Sách từ lâu đã trở thành một người bạn đồng hành với con người. Thói quen đọc sách là một phần quan trọng trong việc phát triển bản thân và mở rộng kiến thức. Đọc sách sẽ giúp con người trải nghiệm được những thế giới mới không thể đặt chân tới, hiểu biết được nền văn minh của nhiều đất nước, nhiều vùng đất mới. Vì vậy, sinh viên nên có thói quen đọc sách để tích lũy nhiều kiến thức và nâng cao hiểu biết.
Để duy trì thói quen này, sinh viên có thể bắt đầu bằng cách xác định mục tiêu đọc sách rõ ràng, chẳng hạn như số lượng sách trong năm hoặc các thể loại yêu thích. Đặt ra thời gian cố định hàng ngày để đọc sách, có thể là vào buổi sáng hoặc buổi tối, sẽ dễ dàng thực hiện hơn.
Hãy chọn những cuốn sách phù hợp với sở thích và nhu cầu của bản thân để giữ động lực đọc sách. Tạo một không gian đọc sách thoải mái và yên tĩnh giúp tập trung hơn. Có thể ghi chú và suy ngẫm về nội dung sách, sẽ giúp nhớ lâu và hiểu sâu hơn.
Cùng với đó, sinh viên có thể tham gia các câu lạc bộ sách hoặc nhóm đọc sách có thể tạo động lực và có cơ hội thảo luận về các cuốn sách. Nếu thời gian là vấn đề, sách điện tử và audio book là những lựa chọn tiện lợi. Cuối cùng, hãy đặt sách ở những nơi dễ thấy để ghi nhớ thói quen đọc sách.
Sinh viên hay bất kỳ ai cũng phải đảm bảo việc chăm sóc tốt cho sức khỏe từ cơ thể vật lý đến tinh thần.
Tập thể dục đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì sức khỏe và thể lực. Hoạt động này cũng góp phần quan trọng trong việc xây dựng lối sống lành mạnh. Một số tác dụng đáng kể của tập thể dục có thể kể đến là hạn chế các vấn đề sức khỏe, giúp cơ thể khỏe mạnh, cung cấp năng lượng, giúp giảm căng thẳng, cải thiện sức khỏe tim mạch, nâng cao tâm trạng và cải thiện giấc ngủ. Bên cạnh đó, còn có thể giúp duy trì một trọng lượng cơ thể hợp lý và kiểm soát được lượng thức ăn hàng ngày.
Để duy trì sức khỏe tốt, sinh viên cần một chế độ ăn uống cân bằng và đa dạng. Đối với sinh viên, việc đảm bảo chế độ ăn uống hiện nay dường như không được mấy quan tâm. Có sinh viên dành hết thời gian đi làm, ăn uống thất thường, bỏ bữa sáng, ăn mì nhiều hơn ăn cơm... Điều này làm cho cơ thể không được chăm chút, dễ dẫn tới các vấn đề và bệnh nghiêm trọng về sức khỏe.
Giấc ngủ là yếu tố không thể thiếu trong việc chăm sóc cơ thể khỏe mạnh. Hãy đảm bảo ngủ từ 7-9 giờ mỗi đêm để cơ thể có thời gian phục hồi và tái tạo năng lượng. Ngủ đủ giấc giúp cải thiện chức năng não bộ, tăng cường hệ miễn dịch và hỗ trợ sức khỏe tinh thần. Việc thức quá khuya, ngủ dậy muộn sẽ làm cho cơ thể dễ bị mệt mỏi, uể oải và không có tinh thần làm việc.
Tại giảng đường đại học, cách học sẽ khác với các cấp dưới. Tinh thần tự học sẽ đòi hỏi được ưu tiên hơn. Sẽ không có người đốc thúc học tập mà tự bản thân sinh viên phải tự chủ động tìm hiểu và tiếp thu kiến thức rộng hơn.
Thói quen chủ động tự học của sinh viên đóng vai trò then chốt trong việc đạt được thành công học tập và phát triển cá nhân. Để duy trì thói quen này, sinh viên cần xây dựng một kế hoạch học tập rõ ràng với các mục tiêu cụ thể và thời gian biểu hợp lý, điều này có thể giúp sinh viên tự quản lý hiệu quả thời gian và ưu tiên được việc học hành.
Việc tự đánh giá và điều chỉnh phương pháp học tập cũng là một yếu tố quan trọng, giúp sinh viên nhận diện điểm mạnh, điểm yếu và cải thiện kỹ năng học tập. Hơn nữa, sinh viên nên chủ động tìm kiếm tài liệu bổ sung ngoài giảng dạy chính thức, tham gia vào các hoạt động thực tiễn, và duy trì thói quen đọc sách và nghiên cứu để mở rộng kiến thức.
Câu nói "Nước đến chân mới nhảy" đã gắn liền với một số bộ phận sinh viên hiện nay. Nhiều sinh viên thường lên kế hoạch nhưng không bắt tay vào làm ngay, hoặc đang làm lại bỏ dở. Kết quả là đến thời gian gấp rút, từ việc làm trong vài tháng chỉ thực hiện trong vòng vài ngày hoặc vài tiếng trước hạn chót với một kết quả không mấy tốt đẹp.
Vì vậy, sinh viên cần loại bỏ thói quen trì hoãn để đạt được thành công trong học tập và cuộc sống. Nếu như không rơi vào tình trạng trì hoãn, sinh viên cần biết cách quản lý thời gian một cách hiệu quả. Việc lập kế hoạch chi tiết cho các công việc và bài tập, chia nhỏ các nhiệm vụ lớn thành những bước nhỏ hơn, và thiết lập các mốc thời gian cụ thể là những phương pháp giúp giữ cho công việc luôn đi đúng hướng.
Bên cạnh đó, việc duy trì động lực cá nhân và tập trung vào mục tiêu cũng là điều cần thiết. Khi sinh viên biết sắp xếp thời gian hợp lý, giải quyết công việc theo thứ tự ưu tiên, và tránh xa các yếu tố gây phân tâm, họ không chỉ hoàn thành nhiệm vụ đúng hạn mà còn có thể giảm bớt căng thẳng và nâng cao chất lượng học tập.