In bài viết

Những sai lầm sinh viên hay mắc, làm giảm hiệu quả học tập

06:48 - 17/08/2024

(Chinhphu.vn) - Sinh viên cần sớm nhận diện những sai lầm, điều chỉnh để có thể đạt được hiệu quả tốt nhất trong học tập.

Trốn tiết

Khi bước vào môi trường học đại học, sinh viên sẽ phải làm quen với việc điểm danh cuối buổi học để được tính điểm chuyên cần các học phần. Điểm danh là một cách để giảng viên quản lý và đánh giá sự chuyên cần, chăm chỉ của sinh viên. Nếu sinh viên thường xuyên vắng mặt mà không có lý do chính đáng, có thể bị trừ điểm chuyên cần, và điều này sẽ ảnh hưởng đến tổng điểm của học phần.

Ngoài việc bị trừ điểm, trốn học còn có thể dẫn đến việc bỏ lỡ những kiến thức quan trọng và cơ hội trao đổi, thảo luận trực tiếp với giảng viên và bạn học về những vấn đề còn thắc mắc hoặc chưa hiểu rõ. Học không chỉ là việc tiếp thu lý thuyết từ sách vở mà còn là sự tương tác và học hỏi từ thực tế, vì thế trốn học có thể khiến kết quả học tập của sinh viên bị ảnh hưởng nghiêm trọng.

Trong trường hợp ốm đau hoặc có lý do cá nhân, sinh viên nên cố gắng sử dụng quyền lợi nghỉ phép một cách hợp lý và đảm bảo không bỏ lỡ những buổi học quan trọng để duy trì kết quả học tập tốt.

Lãng phí thời gian

Đây là tình trạng khá phổ biến với sinh viên. Thời gian học trên đại học khá linh động, sinh viên sẽ có nhiều thời gian trống trong ngày. Sinh viên có thể lựa chọn đăng ký tín chỉ phù hợp lịch trình cá nhân, tuy nhiên, việc quản lý thời gian hiệu quả là một thách thức không nhỏ.

Ngoài việc học trên lớp, sinh viên vẫn chưa có kế hoạch và sự tự giác trong việc sử dụng thời gian trống một cách hữu ích cho việc học tập. Trong thời gian rảnh sinh viên có thể học thêm những kỹ năng mềm, đọc sách, bổ sung các chứng chỉ ngành nghề.... nhưng nhiều sinh viên hiện nay lãng phí thời gian để ngủ hoặc làm những việc vô ích.

Vì thế, để tránh lãng phí thời gian, sinh viên hãy lập kế hoạch học tập rõ ràng, dành thời gian cho việc tự học, phát triển bản thân. Bên cạnh đó, sinh viên có thể tham gia thực tập, các hoạt động ngoại khóa, câu lạc bộ,... để tăng thêm trải nghiệm. Việc này không chỉ giúp tối ưu hóa thời gian học tập mà còn phát triển các kỹ năng mềm và kinh nghiệm bổ ích cho tương lai.

Thiếu tự tin

Sự thiếu tự tin gây ảnh hưởng nhiều đến hiệu quả học tập cũng như sự phát triển của sinh viên.

Thiếu tự tin có thể từ việc thiếu kỹ năng giao tiếp, sợ hoặc không thoải mái khi ở trước đám đông. Nhiều sinh viên sẽ bị áp lực bởi các bạn đồng trang lứa, gia đình. Hoặc có thể là kết quả học tập không được như kỳ vọng cũng là nguyên nhân làm sinh viên trở nên thiếu tự tin hơn trong các mối quan hệ. Điều này có thể làm mỗi cá nhân mất đi nhiều cơ hội để thể hiện bản thân, trao đổi, tiếp thu các kiến thức từ bạn bè, thầy cô và những người xung quanh.

Để giải quyết tình trạng, sinh viên có thể học thêm những kỹ năng mới tập trung vào phát triển bản thân một cách tốt hơn. Việc quan trọng là hãy mở lòng, giao tiếp nhiều hơn với mọi người để mở rộng tư duy và tự tin hơn trong các mối quan hệ.

Học nhiều thứ một lúc

Hiện nay, để tận dụng được thời gian một cách triệt để, nhiều sinh viên lựa chọn học nhiều thứ cùng một lúc.

Việc học nhiều thứ có thể giúp sinh viên mở rộng tư duy, kiến thức và kỹ năng, nhưng nếu không quản lý tốt thời gian sẽ làm cho sinh viên mang nhiều áp lực hơn. Điều này còn việc này có thể dẫn đến những khó khăn và ảnh hưởng tiêu cực đến kết quả học tập của sinh viên.

Ngài ra, học nhiều thứ trong một khoảng thời gian đòi hỏi có sự quản lý và kế hoạch chặt chẽ cho từng môn học và kỹ năng. Từ đó, sinh viên dễ vấp vào sự phân tán độ tập trung khi phải phân chia sự chú ý giữa nhiều môn học hoặc hoạt động khác nhau. Nên cân nhắc giữa số lượng và chất lượng, đảm bảo rằng mỗi môn học hoặc hoạt động được đầu tư thời gian và công sức.

"Nước đến chân mới nhảy"

Đây có thể được xem là một "căn bệnh" đã tồn tại qua bao thế hệ sinh viên. Nhiều sinh viên lên kế hoạch nhưng không bắt tay vào làm ngay, hoặc đang làm lại bỏ dở. Kết quả là đến thời gian gấp rút, từ việc làm trong vài tháng chỉ thực hiện trong vòng vài ngày hoặc vài tiếng trước hạn chót.

Việc trì hoãn công việc cho đến khi gần hết thời gian không chỉ gây ra áp lực lớn mà còn ảnh hưởng kết quả học tập. Sinh viên có thể gặp khó khăn trong việc xử lý, kiểm tra lại thông tin, bài làm thiếu kỹ lưỡng và phải chấp nhận điểm số không như mong đợi.

Nếu không muốn rơi vào tình trạng trì hoãn, sinh viên cần biết cách quản lý thời gian một cách hiệu quả. Việc lập kế hoạch chi tiết cho các công việc và bài tập, chia nhỏ các nhiệm vụ lớn thành những bước nhỏ hơn, và thiết lập các mốc thời gian cụ thể là những phương pháp giúp giữ cho công việc luôn đi đúng hướng.