In bài viết

Siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng mập mờ trong bán bảo hiểm qua ngân hàng

10:14 - 27/02/2023

(Chinhphu.vn) - Các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, thông qua cũng đã bổ sung hàng loạt các nhóm giải pháp để đảm bảo quản lý chặt chẽ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng; nghiêm cấm việc tư vấn sai, tư vấn mập mờ gây hiểu nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng,….

Siết chặt quản lý, ngăn chặn tình trạng 'mập mờ đánh lận con đen' trong việc bán bảo hiểm qua ngân hàng - Ảnh 1.

Ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính.

Bổ sung một loạt quy định giám sát chặt chẽ việc bán bảo hiểm qua ngân hàng

Liên quan đến tình trạng nhân viên ngân hàng "ép" khách hàng mua bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung, Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính cho biết, gần đây, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm nhận được nhiều phản ánh về tình trạng nhân viên ngân hàng thương mại ép khách hàng mua bảo hiểm.

Có thể nói rằng, ngân hàng là kênh tốt và hiệu quả, đặc biệt đối với các thị trường bảo hiểm phát triển trên thế giới.

Đối với Việt Nam, trong thời gian qua, việc phân phối bảo hiểm qua ngân hàng có đóng góp lớn trong tổng doanh thu của thị trường bảo hiểm Việt Nam (khoảng 20% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm nhân thọ và khoảng 14% tổng doanh thu phí của thị trường bảo hiểm phi nhân thọ).

Tuy nhiên, vì phát triển nhanh dẫn đến phát sinh một số bất cập trong quản lý, giám sát chất lượng dịch vụ bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng.

Ông Ngô Việt Trung cho biết, Bộ Tài chính đã chủ động thực hiện một số giải pháp. Ngay từ năm 2014, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước đã ban hành Thông tư liên tịch để quản lý việc phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng. Qua đó, đã quy định một số nguyên tắc nhất định để đảm bảo quản lý, giám sát kênh này chặt chẽ.

Trong suốt những năm qua, đặc biệt là giai đoạn 2020-2022, Bộ Tài chính, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo thị trường, doanh nghiệp bảo hiểm thắt chặt hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng, đặc biệt là các vấn đề về nâng cao chất lượng tư vấn viên bảo hiểm.

Tại Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 đã bổ sung một số nguyên tắc nhằm nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ của các đại lý bảo hiểm cá nhân, đại lý bảo hiểm là tổ chức trong đó có các tổ chức tín dụng, trong đó, giao Chính phủ quy định cụ thể hóa những quy định để đảm bảo chặt chẽ khi quản lý hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh này.

Các văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 hiện tại đang được Bộ Tài chính trình Chính phủ xem xét, thông qua cũng đã bổ sung hàng loạt các nhóm giải pháp có liên quan để đảm bảo quản lý chặt chẽ kênh bán bảo hiểm qua ngân hàng, bao gồm các nhóm điều kiện với đại lý là tổ chức trong đó có các tổ chức tín dụng; điều kiện với đại lý; quy định về minh bạch hóa tài liệu bán hàng, tránh gây hiểu nhầm giữa sản phẩm ngân hàng và sản phẩm bảo hiểm; các quy định hạn chế việc đại lý có thể lợi dụng để gây nhầm lẫn, thiệt hại cho quyền lợi của người tham gia bảo hiểm.

Đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra việc bán bảo hiểm qua ngân hàng

Thực hiện chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Tài chính, với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo hiểm, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, quản lý giám sát thị trường bảo hiểm.

Năm 2022, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã trình Bộ và được Bộ phê duyệt kế hoạch thanh tra, kiểm tra chuyên đề về lĩnh vực bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng đối với 10 doanh nghiệp bảo hiểm và đã thực hiện được 4 cuộc thanh tra, đang trong quá trình hoàn thiện kết luận.

Nếu phát hiện hành vi vi phạm pháp luật, sẽ xử lý nghiêm hoặc phối hợp với cơ quan công an xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu vi phạm hình sự.

Năm 2023, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm sẽ tiếp tục đẩy mạnh hơn nữa công tác thanh tra, kiểm tra giám sát với kênh này.

Đặc biệt, trong thời gian qua, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã chủ động làm việc và phối hợp chặt chẽ với Cơ quan Thanh tra, giám sát thuộc Ngân hàng Nhà nước để cùng xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách bảo đảm quản lý chặt chẽ các ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm trong việc hợp tác bán sản phẩm bảo hiểm qua ngân hàng.

Hai cơ quan sẽ cùng nhau phối hợp để thực hiện thanh tra đối với cả ngân hàng thương mại và doanh nghiệp bảo hiểm để đảm bảo đồng bộ, xử lý kịp thời các vi phạm (nếu có), đảm bảo lợi ích của người tham gia bảo hiểm.

Bên cạnh đó, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cũng đã lập đường dây nóng để kịp thời tiếp nhận các phản ánh của người dân, tổ chức về các hiện tượng làm không đúng nguyên tắc tự nguyện trong hoạt động kinh doanh bảo hiểm.

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm hy vọng với sự hợp tác chặt chẽ này giữa hai cơ quan, thời gian tới, những giải pháp đồng bộ về hoàn thiện cơ chế chính sách; thanh tra, kiểm tra, giám sát thị trường bảo hiểm sẽ ngày càng minh bạch và phát triển bền vững.

Bảo đảm minh bạch trong tư vấn bảo hiểm, tránh mập mờ "đánh lận con đen"

Để ngăn chặn tình trạng khách hàng gửi tiết kiệm bị tư vấn chuyển sang bảo hiểm, ông Ngô Việt Trung nêu rõ: Với pháp luật kinh doanh bảo hiểm, nguyên tắc quan trọng đầu tiên là việc tham gia bảo hiểm phải dựa trên nguyên tắc tự nguyện.

Với đại lý, dù là tổ chức hay cá nhân, phải tư vấn trung thực và tư vấn sản phẩm phù hợp với nhu cầu, khả năng tài chính của khách hàng.

Trong các dự thảo văn bản hướng dẫn Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đã bổ sung một loạt các giải pháp để đảm bảo minh bạch trong các tài liệu sản phẩm bảo hiểm.

Trong đó, bổ sung nguyên tắc tự nguyện để khách hàng hiểu được mục đích, sản phẩm bảo hiểm đó có phù hợp với mình không.

Dự thảo cũng bổ sung các quy định về trách nhiệm của đại lý tư vấn bảo hiểm như nghiêm cấm việc tư vấn sai, tư vấn mập mờ gây hiểu nhầm giữa sản phẩm bảo hiểm và sản phẩm ngân hàng,….

Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm hi vọng với các quy định này cùng với việc tăng cường quản lý giám, sát, thanh tra, kiểm tra sẽ bảo vệ tốt hơn quyền lợi của người tham gia.

Đề xuất cấm hoặc kinh doanh bảo hiểm có thời hạn nếu vi phạm

Ông Ngô Việt Trung cho biết thêm, hiện tại, Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm đang trình cấp có thẩm quyền sửa đổi quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kinh doanh bảo hiểm để phù hợp với nội dung của Luật Kinh doanh bảo hiểm số 08/2022/QH15 cũng như các văn bản hướng dẫn luật liên quan.

Việc xử phạt bao gồm các hình thức phạt bằng tiền và các hình thức phạt bổ sung. Thậm chí, hình phạt bổ sung có thể sẽ là hình thức cấm hoặc ngừng kinh doanh có thời hạn nếu vi phạm nghiêm trọng.

Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm cho rằng: Hình phạt là một phần. Quan trọng nhất là nhận thức của doanh nghiệp bảo hiểm, ngân hàng thương mại, làm sao để hiểu và tuân thủ các quy định của pháp luật.

Đường dây nóng tiếp nhận phản ánh ép người vay tiền mua bảo hiểm

Lãnh đạo Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng và Lãnh đạo Cục Quản lý giám sát bảo hiểm cũng đã trao đổi, làm việc, thống nhất thiết lập đường dây nóng của cả hai cơ quan để nắm bắt và xử lý kịp thời mọi phản ánh, kiến nghị của người dân và các cơ quan, doanh nghiệp liên quan đến hoạt động cung ứng dịch vụ bảo hiểm của tổ chức tín dụng (trong giờ hành chính).

Đường dây nóng của Bộ Tài chính

Hotline: 024.22208018

Email: duongdaynongbaohiem@mof.gov.vn,

Đường dây nóng của Ngân hàng Nhà nước:

(024) 3.826.6344

(024) 3.936.1017

Email: duongdaynong.cqttgsnh@sbv.gov.vn