In bài viết

Đại biểu Hoàng Văn Cường: Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp, hiệu quả

08:12 - 31/05/2023

(Chinhphu.vn) – Theo GS.TS Hoàng Văn Cường chúng ta ổn định vĩ mô rất thành công. Việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả.

"Không ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển", tháo nút thắt thể chế khơi thông nguồn lực - Ảnh 1.

Tại tọa đàm, các chuyên gia, nhà quản lý đồng thuận nhận định rằng, trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.

Chúng ta điều hành rất khéo léo, hiệu quả trong sử dụng chính sách tài khóa

Đánh giá về các giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô để bảo đảm cho tăng trưởng thời gian vừa qua, GS.TS Hoàng Văn Cường bày tỏ: Quả thật chúng ta nhìn thấy trong bối cảnh thế giới có những cơn sóng chao đảo như vấn đề lạm phát, sụt giảm tăng trưởng, Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô là thành công lớn nhất để chúng ta tạo được sự ổn định rất nhiều mặt, kể cả đời sống người dân, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và chúng ta không phải trả giá cho việc khôi phục lại các cân bằng.

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, để thành công được, có nhiều giải pháp Chính phủ đã điều hành nhưng ông cho rằng, kết quả này đạt được dựa trên 3 góc độ.

Thứ nhất, ổn định vĩ mô rất thành công. Việc điều hành chính sách tài khóa của Chính phủ đã ứng phó rất kịp thời, phù hợp và hiệu quả.

Ông dẫn chứng, trong bối cảnh đại dịch, rất nhiều nước cũng dùng chính sách tài khóa để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân, nhưng hậu quả kéo theo sau dịch là lạm phát. Nhưng Việt Nam vẫn hỗ trợ doanh nghiệp, người dân, cũng dùng tài khóa nhưng không bị rơi vào lạm phát, vẫn giảm được gánh nặng cho doanh nghiệp, như giảm thuế, giãn, hoãn các khoản đóng góp.

Ngay với người dân, có những chỗ chúng ta hỗ trợ trực tiếp bằng tiền, có những chỗ chúng ta hỗ trợ bằng phương tiện vật chất.

Hay như việc điều hành chính sách thu – chi ngân sách, trong bối cảnh khó khăn như thế, đương nhiên nguồn thu có xu hướng bị sụt giảm, nhất là chúng ta lại miễn, giãn, hoãn các khoản thu, nhưng thực tế 2 năm qua, năm 2021 và 2022, thu đều vượt qua dự báo rất nhiều. Thể hiện ở chỗ chúng ta tranh thủ cơ hội để khai thác được nguồn thu để bù đắp cho phần giãn, hoãn, chậm nộp của doanh nghiệp.

Chính từ việc làm tốt nguồn thu như thế dẫn tới cán cân thanh toán của chúng ta luôn thấp hơn mức bội chi Chính phủ giao. Chính vì thế, nợ công giảm xuống rất thấp, trước đây có thời kỳ trên 50%, nếu tính theo GDP mới thì năm 2021 xuống 42% và 2022 chỉ còn hơn 38%.

Đây là dư địa rất tốt để chúng ta tiếp tục sử dụng những chính sách tài khóa này. Đấy là thành công và cho thấy chúng ta rất khéo léo, hiệu quả trong sử dụng tài khóa.

"Không ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển", tháo nút thắt thể chế khơi thông nguồn lực - Ảnh 2.

GS.TS Hoàng Văn Cường: Việt Nam duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Ảnh VGP/Quang Thương

Việt Nam duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất

Về chính sách tiền tệ, Việt Nam là nước duy trì được giá đồng tiền ổn định nhất, tốt nhất. Điều hành tỉ giá không phải cứng nhắc, có sự điều chỉnh, thay đổi linh hoạt nhưng cũng chỉ biến động quanh khung 23,5-24,5 và cuối cùng quay lại đúng mức tỉ giá ổn định. Từ đó tạo ra giá trị đồng tiền ổn định, giúp doanh nghiệp yên tâm sản xuất kinh doanh, không sợ đồng tiền mất giá, gây hoang mang, tích trữ…

GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng đây là những yếu tố thể hiện sự thành công của trong điều hành kinh tế của Việt Nam. Cả thế giới lạm phát cao như thế, Việt Nam duy trì được, nhất là trong bối cảnh nền kinh tế có độ mở lớn, khi giá đồng tiền các nước tăng cao, đồng tiền của Việt Nam nguy cơ mất giá là rất cao.

Ngay gần đây, trong năm 2022 và những tháng gần đây, trong khi thế giới dự báo lạm phát có xu hướng chậm lại, các ngân hàng lớn của các nước hầu như chưa có động thái giảm lãi suất điều hành, nhưng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã 3 lần giảm lãi suất điều hành, nhằm đưa mặt bằng lãi suất thấp xuống, giúp cho doanh nghiệp có nguồn lực.

"Đây là hành động quyết liệt trong bối cảnh hiện nay và cũng cương quyết. Chúng tôi đã nghe thấy, lần thứ ba Thống đốc chỉ thị: Các NHTM không giảm thì có thể xem xét tới room tín dụng sau này… Tất nhiên chúng ta phải hết sức thận trọng trong bối cảnh thế giới còn nhiều khó khăn", GS.TS Hoàng Văn Cường nêu quan điểm.

Công tác điều hành có sự tương tác, đồng hành rất rõ giữa Chính phủ và Quốc hội

Thứ ba, về công tác điều hành, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng, công tác điều hành giữa Chính phủ, Quốc hội có sự tương tác, hỗ trợ đồng hành rất rõ.

Theo ông, gần như là các chính sách ra đời luôn có sự hỗ trợ đồng hành và tương tác nhanh chóng. Những gì cần cho cuộc sống thì chúng ta có khuôn khổ pháp lý để thực thi và khi có rồi thì hành động của Chính phủ rất quyết liệt trong bối cảnh khó khăn.

Trong năm qua, có rất nhiều chỉ thị của Chính phủ để giải quyết ách tắc, thậm chí lãnh đạo Chính phủ có nhiều cuộc thị sát tới tận địa bàn.

"Nhiều cuộc họp mà tôi thấy rất hay là giao thời hạn phải xử lý xong việc, rất rõ cho địa phương là đến thời kỳ này phải giải quyết xong. Tôi nghĩ rằng khi đã đặt ra yêu cầu có tính định lượng, thời hạn cũng thể hiện quyết tâm, quyết liệt rất tốt của Chính phủ", GS.TS Hoàng Văn Cường bày tỏ.

Không ném tiền vào "hố đen", đem muối bỏ biển

Về những giải pháp thúc đẩy trong thời gian tới, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Chúng ta vẫn đứng trước bối cảnh thế giới nhiều biến động hết sức khó lường, dự báo lạm phát của thế giới có xu hướng giảm nhưng chưa biết thực sự là hết chưa?

Đặc biệt chúng ta thấy gần đây, một loạt ngân hàng rơi vào tình trạng khủng hoảng, thậm chí có ngân hàng phá sản, phải bán lại. Đó là một lo ngại ảnh hưởng tới hệ thống tài chính. Nếu sự kiện này xảy ra, nó tạo ra sự lan tỏa của hệ thống thì nguy cơ cảnh báo về suy thoái kinh tế thế giới, thậm chí rơi vào khủng hoảng, không phải là không có cơ sở.

Hơn nữa, bối cảnh về khủng hoảng địa chính trị cũng chưa nhìn rõ hồi kết, tạo ra đứt gãy, xung đột về mặt kinh tế thế giới. Bối cảnh thế giới là hết sức bất định và có nhiều rủi ro. Vậy chính sách trong nước làm sao ứng phó?

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường, về chính sách tiền tệ: "Chúng ta đang rất quyết liệt. Tôi nghĩ, chúng ta là một trong những ngân hàng đi tiên phong điều hành để giảm lãi suất sớm giúp nguồn lực cho doanh nghiệp. 

Nhưng cũng cần hết sức thận trọng vì nếu bối cảnh thế giới diễn ra xấu, thì chúng ta cũng cần có năng lực để đối phó. Vừa qua có sự cố ngân hàng SCB nhưng chúng ta đã xử lý rất kịp thời. Chúng ta phải luôn luôn trong tình trạng đó.

Chính vì vậy, đối với chính sách tiền tệ, tôi cho rằng vẫn phải tiếp tục sử dụng cơ chế tiền tệ linh hoạt nhưng phải thận trọng và phải kiểm soát được dòng tiền.

Nếu trong bối cảnh hiện nay, nhiều doanh nghiệp khó khăn, có nhu cầu mà chúng ta không kiểm soát được dòng tiền, để dòng tiền không chảy vào đúng chỗ đang cần sản xuất kinh doanh tạo ra của cải đưa ra thị trường, thanh khoản ngay, mà rơi vào khu vực đang đóng băng, đang thiếu tiền, nợ đọng thì gần như là ném tiền vào hố đen, đem muối bỏ biển, có khi chỉ làm hao hụt nguồn lực của tài chính".

Chủ động các chính sách hỗ trợ hơn nữa

Về tài khóa, GS.TS Hoàng Văn Cường cho rằng: Chúng ta đang có dư địa khá tốt để thực hiện chính sách tài khóa. Tôi đánh giá cao là thời gian vừa qua, Chính phủ đã tiếp tục thực hiện chính sách tài khóa hỗ trợ, như quyết định ngay việc giãn, hoãn các khoản đóng góp, tiền thuế, tiền thuê… và vừa qua đã đề xuất Quốc hội giảm tiếp thuế VAT 2%.

Tôi nghĩ rằng đây là những biện pháp rất kịp thời. Thậm chí, thuế VAT hiện nay đang đề xuất giảm tiếp đến hết 31/12. Đúng 31/12 là thời điểm chúng ta phải thực hiện chốt về cân đối ngân sách.

Nhưng với chính sách này, tôi cho rằng "nên mở". Đến 31/12, nếu diễn biến có phức tạp, còn khó khăn, Chính phủ tiếp tục đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua thì chúng ta kéo dài được ngay, không cần chờ tới kỳ họp tháng 5.

Tôi nghĩ rằng phải chủ động các chính sách hỗ trợ. Thậm chí một số chính sách về tài khóa hỗ trợ mạnh hơn nữa.

Chúng ta thấy, hiện nay ngân hàng điều hành giảm lãi suất bằng các công cụ điều hành về tiền tệ nhưng tôi nghĩ rằng, việc chúng ta dùng tài khóa phối hợp với tiền tệ bằng việc hỗ trợ lãi suất hết sức hiệu quả.

Nếu chúng ta tăng được phần hỗ trợ lãi suất thì chúng ta cũng sẽ hướng đúng dòng vốn vào những đối tượng đang cần hỗ trợ, như vậy sẽ tăng được cơ hội cho rất nhiều doanh nghiệp.

Ngoài ra, những chính sách khác nữa cũng cần nghiên cứu áp dụng, như đối với các doanh nghiệp xuất khẩu hiện đang gặp khó khăn thì có thể một mặt điều hành chính sách tỉ giá, đồng thời có thể xem xét giải pháp về thuế thu nhập doanh nghiệp đối với nhóm này.

Hoặc hiện có xu thế các doanh nghiệp sa thải người lao động do ít đơn hàng mà chi phí cho người lao động cao, chúng ta phải tính tới các chính sách hỗ trợ xã hội hay chính sách giãn hoãn nghĩa vụ đóng góp BHXH để giảm gánh nặng. Về mặt tài khóa, đây là yếu tố rất quan trọng.

Phải tháo được nút thắt thể chế để khơi thông nguồn lực

Điểm cuối cùng, GS.TS Hoàng Văn Cường nhấn mạnh rằng "chúng ta phải thay đổi cả tư duy và hành động".

Đánh giá cao hành động của một số lãnh đạo địa phương, ông nêu quan điểm: "Có lẽ trong bối cảnh hiện nay, mấu chốt nằm ở đó. Nghĩa là phải tháo được nút thắt về mặt thể chế để khơi thông nguồn lực.

Trong bối cảnh thế giới chưa phục hồi, thị trường thế giới còn đang hấp thụ yếu thì chúng ta phải khơi thông nguồn lực để tăng năng lực nội địa ở trong nước".

Theo GS.TS Hoàng Văn Cường: Hiện nay, các nút thắt này đang diễn ra khá phổ biến, cho nên tình trạng đầu tư công giải ngân không nhanh được mặc dù chúng ta thúc đẩy mạnh; hay gói hỗ trợ theo Nghị quyết 43 về vốn phục hồi kinh tế cho tới thời điểm này chưa giải ngân được nhiều, vẫn vướng vào những cơ chế chính sách. Do đó, cần gỡ vướng về thể chế chính sách thì mới giải phóng được nguồn lực để tăng nội lực"./.

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp'