In bài viết

Nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức để phản ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu

17:38 - 27/02/2023

(Chinhphu.vn) – Trước xu hướng áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam cần nhìn nhận rõ cơ hội và thách thức, tận dụng thời gian để có phản ứng phù hợp, vừa tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách vừa bảo đảm chủ trương thu hút "đại bàng" tới làm tổ, đầu tư.

Nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức để phản ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 1.

TS. Phan Đức Hiếu: Cần tận dụng thời gian để có phản ứng phù hợp, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách, vừa bảo đảm chủ trương thu hút "đại bàng" tới làm tổ, đầu tư. Ảnh Quochoi.vn

Thuế tối thiểu toàn cầu là gì?

Thời gian qua, các nội dung thảo luận liên quan đến việc áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu đã trở thành chủ đề nóng đối với các chuyên gia, nhà nghiên cứu, đại diện doanh nghiệp tại Việt Nam.

Xu hướng toàn cầu này không chỉ đặt ra những yêu cầu mới đối với cộng đồng doanh nghiệp, mà còn đòi hỏi phải có những thích ứng nhanh chóng, kịp thời từ phía các cơ quan chức năng.

Thuế tối thiểu toàn cầu là loại thuế đánh vào các doanh nghiệp lớn, công ty đa quốc gia có doanh thu lớn, nhưng lại đầu tư vào những nước có mức thuế suất thấp nhằm trốn thuế, tiềm ẩn nguy hại về cạnh tranh không lành mạnh.

Để ngăn chặn việc này mà không mất đi tính cạnh tranh toàn cầu, các nước đã thống nhất đưa Thuế tối thiểu toàn cầu vào các doanh nghiệp đầu tư lớn bằng cách đặt ra giới hạn về đóng thuế tại nước sở tại hoặc chính quốc, tạo sự công bằng, tránh trốn thuế.

Các nước đã thống nhất Thuế tối thiểu toàn cầu là mức thuế áp dụng cho các doanh nghiệp đa quốc gia có doanh thu toàn cầu trên 750 triệu euro và có mức lợi nhuận trên 10% doanh thu; sẽ bị áp dụng mức thuế suất tối thiểu 15% trên mức lợi nhuận.

Ưu điểm của Thuế tối thiểu toàn cầu là tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, công bằng giữa các quốc gia, tránh trốn thuế…

Nếu áp dụng, Việt Nam có thể kiểm soát được các doanh nghiệp đầu tư ra nước ngoài an toàn hơn, tránh thất thu thuế khi những doanh nghiệp này trốn thuế tại các nước không bị truy thu thuế.

Thuế tối thiểu toàn cầu là một loại thuế đã được nghiên cứu từ lâu. Tuy nhiên gần đây khi tình hình kinh tế thế giới có nhiều biến động thì loại thuế này đã được đẩy mạnh triển khai đi vào thị trường kinh tế toàn cầu.

Ngày 15/12/2022 Liên minh Châu Âu (EU) đã thông qua kế hoạch áp thuế suất tối thiểu 15%. Ngày 23/12/2022, Quốc hội Hàn Quốc đã thông qua Đạo luật Điều chỉnh Thuế quốc tế, áp dụng mức thuế doanh nghiệp tối thiểu toàn cầu từ ngày 01/01/2024.

Nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức để phản ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 2.

Để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật.

Cần làm làm gì để tận dụng cơ hội, hóa giải thách thức từ thuế tối thiểu toàn cầu?

Quan tâm đến vấn đề này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, để tận dụng cơ hội hay hóa giải thách thức khi áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu thì cần hành động chính sách, sửa đổi nội luật. Do đó thách thức về thời gian để tìm kiếm giải pháp là lớn.

Theo đó, cần tận dụng thời gian để có phản ứng phù hợp, tận dụng cơ hội, giữ quyền đánh thuế, tăng thu ngân sách, vừa bảo đảm chủ trương thu hút "đại bàng" tới làm tổ, đầu tư".

Nhận định về tình hình một số quốc gia dự kiến áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu từ đầu năm 2024, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách thuế này dự kiến sẽ có tác động đến hoạt động đầu tư, đặc biệt là đầu tư nước ngoài ở nhiều quốc gia, trong đó có nước ta.

Tuy nhiên, mức độ tác động đến các quốc gia là khác nhau. Và tại một quốc gia, tác động của chính sách này đến các nhà đầu tư cũng sẽ khác nhau tùy vào mức độ ưu đãi thông qua biện pháp giảm thuế suất và khấu trừ thuế đến đâu và quy mô doanh thu hợp nhất toàn cầu.

Chính sách thuế này được đánh giá có cả tác động tích cực - là tăng thu thuế cho quốc gia - như tên Chương trình tư vấn xây dựng chính sách thuế này và cả tác động tiêu cực đến thu hút đầu tư nước ngoài.

Đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng, chính sách thuế này đã tác động đến thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) ngay từ bây giờ chứ không phải chờ đến ngày được áp dụng. Bởi vì, các nhà đầu tư đã tính toán đến việc thực thi chính sách thuế này để quyết định đầu tư năm nay và năm tiếp theo.

Theo đại biểu Phan Đức Hiếu, đối tượng chịu ảnh hưởng chủ yếu là những nhà đầu tư lớn, có quy mô doanh thu hợp nhất trên 750 triệu EUR toàn cầu.

Tuy nhiên, ở chừng mực nào đó, rất có thể có những nhà đầu tư nhỏ nhưng họ nằm trong chuỗi sản xuất kinh doanh, là một phần trong hoạt động kinh doanh của một tập đoàn đa quốc gia phải chịu thuế suất thuế tối thiểu thì sẽ bị liên đới.

Trước tình hình này, Việt Nam cần nhanh chóng đánh giá để xác định mức độ bị tác động - bao gồm cả cơ hội và tác động tiêu cực.

Cần nhanh chóng rà soát toàn bộ quy định hiện hành về chính sách ưu đãi và từ đó cần xác định chính xác phạm vi và mức độ bị tác động theo ngành, lĩnh vực, đối tượng, tác động tích cực - tiêu cực, cơ hội, thách thức.

"Chỉ khi chúng ta xác định đầy đủ bức tranh tác động thì mới có thể có giải pháp phù hợp", đại biểu Phan Đức Hiếu nhấn mạnh.

Nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức để phản ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 3.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra áp lực mới, yêu cầu mới về cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh.

Thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra áp lực mới, yêu cầu mới về cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư, kinh doanh

Đánh giá về cơ hội của nước ta khi thực thi thuế tối thiểu toàn cầu, đại biểu Phan Đức Hiếu cho biết, các quốc gia được khuyên rằng nên áp dụng chính sách thuế này để tăng thu quốc gia và tránh việc ưu đãi của mình bị mang sang nộp ở quốc gia khác.

Về giải pháp thay thế biện pháp ưu đãi, đại biểu Phan Đức Hiếu cho rằng phải thu hút đầu tư bằng môi trường kinh doanh thuận lợi; chi phí gánh nặng về thủ tục hành chính, tuân thủ pháp luật được giảm bớt, minh bạch hơn, nhanh hơn và ít rủi ro - môi trường đầu tư kinh doanh hấp dẫn.

Trong bối cảnh này của nước ta, chính thuế tối thiểu toàn cầu sẽ tạo ra một áp lực mới, yêu cầu mới về cải cách mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh.

Như vậy, Chính phủ trước hết cần đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, coi đây là biện pháp thu hút đầu tư quan trọng nhất, hiệu quả nhất để ứng phó với thách thức từ chính sách thuế này.

Nhìn nhận rõ cơ hội, thách thức để phản ứng với Thuế tối thiểu toàn cầu - Ảnh 4.

TS. Cấn Văn Lực: Cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể của thuế tối thiểu toàn cầu để có phương án phù hợp. Ảnh Quochoi.vn

Tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đối với Việt Nam là rất rõ ràng và cấp bách

Tham gia ý kiến về vấn đề này, nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu cho rằng, tác động của chính sách thuế tối thiểu toàn cầu đến Việt Nam đã là rất rõ ràng và cấp bách, thể hiện trước hết là về thuế.

Trong trường hợp Việt Nam không có những hành động ngay hoặc chậm trễ trong việc triển khai thuế tối thiểu toàn cầu, Việt Nam sẽ bỏ lỡ cơ hội giành quyền đánh thuế.

Vì khi đó, các quốc gia đầu tư thuộc khối EU, Nhật Bản, Hàn Quốc và các quốc gia khác sẽ thực hiện thu Thuế bổ sung theo các nguyên tắc Trụ cột 2, nhiều khả năng bắt đầu từ năm 2024.

Ngoài ra, Việt Nam cũng có thể không thu được phần thuế bổ sung, nếu phát sinh, của các tập đoàn Việt Nam có đầu tư ra nước ngoài.

Thêm vào đó, thuế tối thiểu toàn cầu cũng sẽ ảnh hưởng đến hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài của các chính sách ưu đãi thuế hiện tại của Việt Nam cho các tập đoàn đa quốc gia thuộc phạm vi áp dụng.

Cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp

TS. Cấn Văn Lực, chuyên gia kinh tế trưởng BIDV cho rằng, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần nhanh chóng rà soát, đánh giá tác động cụ thể, đề xuất phương án phù hợp.

Việt Nam có nên áp mức thuế này hay không hay lộ trình thế nào, tổ chức thực hiện thế nào đảm bảo khả thi, hiệu quả và không xảy ra tranh chấp.

Bên cạnh đó, cơ quan thuế cũng cần rà soát các chính sách phát luật về thuế để trình sửa đổi các quy định, quy trình kê khai thuế phù hợp với tiêu chuẩn hành động của BEPS để ban hành sớm nhất trước khi BEPS có hiệu lực. Đồng thời có kế hoạch truyền thông về các chính sách này; tập huấn cho cán bộ và các doanh nghiệp nắm bắt, thực hiện đúng các điều chỉnh về quy định pháp lý.

Nhiều chuyên gia cũng cho rằng Việt Nam cần thay đổi chính sách thu hút đầu tư theo hướng tập trung vào nâng cao năng lực cạnh tranh từ các yếu tố như môi trường kinh doanh, nguồn lao động, cơ sở hạ tầng... vốn là các yếu tố cơ bản khi đưa ra các quyết định đầu tư kinh doanh thay vì hướng tới ưu đãi về thuế./.

Theo Quochoi.vn