In bài viết

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do quá nhiều áp lực và tiền lương chưa đủ sống

13:32 - 07/11/2023

(Chinhphu.vn) - Đại biểu Quốc hội cho rằng tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục khi rất nhiều địa phương chia sẻ đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng giáo viên đang cực kỳ khó khăn.

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do quá nhiều áp lực và tiền lương chưa đủ sống- Ảnh 1.

Nhiều địa phương thiếu giáo viên nhưng tuyển dụng rất khó khăn

Chấn vấn Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, Đại biểu Trần Kim Yến, Đoàn Đại biểu Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, trong tinh giản biên chế, sắp xếp tinh gọn bộ máy để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động rất cần thiết. 

Tuy nhiên, tinh giản mang tính chất cào bằng cơ học đang ảnh hưởng rất nhiều đến ngành giáo dục khi rất nhiều địa phương chia sẻ đang thiếu rất nhiều giáo viên nhưng việc tuyển dụng giáo viên đang cực kỳ khó khăn. Chưa kể giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do nhiều nguyên nhân, trong đó có có nguyên nhân là do quá nhiều áp lực và thu nhập chưa đủ sống.

Mặt khác, đề án vị trí việc làm trong nhà trường không có chức danh giám thị. Đây cũng là thêm một áp lực dành cho nhà trường và giáo viên. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho biết giải pháp giải quyết vấn đề trên?

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do quá nhiều áp lực và tiền lương chưa đủ sống- Ảnh 3.

Đã giảm được 10,01% công chức, 11,67% viên chức hưởng lương từ NSNN

Trả lời câu hỏi của đại biểu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, giai đoạn vừa qua và quán triệt với chủ trương của Đảng về sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế, cả hệ thống chính trị đã hết sức nỗ lực và có những thành công bước đầu trong việc sắp xếp tổ chức bộ máy và tinh giản biên chế. 

Chỉ tính riêng về tinh giản biên chế đối với công chức giai đoạn 2017 -2021, chúng ta đã giảm được 10,01% và đối với viên chức đã giảm được 11,67% viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Bộ trưởng cho biết thêm, trong số viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì ngành giáo dục giảm 6,4%, còn lại toàn ngành y tế giảm 32% do thúc đẩy được tự chủ, chuyển số biên chế đó sang hưởng lương tự chủ. 

Tuy nhiên, thực tiễn giai đoạn vừa qua, nhiều địa phương thực hiện việc giảm biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước thì lại cắt hẳn biên chế đi. Cho nên thiếu số người làm việc trong các đơn vị sự nghiệp, nhất là ngành giáo dục. 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ cho rằng, riêng đối với ngành giáo dục có tính đặc thù. Cho nên việc thiếu giáo viên thường xuyên đang diễn ra thì đây là vấn đề thực tiễn. 

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do quá nhiều áp lực và tiền lương chưa đủ sống- Ảnh 4.

Quyết liệt giảm số lượng viên chức hưởng lương từ NSNN nhưng vẫn phải đảm bảo số lượng người làm việc

Vậy để giải quyết bài toán như ý kiến mà đại biểu nêu, Bộ trưởng Bộ Nội vụ nhấn mạnh một số giải pháp là cần thống nhất với nhau về mặt nhận thức. 

Đối với viên chức thì cần tập trung một cách đồng bộ, quyết liệt để giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước nhưng vẫn phải đảm bảo được số lượng người làm việc cho đơn vị sự nghiệp. Tức là thúc đẩy tự chủ, làm sao để xã hội hóa, giảm được số viên chức được hưởng lương từ ngân sách nhà nước. 

Đối với ngành giáo dục, cần tập trung rất cao cho việc hoàn thiện một số hệ thống thể chế. Trước hết đề nghị Bộ Giáo dục và đào tạo nên rà soát, xem xét lại. Và tới đây nữa chúng ta sẽ ban hành Luật Nhà giáo để có giải pháp đảm bảo được những vấn đề cơ bản nhất cho việc đảm bảo đời sống, số lượng và chất lượng trong hoạt động cảu đơn vị sự nghiệp giáo dục. 

Trước mắt khẩn trương sửa đổi Thông tư 06 và Thông tư 11 về định mức giáo viên và học sinh trên lớp. Đồng thời sửa Nghị định 81 để đảm bảo việc thực hiện thu phí cho tất cả các cơ sở giáo dục, từ mầm non cho đến đại học. Và khẩn trương rà soát để có hướng dẫn để rà soát, sắp xếp lại quy mô trường lớp phù hợp.

Tình trạng giáo viên nghỉ việc tiếp tục gia tăng do quá nhiều áp lực và tiền lương chưa đủ sống- Ảnh 5.

Đại biểu Trần Thị Kim Yến phát biểu tranh luận.

Cần tháo gỡ vướng mắc pháp lý khi đẩy mạnh tự chủ

Phát biểu tranh luận, đại biểu Trần Kim Yến cho biết, một trong các giải pháp Bộ trưởng đặt ra là sớm điều chỉnh, bổ sung sửa đổi các văn bản quy phạm pháp luật để phù hợp với thực tiễn; việc giảm biên chế là giảm số lượng viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước để chuyển sang hưởng lương từ tự chủ. 

Đại biểu cho rằng: Nguồn trả lương cho giáo viên là từ người học. Chúng ta đang đẩy thế khó cho người học, phụ huynh và cho gia đình, trong khi thu nhập của số đông người dân không tăng, thậm chí là sụt giảm. 

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Nội vụ có giải pháp để đảm bảo số lượng con em đến trường học, giảm áp lực cho nhà trường cũng như cho giáo viên.

Tranh luận với nội dung trả lời của Bộ trưởng Bộ Nội vụ liên quan đến tự chủ tại các đơn vị sự nghiệp công lập, đại biểu Nguyễn Thị Thu Dung, đại biểu tỉnh Thái Bình cho rằng, việc thực hiện tự chủ giúp cho các đơn vị sự nghiệp công lập được tự chủ hơn trong việc thực hiện nhiệm vụ, nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công và nâng cao thu nhập cho viên chức trong các đơn vị này.

Tuy nhiên, hành lang pháp lý chưa đầy đủ, dẫn đến khó khăn cho các đơn vị sự nghiệp công lập đang tự chủ hiện nay, trong đó có đơn vị sự nghiệp trong ngành giáo dục.

Đại biểu lấy ví dụ về quy định tăng lương từ 1/7/2023 nhưng 3 năm nay chưa tăng học phí, gây khó khăn cho đơn vị tự chủ, cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng bỏ việc trong các đơn vị sự nghiệp công lập.

Vì vậy, việc giảm viên chức hưởng lương trong các đơn vị sự nghiệp công lập bằng cách đẩy mạnh tự chủ trong khi hành lang pháp lý chưa hoàn thiện, đại biểu cho rằng chưa phù hợp. Do vậy cần có giải pháp tháo gỡ cho tình trạng này.