Điều 29, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) đề xuất quy định về: Nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, các Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân.
Theo đó, Chủ tịch Hội đồng nhân dân có các nhiệm vụ, quyền hạn sau đây:
Chủ tọa các phiên họp của Hội đồng nhân dân, bảo đảm thi hành các quy định về hoạt động của đại biểu Hội đồng nhân dân, các quy định về kỳ họp Hội đồng nhân dân; ký chứng thực nghị quyết của Hội đồng nhân dân;
Lãnh đạo công tác của Thường trực Hội đồng nhân dân; chỉ đạo việc chuẩn bị dự kiến chương trình, triệu tập và chủ tọa các phiên họp của Thường trực Hội đồng nhân dân;
Thay mặt Thường trực Hội đồng nhân dân giữ mối liên hệ với Ủy ban nhân dân, các cơ quan nhà nước, Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức thành viên của Mặt trận cùng cấp, các tổ chức xã hội khác và Nhân dân;
Quyết định tạm đình chỉ công tác đối với Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, Trưởng Ban, Phó Trưởng Ban của Hội đồng nhân dân cùng cấp, Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp dưới trong các trường hợp theo quy định của cấp có thẩm quyền.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân giúp Chủ tịch Hội đồng nhân dân thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn theo sự phân công của Chủ tịch Hội đồng nhân dân và chịu trách nhiệm cá nhân trước Chủ tịch Hội đồng nhân dân;
Chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân;
Tham gia các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Các Ủy viên Thường trực Hội đồng nhân dân chịu trách nhiệm tập thể về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân;
Chịu trách nhiệm cá nhân trước Thường trực Hội đồng nhân dân về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được Thường trực Hội đồng nhân dân phân công;
Tham gia các phiên họp Thường trực Hội đồng nhân dân, thảo luận và quyết định những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực Hội đồng nhân dân.
Trong nhiệm kỳ, nếu khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì Thường trực Hội đồng nhân dân cùng cấp phân công 01 Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới;
Nếu khuyết Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp cơ sở thì Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp cơ sở điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
Trường hợp khuyết cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp cơ sở thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chỉ định người điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp cơ sở cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
Đối với trường hợp khuyết cả Chủ tịch và Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội chỉ định người điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp tỉnh cho đến khi Hội đồng nhân dân bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới.
Trường hợp Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp cơ sở bị xử lý kỷ luật và thuộc trường hợp phải đề nghị miễn nhiệm, bãi nhiệm thì Thường trực Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định việc giao Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp cơ sở thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân cho đến khi bầu ra Chủ tịch Hội đồng nhân dân mới; nếu là Chủ tịch Hội đồng nhân dân cấp tỉnh thì do Ủy ban Thường vụ Quốc hội quyết định.
Trường hợp cả Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân cũng bị xử lý kỷ luật thì thực hiện chỉ định người điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân trong số đại biểu Hội đồng nhân dân cấp đó.
Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân, người được chỉ định điều hành hoạt động của Hội đồng nhân dân, Thường trực Hội đồng nhân dân được thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Chủ tịch Hội đồng nhân dân theo quy định của Luật này và các quy định khác của pháp luật có liên quan.