Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, theo báo cáo của các địa phương, đến hết năm 2021 cả nước có 18.945 trang trại đạt tiêu chí quy định của Bộ Nông nghiệp và PTNT. Diện tích đất bình quân của các trang trại là 3,52 ha/trang trại.
Tổng số lượng lao động thường xuyên của trang trại bình quân 3,8 lao động/trang trại, trong đó chủ yếu là chủ trang trại và các thành viên trong gia đình; một số trang trại có thuê mướn lao động bên ngoài chủ yếu là vào thời vụ gieo trồng, thu hoạch.
Giá trị vốn đầu tư và vốn sản xuất kinh doanh bình quân năm 2021 là 2.430 triệu đồng/trang trại. Tổng giá trị sản xuất bình quân của trang trại năm 2021 đạt 3.513 triệu đồng/năm. Thu nhập bình quân lao động thường xuyên làm việc trong trang trại đạt 4,9 triệu đồng/ người/ tháng.
Trong số các trang trại nông nghiệp, trang trại chăn nuôi chiếm tỷ lệ lớn nhất (chiếm 62,3%), tiếp đến là trồng trọt (18,3%). Các trang trại tập trung nhiều ở vùng Đông Nam Bộ bình quân 605 trang trại/tỉnh), Đồng bằng sông Hồng (bình quân 554 trang trại/tỉnh), Tây nguyên bình quân 433 trang trại/tỉnh).
Kinh tế trang trại hiện nay đang có sự chuyển biến rõ rệt với việc chuyển đổi hình thức tổ chức sản xuất kinh doanh phù hợp với nhu cầu thị trường. Sản xuất kinh doanh của trang trại đã áp dụng khoa học kỹ thuật và các tiến bộ kỹ thuật tiên tiến, công nghệ cao vào sản xuất góp phần nâng cao chất lượng sản phẩm hàng hóa và thu nhập của nông dân, tạo ra giá trị sản lượng lớn cho thị trường trong và xuất khẩu ra nước ngoài; nhiều trang trại đã chủ động được giống và sản xuất cung ứng cho bà con nông dân trong vùng.
Việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất đang được các trang trại tập trung đầu tư thực hiện và bước đầu mang lại kết quả tích cực. Nhiều trang trại không chỉ tổ chức sản xuất nông nghiệp đơn thuần mà còn kết hợp phát triển các hoạt động phi nông nghiệp khác tạo ra giá trị sản xuất, doanh thu cao và chủ động hơn trong quá trình sản xuất như: Lắp đặt hệ thống năng lượng mặt trời để cung cấp điện phục vụ sản xuất và bán điện không sử dụng hết cho ngành điện; đầu tư cơ sở sơ chế và chế biến nông sản tại chỗ; phát triển mô hình canh tác nông nghiệp kết hợp điểm tham quan du lịch, trong đó một số trang trại đã bắt đầu cung cấp dịch vụ nghỉ dưỡng, lưu trú qua đêm.
Nhiều trang trại đã liên kết với doanh nghiệp để bao tiêu sản phẩm đầu ra cho trang trại và bà con nông dân. Việc bảo vệ môi trường được các trang trại quan tâm nên nhiều trang trại, nhất là trang trại chăn nuôi đã đầu tư hệ thống để xử lý chất thải nhằm hạn chế sự ô nhiễm môi trường.
Kinh tế trang trại đã thúc đẩy việc khai thác diện tích đất trống, đồi núi trọc, đất hoang hóa vào sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và nuôi thuỷ sản, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, cải thiện môi trường sinh thái.
Phát triển kinh tế trang trại góp phần tăng tốc độ phủ xanh đất trống đồi trọc, đồng thời thu hút được nguồn lực tài chính trong dân; tạo điều kiện cho các cá nhân có vốn, có trình độ chuyên môn mạnh dạn đầu tư hình thành trang trại để đầu tư cho phát triển sản xuất nông, lâm, ngư nghiệp, góp phần giảm bớt áp lực do thiếu việc làm ở nông thôn, tăng thu nhập và cải thiện đời sống cho nhiều hộ nông dân.
Có thể khẳng định kinh tế trang trại là hình thức tổ chức sản xuất tiên tiến của kinh tế hộ, mang lại hiệu quả cao cho sản xuất nông nghiệp do đó cần có chính sách khuyến khích phát triển.