In bài viết

Kiến nghị BHXH cho đối tượng phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước 15/12/1993

08:59 - 05/10/2024

(Chinhphu.vn) - Bộ Quốc phòng trả lời cử tri kiến nghị bảo hiểm xã hội cho đối tượng phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước 15/12/1993

Bộ Quốc phòng nhận được kiến nghị của cử tri tỉnh Hưng Yên với nội dung: "Đề nghị xem xét, bổ sung đối tượng có thời gian công tác trong quân đội nhân dân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993 không tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc được tính là thời gian công tác để hưởng chế độ bảo hiểm xã hội một lần hoặc được cộng nối thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện".

Về kiến nghị nêu trên của cử tri, Bộ Quốc phòng trả lời như sau:

Theo quy định tại khoản 6 Điều 123 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 thì người lao động có thời gian làm việc trong khu vực nhà nước trước ngày 01/01/1995 nếu đủ điều kiện hưởng nhưng chưa được giải quyết trợ cấp thôi việc hoặc trợ cấp một lần, trợ cấp xuất ngũ, phục viên thì thời gian đó được tính là thời gian đã đóng bảo hiểm xã hội. 

Việc tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội được thực hiện theo các văn bản quy định trước đây về tính thời gian công tác trước ngày 01/01/1995 để hưởng bảo hiểm xã hội của cán bộ, công chức, viên chức, công nhân, quân nhân, và công an nhân dân.

Ngày 15/12/1993, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 595/TTg về chế độ đối với quân nhân, công an nhân dân khi xuất ngũ; ngày 28/3/1994, liên Bộ: Quốc phòng, Lao động - Thương binh và Xã hội, Tài chính đã ban hành Thông tư liên tịch số 448/TT-LB hướng dẫn thực hiện chế độ đối với quân nhân xuất ngũ (hiệu lực thi hành từ ngày 15/12/1993); theo đó, thời gian công tác trong quân đội khi xuất ngũ được tính hưởng trợ cấp xuất ngũ một lần do nguồn bảo hiểm xã hội chi trả. Do vậy, các trường hợp đã hưởng trợ cấp một lần do nguồn bảo hiểm xã hội chi trả thì không được cộng nối thời gian đã hưởng trợ cấp một lần với thời gian công tác sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

Tại khoản 9 Điều 23 Nghị định số 33/2016/NĐ-CP ngày 10/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Bảo hiểm xã hội về bảo hiểm xã hội bắt buộc đối với quân nhân, công an nhân dân và người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân thì trường hợp quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993, sau đó chuyển sang làm việc có tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc tại các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp nhà nước, hưởng lương từ ngân sách nhà nước hoặc các doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế mà không hưởng chế độ trợ cấp theo một trong các Quyết định của Thủ tướng Chính phủ (Quyết định số 47/2002/QĐ-TTg ngày 11/4/2002; điểm a khoản 1 Điều 1 Quyết định số 290/2005/QĐ-TTg ngày 08/11/2005; Quyết định số 92/2005/QĐ-TTg ngày 29/4/2005; Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg ngày 27/10/2008; Quyết định số 38/2010/QĐ-TTg ngày 06/5/2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 142/2008/QĐ-TTg; Quyết định số 53/2010/QĐ-TTg ngày 20/8/2010; Quyết định số 62/2011/QĐ-TTg ngày 09/11/2011) thì được cộng nối thời gian công tác trong quân đội, công an, cơ yếu trước đó với thời gian công tác có đóng bảo hiểm xã hội sau này để tính hưởng bảo hiểm xã hội.

Như vậy, theo quy định của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 và văn bản hướng dẫn thực hiện không quy định cộng nối thời gian công tác trong quân đội đối với trường hợp quân nhân đã phục viên, xuất ngũ, thôi việc trước ngày 15/12/1993 không tham gia đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc với thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện sau này. Do vậy, nội dung kiến nghị của cử tri nêu trên không phù hợp với quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội hiện hành.