In bài viết

Phải khắc phục tình trạng đầu tư phát triển văn hóa dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả

13:45 - 17/12/2022

(Chinhphu.vn) - Đầu tư phát triển văn hóa phải dựa cả vào nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội. Trong đó, nguồn lực đầu tư từ nhà nước giữ vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ thị trường là quan trọng để thúc đẩy văn hóa phát triển. Đối với các nguồn lực của nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả.

Phải khắc phục tình trạng đầu tư phát triển văn hóa dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả - Ảnh 1.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn tại Hội thảo Văn hoá 2022.

Tại Hội thảo Văn hóa 2022 với chủ đề "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa", đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Ủy viên Bộ Chính trị, Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, Chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương đã có bài phát biểu đề dẫn, gợi ý các nội dung thảo luận tại hội thảo.

Làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành "hồn cốt" của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, Hội thảo quốc gia về "Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa" của Quốc hội năm 2022 là sự kiện chính trị - văn hóa - khoa học rất quan trọng, có nhiều ý nghĩa nhằm cụ thể hóa, thực tiễn hóa và thể chế hóa việc triển khai Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, các nghị quyết của Trung ương và kết luận của Hội nghị văn hóa toàn quốc năm 2021.

Đây cũng là dịp để các nhà lập pháp, các nhà hoạch định chính sách cùng các chuyên gia, nhà nghiên cứu, các nhà hoạt động thực tiễn trong lĩnh vực văn hóa và lĩnh vực khác thảo luận, tìm kiếm các giải pháp xây dựng, hoàn thiện các thể chế, chính sách nhằm huy động, khơi thông và phân bổ có hiệu quả các nguồn lực cho phát triển nền văn hóa, xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, hiện thực hóa khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Nền văn hóa Việt Nam kết tinh truyền thống quý báu, những giá trị cao đẹp và những bản sắc riêng vô cùng đa dạng, phong phú, độc đáo đã được hình thành và tỏa sáng qua nhiều nghìn năm lịch sử, trong quá trình dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp đấu tranh giành độc lập dân tộc, giải phóng và thống nhất đất nước, trong công cuộc xây dựng, phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Kế thừa và bổ sung, phát triển sáng tạo qua nhiều nhiệm kỳ, quan điểm, đường lối, chủ trương của Đảng, Nhà nước về vai trò của văn hóa trong phát triển và phát triển văn hóa đã rất toàn diện và rõ ràng, phù hợp với thực tiễn đất nước và xu thế thời đại. Văn hóa "soi đường cho quốc dân đi", là nền tảng tinh thần của xã hội, là mục tiêu, nguồn lực nội sinh và động lực to lớn để phát triển nhanh và bền vững đất nước.

Nhận thức đầy đủ về mối quan hệ biện chứng sâu sắc giữa văn hóa và phát triển có nghĩa đặc biệt quan trọng để chúng ta khơi dậy nguồn sức mạnh "mềm" lớn lao, hoán chuyển các tài nguyên văn hóa, các giá trị quốc gia, giá trị văn hoá, giá trị gia đình và sức mạnh của con người Việt Nam thành những giá trị phát triển; làm cho văn hóa không chỉ được đặt ngang hàng mà còn thẩm thấu sâu hơn, lan tỏa mạnh hơn, thật sự trở thành "hồn cốt" của các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội trong suốt quá trình phát triển.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 1.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa cho thấy đây không phải là lĩnh vực "chỉ biết tiêu tiền" mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng. Ảnh Quochoi.vn

Vẫn còn tư duy lệch lạc về phát triển văn hóa

Hơn 35 năm tiến hành công cuộc Đổi mới, nền văn hóa Việt Nam đã có những bước phát triển, đổi thay mạnh mẽ, trở nên ngày càng phong phú và đặc sắc, thống nhất trong đa dạng.

Tuy nhiên, phải nhìn thẳng vào thực tế rằng, trong một thời gian dài, nhiều nơi, nhất là trong xây dựng các chiến lược, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, văn hóa vẫn chưa được đặt đúng vị trí, chưa phát huy được vai trò tham gia thúc đẩy các lĩnh vực khác của đời sống xã hội và theo đó, nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hoá còn rất khiêm tốn, chưa thật sự xứng tầm.

Thậm chí, còn có tư duy lệch lạc cho rằng: phát triển văn hoá cần nguồn lực đầu tư lớn, nhưng đem lại hiệu quả kinh tế rất ít, mà chưa thấy rõ đây là đầu tư cho phát triển bền vững, dài hạn và tạo ra sức sống mới cho kinh tế - xã hội, sự trường tồn và phồn vinh của đất nước.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 2.

Luật pháp, chiến lược, chính sách phát triển văn hóa chưa đầy đủ, phù hợp?

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng gợi mở: Hội thảo hôm nay là dịp để chúng ta nhận diện rõ hơn không chỉ những thành tựu hết sức tự hào đã đạt được mà cả những hạn chế, bất cập trong việc thể chế hóa quan điểm, đường lối của Đảng về phát triển văn hoá, con người Việt Nam những năm qua.

Phải chăng hệ thống luật pháp, các chiến lược, chính sách vẫn còn chưa đầy đủ, chưa phù hợp, chưa được rà soát kịp thời để xây dựng hoặc điều chỉnh, bổ sung cập nhật với tình hình mới. Các chương trình, kế hoạch cụ thể trong xây dựng các cơ chế, chính sách về phát triển văn hóa, con người và tổ chức thực hiện còn chưa sát hợp với thực tiễn đang thay đổi rất nhanh.

Đặc biệt, với cách tiếp cận mới về vai trò của văn hóa trong phát triển, các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực cho phát triển văn hóa vẫn chưa được kết nối đồng bộ với các chiến lược, kế hoạch và nguồn lực phát triển của các ngành, lĩnh vực khác và chưa đặt trong sự phát triển tổng thể, hài hoà nhưng có trọng tâm, trọng điểm của phát triển quốc gia, các vùng miền và các địa phương trong cả nước.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 3.

Văn hóa không phải "chỉ biết tiêu tiền" mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại lợi ích kinh tế

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Yêu cầu đó đòi hỏi các chủ trương, chính sách phải giải quyết thật tốt, có hiệu quả những mối quan hệ biện chứng cơ bản, phản ánh sâu sắc quy luật phát triển của văn hóa Việt Nam trong tiến trình tiếp tục đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, đất nước, đó là:

Thứ nhất, xử lý hài hoà mối quan hệ giữa bảo tồn và phát triển. Bảo tồn, gìn giữ những di sản, giá trị văn hóa truyền thống cho muôn đời sau luôn là điều cần thiết, tất yếu và cấp thiết.

Sự phát triển của các ngành công nghiệp văn hóa trong nền kinh tế thị trường đã mang lại nhận thức mới về vai trò, giá trị nội sinh của văn hóa: đây không phải là lĩnh vực thuần túy tinh thần, phi sản xuất, phi lợi nhuận; không phải là lĩnh vực "chỉ biết tiêu tiền" mà là lĩnh vực trực tiếp mang lại các lợi ích kinh tế, nhiều giá trị gia tăng nhờ đa dạng hoá các sản phẩm văn hoá gắn với sản xuất và du lịch, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế một cách bền vững.

Phát triển công nghiệp văn hóa, dịch vụ văn hóa là phương thức để chuyển hóa nguồn tài nguyên "mềm" văn hóa, vốn văn hóa thành các sản phẩm và dịch vụ văn hóa trên thị trường, tạo ra các nguồn lực kinh tế để tái đầu tư; làm cho văn hóa thẩm thấu sâu hơn, thực sự trở thành một trụ cột năng động trong sự phát triển của nền kinh tế thị trường. 

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 4.

Tăng cường sức đề kháng để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa

Thứ hai, kết nối linh hoạt giữa quốc gia và quốc tế. Hội nhập văn hóa là khía cạnh hết sức quan trọng trong quá trình hội nhập quốc tế sâu rộng của đất nước.

Quá trình đó đòi hỏi giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa tốt đẹp của dân tộc phải đi đôi với mở cửa, giao lưu, tiếp biến văn hóa, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa của nhân loại, phù hợp với xu thế của thời đại.

Đặc biệt, phải tăng cường sức đề kháng văn hóa để chống lại mọi sự xâm lăng về văn hóa, bài trừ các hình thức văn hóa lai căng, đồi truỵ ảnh hưởng đến thuần phong mỹ tục, miễn nhiễm với những luận điệu xuyên tạc lịch sử và truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Phát huy vai trò của ngoại giao văn hóa, tăng cường giao lưu nhân dân để giới thiệu, quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia, lan tỏa sức mạnh mềm, tinh hoa văn hóa Việt Nam đến với bạn bè quốc tế.

Khai thác tối đa nội lực, đồng thời tranh thủ, huy động các nguồn lực bên ngoài để phát triển nền văn hóa theo phương châm: dân tộc, khoa học, hiện đại.

Theo đó, thể chế, chính sách văn hóa cũng cần được xây dựng dựa trên những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của quốc gia phù hợp với thông lệ, luật pháp quốc tế.

Tạo bước chuyển nhịp nhàng trong phát triển văn hóa

Thứ ba, kết nối giữa truyền thống và hiện đại. Kế thừa những giá trị truyền thống trong phát triển văn hóa là đạo lý, cũng là quy luật tất yếu để nền văn hóa dân tộc trường tồn và phát triển mãi theo thời gian.

Trên con đường đi từ truyền thống đến hiện đại, để thành công, các quốc gia có bề dày lịch sử văn hóa đều nỗ lực xây dựng các thể chế, thiết chế, chính sách văn hóa; vừa khơi dậy, phát huy được những giá trị truyền thống tốt đẹp, vừa loại bỏ những yếu tố đã trở nên lỗi thời, lạc hậu, trì trệ, không đáp ứng được yêu cầu phát triển; hóa giải những mâu thuẫn, nghịch lý, hạn chế các cú sốc văn hóa, tạo ra những bước chuyển nhịp nhàng giữa cái cũ và cái mới, giữa truyền thống và hiện đại trong phát triển nền văn hóa đất nước.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 5.

Xây dựng chính sách phát triển văn hóa cần phải chú ý tới cả "diện" và "điểm"

Thứ tư, phát huy vai trò của văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa. Với các đặc điểm về tính đại chúng, tính phổ quát, tính giải trí, tính thương mại, tính đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của đông đảo tầng lớp nhân dân, văn hóa đại chúng ra đời là sự phát triển tất yếu của xã hội hiện đại, tạo ra tính bao trùm trong sự hưởng thụ đời sống văn hoá, tinh thần của nhân dân.

Trong khi đó, văn hóa tinh hoa, bác học với đặc điểm là tính chọn lọc và tính nghệ thuật cao, luôn hướng tới việc tạo ra những giá trị đỉnh cao, giá trị đặc sắc hiếm có, độc đáo và đẳng cấp của văn hóa, nghệ thuật.

Cả văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa, bác học đều có ý nghĩa, vai trò riêng trong sự phát triển văn hóa.

Chính sách văn hóa cần chú ý tới cả "diện" và "điểm", khuyến khích cả văn hóa đại chúng và văn hóa tinh hoa để phát triển đáp ứng tốt hơn nhu cầu văn hóa của các tầng lớp trong xã hội, bảo tồn và gìn giữ bản sắc, kế thừa và phát triển tinh hoa văn hoá của dân tộc.

Từ thực tiễn phát triển của nền văn hoá Việt Nam, tại Hội thảo này, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn các vấn đề sau:

Tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở văn hóa phát triển

Một là, bổ sung, hoàn thiện thể chế, pháp luật và chính sách tạo môi trường cho các hoạt động văn hoá và phát triển văn hóa.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, môi trường thể chế, trọng tâm là hệ thống pháp luật và các chính sách, giữ vai trò cực kỳ quan trọng trong thúc đẩy các hoạt động văn hóa và phát triển văn hóa.

Vì vậy, cần rà soát, đánh giá kỹ lưỡng vai trò, hiệu quả, nội dung của các luật, các chính sách hiện hành để bổ sung, điều chỉnh, sửa đổi phù hợp với đời sống thực tiễn, tháo gỡ những điểm nghẽn đang cản trở lĩnh vực văn hóa phát triển.

Trên cơ sở đó, nghiên cứu, xây dựng, ban hành những luật, chính sách mới để hoàn thiện khung khổ pháp lý, tạo môi trường cho các hoạt động văn hóa – nghệ thuật, nhất là những hoạt động văn hoá dựa trên nền tảng khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo, phát triển tích cực và lành mạnh.

Khuyến khích tìm tòi và xây dựng những thiết chế phát triển sáng tạo, những mô hình quản lý văn hóa mới phù hợp với điều kiện thực tiễn của các cộng đồng, địa phương, vùng miền và tiến trình phát triển của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 6.

Xác định rõ vai trò của các chủ thể

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng nhấn mạnh: Trong hoàn thiện thể chế, cần đặc biệt chú trọng xác định rõ vai trò của các chủ thể trong lãnh đạo, quản lý phát triển văn hóa và trong hoạt động văn hóa.

Đảng lãnh đạo, định hướng về tầm nhìn, tư duy chiến lược, ban hành các chủ trương lớn, đường lối quan trọng về phát triển văn hóa.

Nhà nước xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý tạo môi trường phát triển, sử dụng các công cụ chính sách để điều tiết sự phát triển các lĩnh vực văn hóa, đảm bảo quyền sáng tạo và thụ hưởng văn hóa của mọi tầng lớp nhân dân.

Thị trường đóng vai trò chủ đạo trong huy động và phân bổ hợp lý, hiệu quả các nguồn lực để phát triển văn hóa.

Phát triển văn hóa luôn bắt đầu từ người dân, nhân dân là trung tâm, vừa là người hưởng thụ văn hóa, vừa là người trực tiếp tham gia tổ chức các hoạt động văn hóa, cung cấp các dịch vụ công và thực thi chính sách, pháp luật của Nhà nước về văn hóa.

Cùng với việc xác định rõ vai trò, sự tham gia của các chủ thể trong phát triển văn hóa, rất cần ban hành đồng bộ các chính sách phát triển trên mọi phương diện văn hóa quốc gia như Văn kiện Đại hội XIII đã nhấn mạnh.

Chú trọng phát triển văn hóa chính trị, khơi dậy lòng yêu nước, tinh thần dân tộc, ý thức tận tụy, hết lòng phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân, gắn bó máu thịt với nhân dân, lấy dân làm gốc.

Phát triển văn hóa kinh doanh và đạo đức doanh nhân làm nền tảng cho sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.

Phát triển văn hóa ứng xử lành mạnh trong xã hội và gia đình nhằm bảo vệ, gìn giữ thuần phong, mỹ tục, tinh thần tương thân, tương ái, đoàn kết, nghĩa tình, trọng công lý và đạo lý, kết hợp giữa truyền thống và hiện đại.

Cần đảm bảo "tính đúng, tính đủ" các giá trị văn hóa trong phát triển kinh tế

Hai là, đổi mới cách thức xây dựng, tổ chức thực hiện các chương trình, kế hoạch, các dự án đầu tư phát triển văn hóa phải xuất phát từ thực tiễn, từ tiềm năng, lợi thế, đặc thù và nền tảng phát triển của quốc gia và từng địa phương.

Sẽ có những địa phương xây dựng chiến lược phát triển dựa chủ yếu vào nguồn lực văn hóa; cũng sẽ có những địa phương mà văn hóa chỉ là một trong những trụ cột của cấu trúc phát triển; và càng không thể có một chính sách phát triển văn hóa như nhau ở các địa phương khác nhau.

Một vấn đề đặt ra hiện nay là chúng ta rất cần có khung khổ chiến lược phát triển kinh tế-xã hội dựa trên văn hóa, các giá trị văn hóa và con người; cần bảo đảm "tính đúng, tính đủ" các giá trị văn hóa, cả những giá trị vô hình và hữu hình, trong quá trình phát triển kinh tế.

Phải nhận thức đúng ý nghĩa và tầm quan trọng của các thành tựu về phát triển văn hóa luôn mang lại hiệu ứng cộng hưởng trong các thành tựu phát triển chung.

Cần coi đây là một cách tiếp cận mới trong việc xây dựng các chiến lược phát triển bảo đảm tính tổng thể và toàn diện trên tất cả các trụ cột: kinh tế, văn hóa, xã hội và môi trường, để các địa phương nhận thức rõ trọng trách, sự ưu tiên, đồng thời không cảm thấy bị thua thiệt, nhất là trong thu ngân sách hàng năm khi thực thi trách nhiệm gìn giữ, bảo tồn các di sản thiên nhiên, giá trị văn hoá bền vững của đất nước.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 7.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cùng các đại biểu dự hội nghị.

Muốn khơi dậy được giá trị văn hóa, phải khơi dậy được sức mạnh con người Việt Nam

Ba là, chú trọng chính sách phát triển con người toàn diện, chăm lo xây dựng đội ngũ những người làm công tác văn hóa.

Đồng chí Nguyễn Xuân Thắng cho rằng: Giữa thể chế, công nghệ và con người thì con người giữ vai trò quyết định nhất trong mọi quá trình phát triển. Trong phát triển văn hóa còn hơn thế: phát triển văn hóa gắn với phát triển con người, luôn đặt con người làm trung tâm, là mục tiêu của phát triển văn hoá.

Muốn khơi dậy được giá trị văn hóa, phải khơi dậy được sức mạnh con người Việt Nam, trước hết là phẩm chất, năng lực, sự năng động và trách nhiệm của nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa.

Chính sách phát triển nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa rất cần xuất phát từ yếu tố đặc thù của lĩnh vực này, nghĩa là cùng với đào tạo, bồi dưỡng, họ rất cần được tôn trọng, khuyến khích, động viên, đãi ngộ và tôn vinh, được chăm lo về đời sống vật chất và tinh thần.

Quan tâm toàn diện đến cả chủ thể quản lý văn hóa và chủ thể sáng tạo, thực hành, truyền bá văn hóa.

Kết hợp hài hòa, tạo mối liên thông giữa chính sách phát triển văn hóa với chính sách giáo dục đào tạo, phát triển khoa học công nghệ, khuyến khích đổi mới sáng tạo, đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ trong việc bảo tồn, phát huy và lan tỏa các giá trị văn hóa, thúc đẩy quá trình hiện đại hóa, hội nhập quốc tế của nền văn hóa dân tộc.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 8.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu tham quan gian trưng bày tại triển lãm Bản sắc văn hoá Bắc Ninh.

Đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển

Bốn là, chú trọng thúc đẩy các ngành công nghiệp văn hóa phát triển.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng, "mang bản chất là những ngành sáng tạo, các ngành công nghiệp văn hóa có tiềm năng phát triển rất lớn và đang trở thành tâm điểm của nền kinh tế mới".

Đồng chí nhấn mạnh: Nhận thức rõ điều này, chúng ta đã đạt được sự thống nhất rằng, đầu tư vào lĩnh vực văn hóa cũng chính là đầu tư phát triển. Do vậy cần có các cơ chế, chính sách đồng bộ để phát triển lĩnh vực công nghiệp văn hóa.

Trong các chính sách này, cần tập trung ưu tiên đầu tư phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao, chú trọng đầu tư cho hạ tầng kỹ thuật, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng số cùng với hạ tầng văn hóa - xã hội; phát triển các không gian văn hóa, thiết chế văn hóa, hạ tầng cho phát triển các sản phẩm văn hóa… để đồng thời với phát triển văn hóa, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, thương hiệu quốc gia, các di sản văn hóa và khai phá tiềm năng du lịch văn hóa của các địa phương.

Các ngành công nghiệp, dịch vụ văn hóa rất đa dạng, có thể kể đến như: quảng cáo, kiến trúc, phần mềm, giải trí, thủ công mỹ nghệ, thiết kế, điện ảnh, xuất bản, thời trang, nghệ thuật biểu diễn, mỹ thuật, nhiếp ảnh và triển lãm, truyền hình và phát thanh, du lịch văn hóa...

Cần xây dựng chiến lược, kế hoạch ưu tiên phát triển, tập trung nguồn lực có trọng tâm, trọng điểm vào một số lĩnh vực, ngành chủ chốt, có tiềm năng, thế mạnh trên phạm vi quốc gia cũng như ở từng địa phương.

Văn hóa không phải là lĩnh vực 'chỉ biết tiêu tiền', đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển! - Ảnh 9.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và đại biểu tham quan gian trưng bày sản phẩm OCOP tại triển lãm Bản sắc văn hoá Bắc Ninh.

Khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có trong phát triển văn hóa

Năm là, xây dựng các chính sách tăng cường nguồn lực đầu tư cho phát triển văn hóa.

Theo đồng chí Nguyễn Xuân Thắng: Phải có đột phá thật sự, ban hành các cơ chế, chính sách thật cụ thể nhằm tháo gỡ những điểm nghẽn, vướng mắc trong thu hút các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người hiện nay, nhất là về: phân cấp, phân quyền trong phân bổ các nguồn lực phát triển văn hóa; cơ chế hợp tác công – tư trong lĩnh vực văn hóa; cơ chế thu hút, khuyến khích các doanh nghiệp tham gia phát triển văn hóa, quy hoạch phát triển của các địa phương giàu tiềm năng văn hóa,… để lĩnh vực văn hóa, con người có được những bước đột phá phát triển thật sự.

Do vậy, cần phải dựa cả vào nguồn lực của nhà nước và nguồn lực của xã hội. Trong đó, nguồn lực đầu tư từ nhà nước giữ vai trò dẫn dắt và nguồn lực từ thị trường là quan trọng để thúc đẩy văn hóa phát triển.

Đối với các nguồn lực của nhà nước, cần thực sự đổi mới nội dung, phương thức đầu tư phát triển văn hóa, khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, nhỏ giọt, đầu tư cho có, kéo dài và kém hiệu quả cũng như tình trạng buông lỏng sự lãnh đạo, quản lý lĩnh vực này.

Các địa phương cần phân bổ nguồn lực hợp lý cho công tác bảo tồn, tôn tạo các di sản văn hóa; đặc biệt chú ý đến công tác quy hoạch, bố trí quỹ đất cho phát triển văn hoá, đầu tư cho các dự án phát triển không gian công cộng, điểm du lịch văn hóa, vui chơi giải trí, nghệ thuật biểu diễn, sinh hoạt văn hoá cộng đồng…

Xây dựng cơ chế khuyến khích liên kết, hợp tác để gia tăng các nguồn lực cho phát triển văn hóa, gồm: liên kết giữa các lĩnh vực văn hóa; liên kết, hợp tác giữa các địa phương, vùng miền; liên kết, hợp tác giữa Việt Nam với các tổ chức và quốc gia trên thế giới; liên kết, hợp tác giữa các chủ thể nhà nước, người dân và doanh nghiệp.

Phân định rõ những lĩnh vực văn hóa cần sự hỗ trợ, đầu tư của Nhà nước và những lĩnh vực có thể xã hội hóa, nhất là các lĩnh vực có thể huy động nguồn lực đầu tư trên thị trường, nguồn lực trong nhân dân hoặc các lĩnh vực có thể thực hiện theo mô hình hợp tác công – tư.

Kết lại bài phát biểu đề dẫn, đồng chí Nguyễn Xuân Thắng đề nghị các đại biểu trao đổi, thảo luận, chia sẻ các thông tin, các bài học kinh nghiệm, những mô hình hay, cách làm sáng tạo và nhiều giải pháp mới, đặc biệt là những giải pháp mang tính đột phá để tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách và xác định các nguồn lực cho phát triển văn hóa, con người Việt Nam; đóng góp nhiều kiến nghị, giải pháp cho việc xây dựng Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển văn hóa đã được đề xuất trong Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV, để văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam thật sự xứng tầm với vị thế, vai trò ngày càng to lớn, có ý nghĩa quyết định đối với sự thành công của tiến trình đẩy mạnh toàn diện, đồng bộ công cuộc đổi mới, hội nhập và phát triển đất nước.