Theo ý kiến nhiều đại biểu Quốc hội, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) là cần thiết nhằm bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành.
Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân (QĐND) Việt Nam năm 1999 được Quốc hội khóa X thông qua tại Kỳ họp thứ sáu ngày 21/12/1999, có hiệu lực từ ngày 1/4/2000 và sửa đổi, bổ sung vào các năm 2008, 2014.
Qua gần 10 năm thực hiện cho thấy, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đã tạo động lực để đội ngũ sĩ quan phấn đấu hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ được giao, thực sự là nòng cốt trong xây dựng QĐND Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, góp phần xây dựng và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.
Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện Luật Sĩ quan xuất hiện những vướng mắc, bất cập, như: Chức vụ của sĩ quan; tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan; trần quân hàm cấp tướng; rút ngắn thời hạn xét thăng quân hàm cấp úy; chế độ, chính sách đối với sĩ quan;...
Vì vậy, đặt ra yêu cầu sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam.
Sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương
Quan tâm tới nội dung này, đại biểu Trần Đình Gia – Đoàn ĐBQH tỉnh Hà Tĩnh cho rằng, việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam là cần thiết nhằm thể chế hóa đầy đủ chủ trương, đường lối, chính sách của Đảng, Nhà nước về xây dựng đội ngũ sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vững mạnh, đáp ứng yêu cầu xây dựng QĐND tinh, gọn, mạnh, tiến lên hiện đại trong tình hình mới, bảo đảm cho quân đội sẵn sàng chiến đấu và hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.
Đồng thời, bảo đảm đồng bộ, thống nhất với hệ thống pháp luật hiện hành và khắc phục các vướng mắc, bất cập trong thực tế triển khai thi hành Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện hành.
“Qua các cuộc tiếp xúc cử tri, ý kiến cử tri cũng phản ánh, kiến nghị cần thiết sớm sửa đổi Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam đảm bảo phù hợp, đồng bộ giữa nội dung chính sách của dự án Luật với các luật hiện hành như: Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội, Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp...”, đại biểu Trần Đình Gia cho biết
Theo đại biểu Trần Đình Gia quá trình xây dựng và ban hành dự luật cần đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ tác động các chính sách đề xuất để các quy định sửa đổi, bổ sung phải bảo đảm được quyền lợi chính đáng, cuộc sống của cán bộ, sĩ quan; phù hợp với xu thế phát triển của kinh tế, xã hội và các văn bản pháp luật khác có liên quan.
Trong đó, nghiên cứu chế độ chính sách về tiền lương cho lực lượng vũ trang, đảm bảo nâng cao đời sống về vật chất cho cán bộ, sĩ quan; sửa đổi độ tuổi phục vụ tại ngũ và chính sách tiền lương sau khi nghỉ hưu cho phù hợp với đặc thù của lực lượng vũ trang, tương thích với các văn bản pháp luật khác và đáp ứng đời sống của sĩ quan sau khi nghỉ hưu.
Cùng quan điểm, đại biểu Nguyễn Văn Thuận, Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Thuận tán thành việc xây dựng Luật sửa đổi, bố sung một số điều của Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam.
Đồng thời, nhất trí về trình tự, thủ tục xây dựng Luật và thời gian dự kiến trình thông qua Luật, trong đó có việc áp dụng trình tự, thủ tục rút gọn, trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp thứ 8 (tháng 10/2024) để bảo đảm tính thống nhất trong hệ thống pháp luật, tạo cơ sở pháp lý cho việc tổ chức, xây dựng quân đội trong giai đoạn hiện nay…
Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu bổ sung cơ sở thực tiễn công tác của sĩ quan của các đơn vị ở vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, thực hiện nhiệm vụ đặc biệt để có chính sách đặc thù về quân hàm, phụ cấp, tuổi nghỉ hưu… cho phù hợp.
Bên cạnh đó, đại biểu đề nghị, quy định hạn tuổi phục vụ tại ngũ cao nhất của sĩ quan cần bảo đảm cân đối với quy định của Luật Quân nhân chuyên nghiệp, công nhân và viên chức quốc phòng, Bộ luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội.
Cũng theo đại biểu, trong năm 2023, để bảo đảm tương thích với quy định của Bộ luật Lao động, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân đã quy định tăng độ tuổi phục vụ của hạ sĩ quan, sĩ quan Công an nhân dân theo hướng tăng từ 02 đến 05 tuổi và thực hiện theo lộ trình về tuổi nghỉ hưu đối với người lao động như quy định của Bộ luật Lao động.
Do đó, để bảo đảm tính tương quan (tương đối) giữa lực lượng QĐND và lực lượng Công an nhân dân, tính tương thích đối với quy định của các luật khác có liên quan, đề nghị cân nhắc bổ sung quy định về lộ trình thực hiện tăng hạn tuổi phục vụ.
Đồng thời, đánh giá tác động kỹ lưỡng, cụ thể hơn về việc nâng hạn tuổi phục vụ , đưa ra các tiêu chí cụ thể hơn (như cấp bậc hàm, chức vụ, chức danh, giới…) để làm cơ sở thuyết phục cho việc quy định việc tăng hạn tuổi phục vụ từ 01 đến 04 tuổi đối với sĩ quan QĐND Việt Nam.
Đại biểu cũng lưu ý, đối với sĩ quan cấp tướng, cơ quan chủ trì soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc bảo đảm phù hợp với thực tiễn và tương thích với Bộ luật Lao động và Luật Bảo hiểm xã hội hiện hành.
Cụ thể, Luật Sĩ quan QĐND Việt Nam hiện hành quy định tuổi nghỉ hưu của sĩ quan cấp tướng là 60 đối với nam và 55 đối với nữ phù hợp với Bộ luật Lao động trước khi sửa đổi năm 2019 (60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ); Bộ luật Lao động sửa đổi năm 2019 đã nâng hạn tuổi nghỉ hưu đối với cả lao động nam và lao động nữ (62 tuổi đối với nam và 60 tuổi đối với nữ); cùng với đó, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Công an nhân dân năm 2023 đã nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ đối với sĩ quan cấp tướng (nam 62, nữ 60).
Do đó, đề nghị rà soát, đánh giá tác động kỹ đối với từng đối tượng bị tác động, có số liệu minh chứng, cân nhắc lựa chọn giải pháp phù hợp.
Nêu quan điểm về dự luật, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội Đặng Thuần Phong đồng tình sự cần thiết xây dựng Luật. Tuy nhiên, về phạm vi sửa đổi, bổ sung của Luật cân nhắc nên mở rộng hơn nữa do bên cạnh 3 chính sách được đề xuất, còn một số bất cập của Luật cần được nghiên cứu sửa đổi.
Liên quan đến chính sách về nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam, đại biểu lưu ý, cần làm rõ số lượng sĩ quan tiếp tục phục vụ tại ngũ sau khi Luật có hiệu lực thi hành và bổ sung đánh giá tác động về tài chính, ngân sách nhà nước (tiền lương, phụ cấp, bảo hiểm xã hội) và đối với Quỹ Bảo hiểm xã hội (đặc biệt là quỹ hưu trí và tử tuất) để làm căn cứ quyết định.
Ngoài ra, về cấp bậc quân hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan quân đội nhân dân Việt Nam, đề nghị rà soát cụ thể về số lượng vị trí quân hàm cao nhất hiện nay và bảo đảm việc sửa đổi, bổ sung không làm vượt quá số lượng cấp tướng đã được quy định, trường hợp có vượt quá cần được báo cáo và làm rõ;…
Bên cạnh đó, các ý kiến đại biểu cũng lưu ý, để Luật có hiệu lực thi hành ngay, cơ quan chủ trì soạn thảo cần chuẩn bị đầy đủ nội dung dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn các nội dung được quy định trong Luật.
Vừa qua, tại phiên họp ngày 23/7, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nhất trí đề nghị của Chính phủ bổ sung dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2024.
Theo đó, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam được xây dựng theo trình tự, thủ tục rút gọn; trình Quốc hội xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 8 (10/2024) tới đây.
Dự án luật tập trung vào 03 chính sách: (1) Hoàn thiện quy định về chức vụ cơ bản và chức vụ, chức danh tương đương của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu xây dựng Quân đội cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; (2) Nâng hạn tuổi phục vụ tại ngũ của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam; (3) Quy định cấp bậc hàm cao nhất đối với chức vụ, chức danh của sĩ quan Quân đội nhân dân Việt Nam./.