In bài viết

Sắp xếp tổ chức bộ máy các Liên đoàn Lao động tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương

16:16 - 25/12/2024

(Chinhphu.vn) - Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam ban hành văn bản số 316-CV/ĐĐTLĐ về việc sắp xếp tổ chức bộ máy các Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Thực hiện Kế hoạch số 04-KH/BCĐ ngày 13/11/2024 của Ban Chỉ đạo Trung ương về việc tổng kết Nghị quyết số 18-NQ/TW, ngày 25/10/2017 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XII), căn cứ tình hình thực tiễn, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam trao đổi và đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy phối hợp sắp xếp tổ chức bộ máy liên đoàn lao động tỉnh, thành phố.

Giảm các ban chuyên môn thuộc cơ quan liên đoàn lao động tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Theo đó, các LĐLĐ tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương sẽ tiến hành sắp xếp các ban chuyên môn, giảm từ 1 đến 2 ban tùy theo mô hình hiện tại. Cụ thể:

Các đơn vị có 7 ban sẽ giảm xuống còn tối đa 5 ban (giảm 28.6%).

Các đơn vị có 6 ban sẽ giảm xuống còn tối đa 4 ban (giảm 33.3%).

Các đơn vị có 4 ban sẽ giảm xuống còn tối đa 3 ban (giảm 25%).

Đề xuất giữ nguyên công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất

Do tính chất và vị trí quan trọng của công đoàn khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao trong tình hình mới, Đảng đoàn Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề xuất các tỉnh ủy, thành ủy giữ nguyên mô hình đối với công đoàn các khu công nghiệp, khu chế xuất, khu kinh tế, khu công nghệ cao mà không thuộc diện giải thể hay sáp nhập, hợp nhất.

Giải thể toàn bộ các công đoàn ngành địa phương và tương đương

Một điểm đáng chú ý trong văn bản là việc giải thể toàn bộ các công đoàn ngành địa phương và tương đương (bao gồm công đoàn ngành giáo dục, y tế, công thương tại các địa phương không thực hiện thí điểm). Thay vào đó, các công đoàn cơ sở và đoàn viên công đoàn của các đơn vị này sẽ chuyển sang quản lý của Công đoàn Khối đảng và Công đoàn Khối chính quyền trực thuộc LĐLĐ tỉnh, thành phố.

Tuy nhiên, các công đoàn ngành đang thực hiện thí điểm theo Nghị quyết 02-NQ/TW sẽ chưa bị sắp xếp, giải thể. Các đơn vị này bao gồm công đoàn các ngành:

Công Thương thuộc LĐLĐ TP Hà Nội, TP Hải Phòng, tỉnh Tiền Giang, tỉnh Thái Nguyên, tỉnh Bắc Ninh.

Giáo dục thuộc LĐLĐ TP Hà Nội, TP.HCM, tỉnh Bắc Giang, tỉnh Nghệ An, tỉnh Bình Dương.

Y tế thuộc LĐLĐ tỉnh Bắc Giang, tỉnh Đồng Nai, tỉnh Hòa Bình, tỉnh Quảng Ninh, tỉnh Khánh Hòa, tỉnh Bình Dương.

Dệt may thuộc LĐLĐ TP Hà Nội, TP.HCM và tỉnh Bình Dương.

Đảng đoàn TLĐLĐVN đề nghị các tỉnh ủy, thành ủy quan tâm chỉ đạo các LĐLĐ địa phương thực hiện nghiêm túc chủ trương này, đảm bảo tinh thần của Nghị quyết 18-NQ/TW. Việc tái cơ cấu này nhằm mục tiêu tinh gọn bộ máy, nâng cao hiệu quả hoạt động, tập trung nguồn lực cho việc chăm lo đời sống và bảo vệ quyền lợi của người lao động.