Thông tin trên được Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ tại buổi tiếp xúc cử tri huyện Thủy Nguyên, Thành phố Hải Phòng.
Cụ thể, tại buổi tiếp xúc, cử tri Hải Phòng đã nêu ý kiến về tình trạng cán bộ, bác sĩ ngành y bỏ việc; về tình trạng giáo viên nghỉ việc, thiếu giáo viên; về cải cách tiền lương và chế độ, chính sách với công chức, viên chức;…
Trao đổi về các vấn đề cử tri đặt ra về tăng tiền lương, chế độ phụ cấp cho y bác sỹ, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho rằng, việc dịch chuyển lao động từ bộ phận công sang tư, tư sang công, lao động gia nhập hay rời bỏ thị trường là câu chuyện bình thường của thị trường lao động.
Riêng với y tế cơ sở, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cho biết, Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét việc tăng phụ cấp từ 40-70% nhưng Bộ Chính trị đã quyết định tăng lên 100%.
Trên cơ sở đó, Chính phủ đã ban hành Nghị định để thực hiện. Sang năm, Quốc hội sẽ tiến hành giám sát tối cao về hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng để đánh giá kỹ lưỡng tình hình này.
Khi ban hành Nghị quyết số 43 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ phục hồi kinh tế, xã hội Quốc hôi cũng đã dành 14 nghìn tỷ đồng cho việc tăng cường năng lực y tế cơ sở.
Liên quan đến kiến nghị của cử tri về chính sách tiền lương đối với khu vực công, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ chia sẻ, trong 3 năm gần đây, do các nguyên nhân khách quan, nhất là tác động của dịch bệnh COVID-19 đã khiến cho lộ trình cải cách tiền lương bị chậm lại.
Tuy nhiên, "đây là vấn đề cấp thiết", do đó, tại Kỳ họp thứ Tư, Quốc hội sẽ bàn vấn đề này.
Trong điều kiện chưa thể cải cách căn bản tiền lương được, theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, nên chăng cũng cần điều chỉnh, tăng lương cơ sở.
Mức độ, liều lượng, thời gian điều chỉnh cụ thể như thế nào Quốc hội sẽ bàn kỹ với Chính phủ để báo cáo Trung ương có quyết sách về vấn đề này.