In bài viết

Một số gợi ý giúp sinh viên học tốt môn tiếng Anh

07:57 - 20/10/2024

(Chinhphu.vn) - Việc ‘làm chủ’ được tiếng Anh sẽ giúp những người trẻ như sinh viên dễ dàng hội nhập và mở ra những thành công trong sự nghiệp. Vậy sinh viên muốn học tốt tiếng Anh cần làm gì? Chuyên gia giáo dục công ty CP Công nghệ Giáo dục AES đưa ra một vài gợi ý.

Một số gợi ý giúp sinh viên học tốt môn tiếng Anh- Ảnh 1.

 

Khởi đầu sớm là điều nên làm

Tiếng Anh là một môn học đòi hỏi sự tích lũy trong thời gian dài để các kỹ năng sử dụng tiếng Anh mới trở nên thuần thục. Năm thứ nhất và năm thứ hai đại học thường là những năm học ít vất vả nhất, và đây chính là lúc sinh viên có thể dành thời gian để học tiếng Anh một cách dài hơi, từ gốc và học một cách bài bản.

Chuẩn đầu ra ngoại ngữ là công cụ cho sinh viên tham gia tự tin vào thị trường lao động, đặc biệt trong bối cảnh hội nhập quốc tế.

Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chuẩn đầu ra ngoại ngữ được xác định theo Khung trình độ quốc gia Việt Nam ban hành từ năm 2016. B1 là mức tối thiểu được đa số đại học dùng để xét đầu ra ngoại ngữ.

Tuy nhiên, nhiều sinh viên hiện nay thường trì hoãn việc học Tiếng Anh đến khi chuẩn bị ra trường.

Đại diện Trường ĐH Kinh tế quốc dân cho biết, tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp muộn hơn so với kế hoạch chuẩn của trường do chưa đạt chuẩn đầu ra ngoại ngữ ở các chương trình đào tạo tiêu chuẩn học bằng tiếng Việt khoảng 20%. Con số này ở các chương trình đào tạo tiên tiến (học 100% bằng tiếng Anh) là khoảng 5%. Còn với các chương trình đào tạo đặc thù (chương trình chất lượng cao, chương trình định hướng ứng dụng POHE học 30-50% các môn học bằng tiếng Anh), số sinh viên tốt nghiệp muộn so với kế hoạch chuẩn là khoảng 8%.

Theo đại diện Trường ĐH Thương mại, ở khóa sinh viên tốt nghiệp gần nhất, có khoảng 30% chậm tốt nghiệp, trong đó có những sinh viên do chưa đạt chuẩn đầu ra tiếng Anh

Theo chuyên gia AES, việc đưa bản thân vào tâm thế "nước đến chân mới nhảy" như vậy là rất nguy hiểm, bởi ngay trước khi ra trường là khoảng thời gian rất bận rộn với bài thi, đồ án, bài tập lớn, v.v, cộng thêm áp lực từ học và thi Tiếng Anh vào thời điểm này rất dễ khiến sinh viên bị quá tải.

Thực tế, một nền tảng tiếng Anh chắc chắn từ sớm có thể trở thành thế mạnh cho nhiều người trẻ, mở ra thêm những cơ hội giao lưu, nghiên cứu hay thậm chí là công việc từ trước khi sinh viên tốt nghiệp nên sinh viên cần khởi động việc học tiếng Anh càng sớm càng tốt.

Theo đuổi những chứng chỉ quốc tế

Khác với việc học tiếng Anh ở Trung học phổ thông, khi chủ yếu tập trung nhiều vào ngữ pháp để đánh giá điểm số, việc học tiếng Anh trong môi trường Đại học lại dựa trên các chứng chỉ quốc tế như TOEIC, IELTS hoặc TOEFL iBT.

Trong số các bài thi này, TOEIC tập trung nhiều về tiếng Anh thương mại để phục vụ cho giao tiếp công sở, còn IELTS và TOEFL iBT tập trung vào nội dung học thuật, phục vụ việc học tập và nghiên cứu bằng tiếng Anh. Các bài thi này không tập trung đơn thuần vào kiến thức ngữ pháp, mà kiểm tra bốn kỹ năng chính của người học bao gồm: nghe, đọc, nói, viết. Cách thức làm bài và ôn tập do đó cũng khác hoàn toàn, yêu cầu sinh viên có cách tiếp cận, ôn luyện mới.

Hiện nhiều trường đại học đã có yêu cầu tiếng Anh tối thiểu để ra trường. Con số được các trường đưa ra thường là 450 điểm TOEIC, và Band 6.5 IELTS. Tuy nhiên, sinh viên không nên giới hạn bản thân ở con số này vì việc học tiếng Anh còn phục vụ cho xét tuyển vào các công ty trong tương lai, sinh viên nên cố gắng đạt số điểm cao nhất trong khả năng của mình.

Kỹ năng nghe là xuất phát điểm hợp lý

Trong số bốn kỹ năng tiếng Anh, nghe và đọc là hai kỹ năng tiếp thu, trong khi nói và viết là hai kỹ năng sáng tạo. Đối với người mới bắt đầu, kỹ năng đầu tiên cần được rèn giũa là kỹ năng nghe, bởi đây sẽ là cánh cửa để tiếng Anh bước vào cuộc sống, dần dần trở thành nền tảng để học tiếp các kĩ năng sau này.

Sinh viên nên chủ động tự học kỹ năng nghe. Việc luyện tập cần diễn ra thường xuyên, liên tục để đạt được hiệu quả. Hãy chủ động học trước, vận dụng những gì bản thân có khi tự học để giao tiếp bằng tiếng Anh một cách chủ động, qua đó khắc sâu hơn tiếng Anh vào tâm trí.

Sinh viên không nên sợ mắc sai lầm. Hãy giao tiếp một cách tự nhiên nhất có thể, và nhờ bạn học hoặc thầy, cô giáo hỗ trợ khi bản thân nói sai, phát âm sai. Sự hỗ trợ từ những người cùng học và từ giáo viên sẽ giúp sinh viên cải thiện trình độ của bản thân hiệu quả hơn.

Giao lưu bằng tiếng Anh càng nhiều càng tốt

Một số gợi ý giúp sinh viên học tốt môn tiếng Anh- Ảnh 2.

Các câu lạc bộ luyện nói tiếng Anh có cả người bản ngữ đang dần trở nên phổ biến ở Việt Nam, và với sự phát triển của công nghệ, việc tìm kiếm và tham gia các hội nhóm này đơn giản hơn bao giờ hết. Ngoài ra, sinh viên cũng có thể tìm kiếm, làm quen, và bắt chuyện với người nói tiếng Anh trên mạng như những cách để tăng phản xạ, tăng kiến thức tiếng Anh.

Khi giao tiếp trong các kênh này, sinh viên không nên ngần ngại. Mọi người đều có xuất phát điểm riêng khi học tiếng Anh, và tốc độ đi của mỗi người cũng khác. Nếu giữ được thái độ cầu thị, ham học hỏi, tiếp thu tốt những ý kiến đóng góp, sinh viên sẽ dần hình thành thói quen diễn đạt chính xác và rõ ràng phần lớn ý nghĩ của bản thân bằng tiếng Anh, tạo tiền đề đi sâu hơn trong việc học và rèn luyện "ngôn ngữ toàn cầu".