PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhấn mạnh, thí sinh nhớ cập nhật lên Hệ thống hỗ trợ tuyển sinh chung của Bộ GD&ĐT (Hệ thống) tất cả dữ liệu có thể phục vụ cho việc xét tuyển như: điểm học bạ, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ đánh giá năng lực, các chứng nhận để cộng điểm ưu tiên, khuyến khích theo quy chế Bộ GD&ĐT ban hành.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học nhắc lại, một quy định cũ nhưng vẫn "mới" với nhiều học sinh và phụ huynh năm nay là: sau khi đã đủ điều kiện trúng xét tuyển sớm của các trường, thí sinh vẫn phải đăng ký nguyện vọng đã trúng tuyển lên Hệ thống và nộp lệ phí xét tuyển tương ứng với số nguyện vọng đã đăng ký thì mới hợp lệ.
Hệ thống chỉ xác nhận thí sinh trúng tuyển 1 nguyện vọng duy nhất. Vì thế trên Hệ thống, thí sinh cần sắp xếp thứ tự đặt nguyện vọng mình yêu thích lên trên. Thí sinh trúng tuyển ở nguyện vọng nào, hệ thống sẽ dừng lại ở nguyện vọng đó, không xét tiếp.
Có phải đặt nguyện vọng 1 cho ngành đã trúng tuyển sớm không? PGS.TS Nguyễn Thu Thủy khẳng định, trên Hệ thống, thí sinh chỉ cần quan tâm tới nguyên tắc: ngành nào thích nhất đặt lên trước. Trường hợp các nguyện vọng đã trúng tuyển sớm nhưng không phải ngành thích nhất, thí sinh có thể xếp sau.
Nếu các ngành thí sinh thích nhưng không đủ điều kiện trúng tuyển thì Hệ thống vẫn xét đến ngành các em đã đủ điều kiện trúng tuyển sớm (theo quy định của các trường).
PGS.TS Nguyễn Thu Thủy nhắc lại, trên Hệ thống, thí sinh được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn. Lời khuyên cho thí sinh là, không nên chỉ đăng ký một vài nguyện vọng, vì sẽ làm giảm cơ hội trúng tuyển.
Thí sinh không nên đặt tất cả nguyện vọng của mình chỉ vào top những ngành, trường học có mức độ cạnh tranh quá cao. Bởi khi đó, nếu các em không trúng tuyển nguyện vọng này thì hầu hết những nguyện vọng còn lại ở nhóm trường cùng mức cạnh tranh cao cũng khó trúng tuyển.
Thí sinh cũng không nên đăng ký quá nhiều nguyện vọng. “Chúng tôi từng gặp những trường hợp đăng ký tới hơn 100 nguyện vọng, rất lãng phí, không cần thiết” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy trao đổi.
Thay vào đó, các em nên chia nguyện vọng thành các nhóm: trường top đầu, top trung - phù hợp với năng lực của mình hơn thì cơ hội trúng tuyển sẽ cao hơn rất nhiều.
Khi đăng ký nguyện vọng xét tuyển, thí sinh phải làm quen với thao tác trực tuyến. Bộ GD&ĐT sẽ dành một khoảng thời gian nhất định để thí sinh thử thực hành nhập nguyện vọng của mình lên Hệ thống, thay đổi nguyện vọng và xác nhận những bước cuối cùng.
“Thí sinh phải thực hiện hết quy trình từ đầu đến cuối, không được dừng lại và thoát ra giữa chừng, như vậy các thao tác sẽ chưa được ghi nhận. Phải thực hiện cho đến hết quy trình, khi hệ thống báo rằng những nguyện vọng này đã được xác nhận” - PGS.TS Nguyễn Thu Thủy lưu ý và nhấn mạnh, khi thực hiện đổi nguyện vọng cũng tương tự, phải chú ý thao tác tới các bước cuối cùng.
Từ các mùa tuyển sinh trước, có thí sinh đã điều chỉnh, thay đổi nguyện vọng nhưng lại không thực hiện đến bước cuối cùng, do đó hệ thống không ghi nhận được thay đổi mà quay trở lại nguyện vọng đăng ký trước đó.
Hiện, có khoảng 250 trường đại học, hơn 300 trường cao đẳng, ngoài ra còn có các trường trung cấp, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn thông tin tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh, hướng nghiệp năm 2024 (sáng 17/3).
Mỗi năm, số lượng thí sinh xét tuyển trúng tuyển vào đại học khoảng 600.000 em, nhưng số lượng nhập học chính thức đạt khoảng 80%. Như vậy 20% thí sinh đã trúng tuyển nhưng không nhập học. Điều này cho thấy, khi thí sinh đăng ký nguyện vọng cho đến lúc các em lựa chọn trường học, ngành học lại có sự khác nhau.
Bên cạnh đó, sau năm thứ nhất, có khoảng 5 - 7% sinh viên phải đăng ký xét tuyển lại. Như vậy, số em đã chọn sai hoặc chọn chưa phù hợp khi đăng ký nguyện vọng là rất nhiều.