Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.
Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận nhận định rằng, trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.
PGS.TS Vũ Minh Khương, Giảng viên Trường Chính sách công Lý Quang Diệu: Thế giới kỳ vọng vượt qua đại dịch nhưng không ngờ ngấm sâu vào sức khỏe nền kinh tế, có những cái không phải ngày một ngày hai.
Trong khi đó, bối cảnh cuộc chiến Nga-Ukraine khiến tình hình quốc tế bất ổn, lạm phát lên cao, lãi suất lên cao chưa từng thấy, các nước đang phải vật lộn. Với bối cảnh đó, cần phải thông cảm với Chính phủ, các địa phương, các doanh nghiệp đang phải vật lộn quyết liệt.
"Nhưng đáng mừng là Việt Nam đang thể hiện bản lĩnh tốt! Bên ngoài nhìn vào Việt Nam hiện như con tàu chòng chành thế nhưng có sự chèo lái vững vàng, hệ số tín nhiệm cải thiện, thu chi ngân sách tốt, lạm phát kiểm soát chặt chẽ so với nhiều nước", PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương: Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam, thế giới nhìn vào là điểm sáng, dù IMF dự báo Việt Nam năm nay tăng trưởng 5,8%, nhưng dự đoán năm sau khá cao. Họ vẫn kỳ vọng cao vào tương lai của Việt Nam.
"Các nhà đầu tư nước ngoài vẫn háo hức muốn vào Việt Nam, kỳ vọng Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị mới".
Nhìn ra bên ngoài, giống như Việt Nam, Singapore có tỉ lệ thương mại cao gấp mấy lần GDP. Quý I, GDP Singapore tăng 0,1%. Tăng trưởng của Mỹ khi điều chỉnh vừa rồi xuống còn 1,1%, tức là dấu hiệu còn khó khăn trước khi trở lại thuận lợi.
PGS.TS Vũ Minh Khương bày tỏ: Điều tôi muốn nhấn mạnh là, khó khăn rõ ràng tạo ra tâm lý ức chế cho doanh nghiệp. Nhìn vào sự thật, không phải do điều hành của Chính phủ, mà là mô hình kinh tế bắt đầu bộc lộ áp lực lớn phải đổi thay.
Ông Khương lấy ví dụ, xuất khẩu tôm, thủy sản giảm, cạnh tranh quốc tế tăng. Tôi đi các nước giảng bài hay nói về kinh nghiệm của Việt Nam đầu tiên. Bangladesh, Ấn Độ xuất khẩu 7 tỷ USD, muốn lên 15 tỷ USD nên họ nắm bắt rất nhanh chuyển đổi số, chuyển đổi xanh.
"Còn ta vẫn chỉ cải thiện môi trường kinh doanh, chưa có đột phá cơ bản.
Đây là điều ta phải chú ý, đến lúc phải nhìn nhận lại căn bản về nâng cao mô hình tăng trưởng thời gian tới", PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh.
Ông bày tỏ: "Đáng mừng là các địa phương có sự trưởng thành nhanh chóng, có hoài bão lớn đóng góp cho hiện thực hóa mục tiêu Việt Nam phồn vinh vào 2045.
Lãnh đạo các địa phương như TPHCM, Hải Phòng đều rất lắng nghe, mong muốn học hỏi kinh nghiệm của các nước để áp dụng vào phát triển đất nước.
Ta đang bước vào giai đoạn mới tăng trưởng, đòi hỏi đột phá mới về tư duy cũng như ý thức xây dựng quốc gia hiện đại trong 2-3 thập kỷ tới".
Nêu quan điểm về công tác điều hành, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng: "Ứng đáp của Việt Nam rất nhạy bén. Tôi đặc biệt đánh giá cao nỗ lực của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư giúp các nhà đầu tư quốc tế yên tâm".
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương: Các nhà đầu tư quốc tế nói "khả năng ứng đáp cũng Việt Nam khá tốt, Việt Nam đồng là đồng tiền tốt nhất, các đồng tiền khác đều mất giá.
Tất nhiên ổn định đồng tiền có thể khiến các doanh nghiệp xuất khẩu gặp khó khăn, nhưng mừng là các thặng dư vãng lai tốt, thu hút FDI tốt, hoạt động xuất khẩu khá tốt...
Về vĩ mô là tốt, thúc đẩy đầu tư công, các công trình cao tốc, dự án đã được Chính phủ triển khai quyết liệt, khi khó khăn là tháo gỡ ngay".
Còn về vấn đề điện, PGS.TS Vũ Minh Khương cho rằng: Bên cạnh chính sách và công tác điều hành, rất cần sự đồng hành mạnh mẽ của khu vực doanh nghiệp nhà nước.
Theo ông, khu vực này chưa có biện pháp thỏa đáng, cần giải quyết ngay, dồn toàn lực giải quyết. Ví dụ vấn đề điện tái tạo dù chưa chuẩn nhưng đúng hướng, cần giải quyết, không để tình trạng thiếu điện...
Theo PGS.TS Vũ Minh Khương: Bức tranh tổng thể ứng đáp chung là đúng, tốt, nhưng hệ sinh thái ứng đáp với thách thức vượt ngoài khả năng bộ, ngành cụ thể hay Chính phủ, mà đòi hỏi cả hệ thống chính trị, bao gồm cả các doanh nghiệp, cùng bàn thảo để giải quyết bài toàn lớn.
Kinh nghiệm của Singapore là phải có hội đồng định hình chiến lược thời gian tới, quy rõ trách nhiệm, phối thuộc chặt chẽ, để tạo đà vượt lên, tạo lòng tin cho xã hội.
"Còn nhiều vấn đề phải bàn, nhưng những cái đang làm, những kết quả đã đạt được là rất đáng trân trọng và đang đi đúng hướng", PGS.TS Vũ Minh Khương nhấn mạnh./.