In bài viết

Xem xét điều chỉnh biên chế giáo viên theo từng vùng miền

11:09 - 19/08/2023

(Chinhphu.vn) - Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ: Xem xét điều chỉnh biên chế giáo viên theo từng vùng miền - Ảnh 1.

Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường: Ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học.

Chiều 18/8, Bộ GD&ĐT tổ chức Hội nghị tổng kết năm học 2022-2023, triển khai nhiệm vụ năm học 2023-2024 toàn ngành.

Phát biểu  tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Nội vụ Triệu Văn Cường cho biết: Biên chế của ngành Giáo dục năm 2021 là 1.375 715 người, trong đó khối TƯ là 50.699, ở địa phương là 1.328 016 biên chế. Khối mầm non và THPT là 1.131 001 người. Còn biên chế giao bổ sung trong năm học 2022 - 2023 là 27.850.

Năm học 2023 - 2024, Bộ Nội vụ đang phối hợp với Bộ GD&ĐT xem xét, căn cứ nhu cầu, so sánh định mức để trình Chính phủ cùng các cấp có thẩm quyền để bổ sung biên chế trong thời gian tới.

Thừa, thiếu giáo viên cục bộ, thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học

Cũng theo ông Cường, hiện nay, ở nhiều nơi đang diễn ra tình trạng thừa, thiếu giáo viên cục bộ tại một số địa phương và thiếu cân đối cơ cấu giáo viên giữa các môn học cùng một cấp học ở các vùng miền có điều kiện KTXH khác nhau. 

Nguyên nhân là do các quy định hiện hành về số học sinh/lớp học không phân biệt vùng miền. Nhiều địa phương không bố trí đủ học sinh, đặc biệt vùng sâu vùng xa.

Một số địa phương không tuyển dụng được giáo viên theo số biên chế được giao. Do đó, trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT có thể xem xét điều chỉnh biên chế theo từng vùng miền.

Chia sẻ về giải pháp cho những thực trạng trên, theo ông Triệu Văn Cường, Bộ GD&ĐT cần khẩn trương hoàn thiện các nội dung liên quan đến thể chế.

Bên cạnh đó, các địa phương đẩy mạnh sắp xếp, tổ chức lại các cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông gắn với nâng cao chất lượng giáo dục; hình thành trường phổ thông nhiều cấp; chuyển đổi mô hình các cơ sở giáo dục mầm non, THPT công lập sang ngoài công lập ở những nơi có khả năng xã hội hoá.

Các địa phương cũng cần phê duyệt đề án tự chủ của các cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý, trong đó xác định rõ lộ trình tự chủ tài chính.