phủ và Công văn số 1149/QLD-MP ngày 23/4/2025 của Cục Quản lý Dược về việc tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm, để bảo đảm an toàn và quyền lợi của người tiêu dùng, nâng cao hiệu quả công tác kiểm tra hậu mại mỹ phẩm, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương thực hiện các nội dung tại các văn bản nêu trên và tăng cường công tác quản lý mỹ phẩm đối với sản phẩm mỹ phẩm chống nắng, cụ thể như sau:

Rà soát các phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có công bố tính năng, công dụng chống nắng (kem chống nắng) đã được tiếp nhận, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành về quản lý mỹ phẩm. Thu hồi các số tiếp nhận phiếu công bố không đáp ứng quy định.

Chỉ đạo các đơn vị chức năng kiểm tra việc ghi nhãn, quảng cáo các sản phẩm mỹ phẩm chống nắng trên địa bàn.

Chỉ đạo Trung tâm kiểm nghiệm tăng cường lấy mẫu mỹ phẩm chống nắng để kiểm tra, xác định chỉ số SPF (Sun Protection Factor).

Kịp thời báo cáo về Cục Quản lý Dược các mẫu mỹ phẩm chống nắng vi phạm để thu hồi, tiêu hủy và xử lý, xử phạt nghiêm theo quy định.

Cùng đó, Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu các cơ sở sản xuất, kinh doanh, chịu trách nhiệm đưa sản phẩm mỹ phẩm ra thị trường thực hiện đúng các quy định về quản lý mỹ phẩm và thực hiện rà soát hồ sơ thông tin sản phẩm (Product Information File -PIF), phương pháp và kết quả xác định chỉ số SPF của sản phẩm, bảo đảm đầy đủ, chính xác, sẵn sàng cung cấp khi cơ quan chức năng yêu cầu kiểm tra chất lượng;

Rà soát nội dung phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm có ghi tính năng, công dụng chống nắng, bảo đảm tuân thủ đúng các quy định hiện hành;

Rà soát nhãn sản phẩm ghi tính năng, công dụng chống nắng, chỉ số SPF, bảo đảm phù hợp với quy định ghi nhãn, nội dung chính xác, thống nhất với phiếu công bố và tuân thủ Hướng dẫn của ASEAN về ghi nhãn sản phẩm mỹ phẩm chống nắng.

Thu hồi toàn quốc lô kem chống nắng ghi nhãn SPF 50 nhưng kết quả kiểm nghiệm khác hoàn toàn

 Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) vừa ra quyết định đình chỉ lưu hành, thu hồi và tiêu hủy toàn bộ lô sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 túyp 100g) do không đáp ứng quy định khi không ghi nhận chỉ số chống nắng như trên nhãn sản phẩm.

 Cục Quản lý Dược đã có văn bản gửi Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương; Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group (Địa chỉ: Tầng lửng cao ốc Đại Thanh Bình số 911-913-915-917 Nguyễn Trãi, Phường 14, Quận 5, TP HCM); Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai (Địa chỉ: Đường số 6, KCN Giang Điền, xã Giang Điền, huyện Trảng Bom, tỉnh Đồng Nai) về việc đình chỉ lưu hành, thu hồi mỹ phẩm đối với sản phẩm Hanayuki Sunscreen Body (hộp 1 túyp 100g).

Cục Quản lý Dược cho hay, theo nhãn sản phẩm, lô hàng có số tiếp nhận PCB: 779/24/CBMP-ĐN; số lô: 0010125; ngày sản xuất: 060125; hạn dùng: 050127.

Tổ chức chịu trách nhiệm đưa sản phẩm ra thị trường là Công ty TNHH thương mại dịch vụ VB Group; Công ty TNHH EBC Group - nay là Công ty cổ phần nhà máy y tế EBC Đồng Nai sản xuất.

Kết quả kiểm nghiệm do Viện Kiểm nghiệm thuốc TP HCM thực hiện cho thấy chỉ số chống nắng trên nhãn (SPF 50) không phù hợp với kết quả kiểm nghiệm chỉ số chống nắng của mẫu thử (SPF: 2,4).

Theo phiếu công bố, tính năng, công dụng của sản phẩm là bảo vệ da chống nắng, dưỡng da và làm trắng da toàn thân, không ghi thông tin có chỉ số chống nắng SPF là 50 như trên nhãn sản phẩm lưu thông.

Do đó Cục Quản lý Dược yêu cầu đình chỉ lưu hành, thu hồi trên toàn quốc lô sản phẩm trên.

Cục Quản lý Dược đề nghị Sở y tế các tỉnh, thành phố thông báo cho các cơ sở kinh doanh, sử dụng mỹ phẩm trên địa bàn ngừng ngay việc kinh doanh, sử dụng lô sản phẩm, đồng thời giám sát việc thu hồi, tiêu hủy, và xử lý đơn vị vi phạm theo đúng quy định.

VB Group và EBC Đồng Nai phải gửi thông báo thu hồi tới những nơi phân phối, sử dụng lô sản phẩm trên; tiếp nhận sản phẩm trả lại từ các cơ sở kinh doanh và tiến hành thu hồi toàn bộ sản phẩm không đáp ứng quy định; gửi báo cáo về Cục trước ngày 15/6.

Trường hợp không loại bỏ yếu tố vi phạm (không thể tách rời nhãn hàng hóa vi phạm ra khỏi hàng hóa) thì buộc tiêu hủy lô sản phẩm trên.

Cục Quản lý Dược cũng yêu cầu Sở Y tế TP HCM, Sở Y tế tỉnh Đồng Nai giám sát 2 công ty trên trong việc thu hồi lô sản phẩm không đáp ứng quy định; kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý mỹ phẩm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm; xử lý, xử phạt vi phạm theo quy định hiện hành; báo cáo kết quả về Cục trước ngày 30/6.

Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm

Trước đó, tại Công văn 2965/BYT-QLD, ngày 16/5/2025, Bộ Y tế đề nghị các tỉnh tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng hóa là mỹ phẩm.

Văn bản nêu rõ, trong thời gian gần đây, qua công tác hậu kiểm và phản ánh từ người tiêu dùng, phương tiện thông tin đại chúng; Bộ Y tế nhận thấy tình trạng kinh doanh sản phẩm mỹ phẩm là hàng xách tay, hàng giả, hàng không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng và các hành vi gian lận thương mại trong lĩnh vực mỹ phẩm diễn biến ngày càng phức tạp, gây ảnh hưởng đến sức khỏe người dân, quyền lợi người tiêu dùng và uy tín của ngành mỹ phẩm trong nước.

Ngày 02/5/2025, Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 55/CĐ-TTg về tăng cường phối hợp, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân liên quan đến sản xuất, buôn bán thuốc chữa bệnh giả, sữa giả và thực phẩm bảo vệ sức khỏe giả, theo đó, Bộ Y tế tăng cường kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật về dược, an toàn thực phẩm, đồng thời lưu ý tăng cường quản lý nhà nước đối với mỹ phẩm, không để xảy ra các sai phạm.

Để chủ động kiểm soát chất lượng mỹ phẩm lưu thông trên thị trường và bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng; Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan trên địa bàn thực hiện một số nội dung trọng tâm sau đây:

1. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra hoạt động sản xuất, kinh doanh mỹ phẩm, tập trung vào:

- Các sản phẩm không rõ nguồn gốc, không được công bố theo quy định.

- Mỹ phẩm quảng cáo sai sự thật, ghi nhãn không đúng quy định.

- Hoạt động kinh doanh trực tuyến, đặc biệt trên các nền tảng mạng xã hội và sàn thương mại điện tử.

2. Thực hiện hậu kiểm thường xuyên đối với các sản phẩm mỹ phẩm đã lưu thông trên thị trường, thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

Thu hồi và tiêu hủy toàn bộ các loại mỹ phẩm nghi ngờ giả, mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, mỹ phẩm không đạt chất lượng, không an toàn cho người tiêu dùng.

3. Chỉ đạo ngành Y tế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng: Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Thuế, Ban Chỉ đạo 389 địa phương...:

- Phát hiện, ngăn chặn kịp thời các hành vi sản xuất, tàng trữ, buôn bán mỹ phẩm giả, không đạt chất lượng.

- Xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định của pháp luật.

4. Đẩy mạnh công tác truyền thông, phổ biến pháp luật về quản lý mỹ phẩm đến cộng đồng, doanh nghiệp, người tiêu dùng, nhằm nâng cao nhận thức, cảnh giác và tố giác các hành vi vi phạm.

5. Rà soát các quy định nhằm nâng cao trách nhiệm, hiệu quả quản lý của các cơ quan liên quan và chính quyền các địa phương đối với hoạt động sản xuất, buôn bán mỹ phẩm. 

Trường hợp có khó khăn, bất cập, đề nghị khẩn trương phảnánh về các cơ quan chức năng để kịp thời nghiên cứu, sửa đổi.

6. Định kỳ hoặc đột xuất báo cáo kết quả thực hiện về Bộ Y tế (Cục Quản lý Dược) để tổng hợp và báo cáo Thủ tướng Chính phủ theo quy định.

Bộ Y tế đề nghị Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ươngchỉ đạo các đơn vị thực hiện bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, bảo vệ sức khỏe nhân dân và quyền lợi người tiêu dùng./.