In bài viết

Tuyên án cựu Chánh Văn phòng huyện, Chủ tịch, cán bộ địa chính, kế toán xã

07:59 - 16/03/2024

(Chinhphu.vn) - Ngày 14/3, Tòa án Nhân dân huyện Hòa Bình (tỉnh Bạc Liêu) mở phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án hình sự đối với 6 bị cáo về tội tham ô tài sản.

Tuyên án cựu Chánh Văn phòng huyện, Chủ tịch, cán bộ địa chính, kế toán xã- Ảnh 1.

Các bị cáo nghe tuyên án tại phiên tòa ngày 14/3

6 bị cáo gồm Nguyễn Văn Trọng (53 tuổi), cựu Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Bình, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Bình; Huỳnh Quốc Phong (49 tuổi), cựu cán bộ Hội Nông dân huyện Hòa Bình, cựu Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Bình; Phạm Phương Linh (43 tuổi), cựu cán bộ Địa chính-Nông nghiệp-Xây dựng-Môi trường xã Vĩnh Bình; Huỳnh Tuyết Nghi (42 tuổi), cựu cán bộ Tài chính-Kế toán xã Vĩnh Bình; Lê Văn Hùng (50 tuổi), chủ cửa hàng vật liệu xây dựng Thanh Hùng (xã Vĩnh Bình) và Lê Hoàng Vũ (43 tuổi), Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn Tư vấn-Thiết kế-Xây dựng Quan Vũ (thị trấn Hòa Bình).

Theo cáo trạng, tháng 12/2016, Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Bình có quyết định giao dự toán ngân sách Nhà nước năm 2017 cho xã Vĩnh Bình, trong đó có nguồn chi duy tu, sửa chữa các công trình phúc lợi với số tiền 200 triệu đồng.

Với vai trò Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Bình, Trọng chỉ đạo Linh và Nghi lập khống hồ sơ duy tu, sửa chữa theo hợp đồng giao khoán 8 công trình phúc lợi, với tổng số tiền 150 triệu đồng (trong đó, có hơn 27 triệu đồng là tiền nhân công). Để hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo đủ điều kiện chuyển tiền ra khỏi ngân sách Nhà nước, Trọng nhờ Hùng ký xác nhận, xuất hóa đơn.

Quá trình điều tra, Trọng thừa nhận hành vi chỉ đạo và thực hiện lập khống một hồ sơ duy tu, sửa chữa với số tiền hơn 122 triệu đồng.

Đến tháng 4/2017, Trọng được Huyện ủy Hòa Bình quyết định điều động, nhận nhiệm vụ Chánh văn phòng Hội đồng Nhân dân-Ủy ban Nhân dân huyện Hòa Bình.

Cùng thời điểm này, Phong được Huyện ủy Hòa Bình giới thiệu Hội đồng Nhân dân xã Vĩnh Bình bầu giữ chức Chủ tịch Ủy ban Nhân dân xã Vĩnh Bình (nhiệm kỳ 2016-2021).

Với phương thức, thủ đoạn tương tự như Trọng, Phong chỉ đạo Nghi, Linh lập khống hai hồ sơ duy tu, sửa chữa theo hợp đồng giao khoán, với số tiền hơn 77 triệu đồng. Sau đó, Phong nhờ Hùng nhận khoán và ký hợp thức hóa các giấy tờ liên quan.

Qua điều tra, cơ quan điều tra xác định, Phong đã chỉ đạo Nghi soạn thảo, hoàn thiện hồ sơ thanh quyết toán để rút nguồn vốn duy tu, sửa chữa còn lại là 50 triệu đồng.

Phong chỉ đạo Linh đưa bản nghiệm thu công trình cho trưởng ấp và người dân ký xác nhận. Đồng thời, Phong nhờ Vũ làm đại diện bên nhận khoán, ký các giấy tờ có liên quan.

Tuyên án 6 bị cáo

Theo nhận định của Hội đồng xét xử, hành vi của các bị cáo là nguy hiểm, đã xâm phạm nghiêm trọng đến quan hệ sở hữu về tài sản và hoạt động đúng đắn của cơ quan, Nhà nước trong nguồn vốn duy tu sữa chữa của địa phương để phục vụ cho nhân dân.

Hành vi của các bị cáo không chỉ gây thiệt hại về vật chất mà còn gây hậu quả nghiêm trọng trong dư luận xã hội, làm giảm sút lòng tin của nhân dân vào sự quản lý của Nhà nước, làm ảnh hưởng đến uy tín của cán bộ, công chức và công tác phòng chống tham nhũng tại địa phương, cần phải bị xử phạt nghiêm minh với mức hình phạt tương xứng với tính chất mức độ của hành vi trên.

Kết thúc phiên tòa, Hội đồng xét xử đã tuyên phạt bị cáo Nguyễn Văn Trọng 1 năm 6 tháng tù, Huỳnh Quốc Phong 2 năm 6 tháng tù, Phạm Phương Linh 2 năm 6 tháng tù, Huỳnh Tuyết Nghi 2 năm 6 tháng tù, Lê Văn Hùng 2 năm 3 tháng tù, Lê Hoàng Vũ 1 năm tù, nhưng cho hưởng án treo, cùng về tội "tham ô tài sản"./.

TTXVN