Ngành kế toán sẽ biến mất trong tương lai, có nên học?
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 do báo Tuổi trẻ, Vụ Giáo dục Đại học, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cùng Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức, có phụ huynh bày tỏ: "Con thích học kế toán, nhưng đó lại là một trong số ngành sẽ biến mất trong tương lai nên bố mẹ rất băn khoăn có nên để con chọn ngành này?"
PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch hội đồng trường Học viện Tài chính cho rằng, với sự phát triển của công nghệ hiện nay, nhiều ngành học sẽ có những điều chỉnh về chương trình, mục tiêu đào tạo để sát nhu cầu về nhân lực.
Trong đó công nghệ là phương tiện để ứng dụng trong các lĩnh vực chuyên môn khác nhau chứ không phải công nghệ thay thế hoàn toàn một số ngành.
PGS.TS Nguyễn Thị Cúc Phương, Phó hiệu trưởng Trường đại học Hà Nội chia sẻ: "Không chỉ ngành kế toán mà nhiều ngành cũng đang gặp thách thức trước những biến động và sự phát triển của công nghệ.
Các cơ sở đào tạo cần đón trước sự phát triển công nghệ để điều chỉnh chương trình đào tạo phù hợp.
Tuy nhiên, công nghệ không thay thế hoàn toàn con người. Ví dụ như ngành dịch thuật vẫn cần con người để biên tập, xử lý những tình huống cụ thể mà công nghệ như ChatGPT đã làm".
Tại Ngày hội tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp năm 2023 do báo Tuổi trẻ, Vụ Giáo dục Đại học (Bộ Giáo dục và Đào tạo), Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) cùng Đại học Bách khoa Hà Nội phối hợp tổ chức đã diễn ra ngày 19/3, tại Hà Nội, phụ huynh nêu vấn đề: Vừa rồi có clip trên Tiktok nói những nghề học vô dụng như quản trị kinh doanh, marketing, ngôn ngữ Anh… Thầy cô chia sẻ gì về vấn đề này?
Theo PGS.TS Nguyễn Đào Tùng, Chủ tịch Hội đồng Học viện Tài chính cho biết, nhiều năm trước, ngành tài chính, ngân hàng, kinh tế cũng được mạng xã hội liệt kê là vô dụng, học ra trường không có việc làm. Nhưng thực tế số liệu về đào tạo chứng minh điều ngược lại.
Ví dụ Học viện Tài chính vẫn tuyển sinh đầu vào với điểm xét tuyển cao. Thống kê trong những năm gần đây, tỉ lệ sinh viên ra trường có việc làm đạt 98% trở lên.
Để hỗ trợ các bạn học sinh cuối cấp, nguồn thông tin chính thống dự báo xu thế chuyển dịch cơ cấu ngành nghề, dự báo nhu cầu nhân lực… đội ngũ tư vấn của các cơ sở đào tạo cũng cần chủ động cung cấp thông tin, tư vấn để các bạn học sinh, phụ huynh có thông tin đáng tin cậy hơn là tham khảo mạng xã hội.
"Tuy nhiên, điều chủ yếu vẫn là ở chính các bạn học sinh. Theo tôi, các bạn cần sàng lọc thông tin, đừng vội tin vào mạng xã hội để hoang mang", PGS.TS Nguyễn Đào Tùng nhấn mạnh.
Ông khuyến cáo, trước hết các bạn trẻ cần hiểu mình mong muốn làm gì sau bốn năm đại học. Ví dụ muốn khởi nghiệp trong lĩnh vực kinh doanh thì nên học quản trị kinh doanh, muốn trở thành các chuyên gia thì học makerting, kiểm toán… Sau đó tìm hiểu xem những ngành đó có trường nào đào tạo và chọn các trường có uy tín hoặc có khả năng đỗ cao.
"Tôi có thể chia sẻ thêm một thông tin để các bạn muốn theo học ngành kinh tế yên tâm là mặc dù dịch COVID-19 ảnh hướng nặng nề khiến một số doanh nghiệp, công ty đóng cửa, nhưng nó đang phục hồi. Các bạn học sinh hôm nay có bốn năm nữa để học tập và tốt nghiệp.
Tới khi đó kinh tế sẽ phát triển trở lại và cơ hội sẽ rộng mở hơn. Nhìn vào cơ hội việc làm không chỉ nhìn vào hiện tại mà cần nhìn vào tương lai 4-5 năm tới", PGS.TS Nguyễn Đào Tùng bày tỏ./.