In bài viết

Kinh doanh bất động sản: Không đẩy rủi ro pháp lý cho người dân

08:50 - 22/02/2023

(Chinhphu.vn) - Góp ý dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) các chuyên gia nhấn mạnh yêu cầu: Không được tạo đặc quyền, đặc lợi cho các sàn giao dịch bất động sản; không nên biến sàn giao dịch bất động sản làm thay cho công chứng, chứng thực; đẩy rủi ro pháp lý cho người dân.

Hội đồng Tư vấn Dân chủ - Pháp luật (Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam) vừa tổ chức Hội nghị lấy ý kiến, phản biện của các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý về dự thảo Luật Kinh doan bất động sản và Luật Nhà ở.

Không được tạo đặc quyền, đặc lợi cho sàn giao dịch bất động sản, đẩy rủi ro pháp lý cho người dân - Ảnh 1.

Các đại biểu tham gia góp ý, phản biện dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Nhà ở sửa đổi - Ảnh: VGP/LS

Nhiều rủi ro pháp lý rình rập người mua bất động sản

Tại sao cá nhân với cá nhân khi giao dịch bất động sản phải thực hiện công chứng, còn tổ chức là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản với cá nhân lại không? Điều này có nguy cơ tiềm ẩn nhiều rủi ro về pháp lý cho người mua nhà và thực tế đã chứng minh khi có xảy ra tranh chấp, người mua nhà luôn yếu thế.

Một trong những vấn đề được nhiều đại biểu tập trung thảo luận tại hội nghị là việc dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi) lần này vẫn còn để tình trạng bất cập nêu trên.

Đề cập đến vấn đề này, PGS.TS Nguyễn Thị Nga, Phó Trưởng Khoa Pháp luật kinh tế (Trường Đại học Luật Hà Nội) phân tích: Tại khoản 3, Điều 45 dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản không bắt buộc phải công chứng là không bảo đảm được an toàn pháp lý cho người dân. 

Bất động sản là tài sản lớn, có giá trị cao đối với người dân, song các sản phẩm bất động sản của các doanh nghiệp kinh doanh bất động sản liên quan đến rất nhiều hồ sơ, thủ tục pháp lý, điều kiện kinh doanh, năng lực của chủ đầu tư… rất phức tạp, mà bản thân mỗi người dân không phải ai cũng có thể kiểm tra, kiểm soát được, vì không phải ai cũng tường minh pháp luật về đất đai, kinh doanh bất động sản, nhà ở, đầu tư. 

Do đó, việc công chứng trong trường hợp này sẽ có vai trò kiểm soát để cảnh báo, phòng ngừa và ngăn chặn rủi ro cho người dân.

Theo đó, quy định về bất động sản thông qua sàn giao dịch hoạt động với một số chức năng "na ná" như hoạt động công chứng, trong khi sản giao dịch với yêu cầu về năng lực, yêu cầu về chuyên môn về chứng chỉ được cấp sẽ không thể bảo đảm tính an toàn pháp lý cho người dân khi mua bán, chuyển nhượng bất động sản qua sàn.

Điều này còn chưa tính đến các sàn giao dịch bất động sản thời gian qua lập ra chủ yếu để bán bất động sản cho chính doanh nghiệp đã lập ra sàn đó. Vì vậy, không bảo đảm tính khách quan để bảo vệ quyền lợi chính đáng của người dân.

Bà Nguyễn Thị Nga cho rằng, so sánh nghiệp vụ của chủ thể hoạt động tại sàn giao dịch bất động sản với công chứng, thì các công chứng viên được đào tạo chính quy, bài bản với các yêu cầu gắt gao về chuẩn đầu vào/đầu ra chặt chẽ và cao hơn. Vì vậy, hoạt động của công chứng viên sẽ bảo đảm cao hơn so với nhân viên hoạt động tại sàn giao dịch bất động sản.

Không được tạo đặc quyền, đặc lợi cho sàn giao dịch bất động sản, đẩy rủi ro pháp lý cho người dân - Ảnh 2.

Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên VN: công chứng để bảo đảm an toàn pháp lý, quyền và lợi ích của hợp pháp của cá nhân, tổ chức - Ảnh: VGP/LS

"Bước lùi" tạo đặc quyền, đặc lợi cho các sàn giao dịch bất động sản?

Đồng quan điểm này, Chủ tịch Hiệp hội Công chứng viên Việt Nam Nguyễn Chí Thiện cho rằng, tại Điều 167 Luật Đất đai, Điều 122 Luật Nhà ở đều quy định đối với các hợp đồng, giao dịch liên quan đến chuyển dịch quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà như mua bán, tặng cho, góp vốn… bắt buộc phải công chứng, chứng thực để bảo đảm an toàn pháp lý, quyền và lợi ích của hợp pháp của cá nhân, tổ chức, bởi đây là nhóm hợp đồng, giao dịch chứa đựng nhiều rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào.

Tại khoản 2 Điều 17 Luật Kinh doanh bất động sản hiện hành quy định là hợp đồng kinh doanh bất động sản phải được lập thành văn bản.

Việc công chứng, chứng thực hợp đồng do các bên thỏa thuận, trừ hợp đồng mua bán, thuê mua nhà, công trình xây dựng, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất mà các bên là hộ gia đình, cá nhân quy định tại khoản 2 Điều 10 của luật này thì phải công chứng hoặc chứng thực.

Ông Nguyễn Chí Thiện cho rằng, quy định như vậy là chưa phù hợp với chủ trương phát triển thị trường bất động sản công khai, minh bạch, ổn định và bền vững. Đây có thể là "bước lùi" tạo đặc quyền, đặc lợi cho các sàn giao dịch bất động sản.

Quy định tại khoản 3, Điều 45 của dự thảo Luật Kinh doanh bất động sản hiện nay là chưa phù hợp. Nên quy định "hợp đồng kinh doanh bất động sản, hợp đồng kinh doanh dịch vụ bất động sản phải lập thành văn bản. Việc công chứng, chứng thực hợp đồng đối với hợp đồng kinh doanh bất động sản được thực hiện theo pháp luật về công chứng".

Quy định như vậy sẽ phân định rành mạch, phạm vi, ranh giới của Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng và các luật khác có liên quan. Luật Kinh doanh bất động sản điều chỉnh các vấn đề về kinh doanh bất động sản, Luật Công chứng điều chỉnh các vấn đề về công chứng.

Không được tạo đặc quyền, đặc lợi cho sàn giao dịch bất động sản, đẩy rủi ro pháp lý cho người dân - Ảnh 3.

GS.TS Phan Trung Lý: Không nên biến sàn giao dịch bất động sản làm thay cho công chứng, chứng thực - Ảnh: VGP/LS

Không nên biến sàn giao dịch bất động sản làm thay cho công chứng, chứng thực

Tại dự thảo của Luật Kinh doanh bất động sản quy định không bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với các giao dịch, mua bán, cho thuê mua nhà ở mà một bên tham gia giao dịch là doanh nghiệp kinh doanh bất động sản của dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) cũng sẽ tiềm ẩn nhiều rủi ro, tranh chấp có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không bảo đảm quyền và lợi ích của các bên tham gia giao dịch, không an toàn pháp lý, hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân.

Vì vậy, ông Thiện đề nghị, việc quy định không bắt buộc phải công chứng, chứng thực đối với các hợp đồng trong kinh doanh bất động sản rõ ràng không bảo đảm quyền và lợi ích cùa các bên và an toàn pháp lý, mà rủi ro nếu xảy ra thì người mua nhà thường là người yếu thế hơn so với các doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, một số đại biểu cũng cho rằng, quy định như trên cũng thể hiện sự không công bằng giữa các chủ thể khi tham gia giao dịch.

Cụ thể, đối với các cá nhân nhận chuyển nhượng, cho tặng, thừa kế bất động sản thì phải thực hiện công chứng, chứng thực hợp đồng, còn cá nhân giao dịch với tổ chức kinh doanh bất động sản là doanh nghiệp thì không phải công chứng, chứng thực là không công bằng, không bảo đảm pháp lý khi thực hiện giao dịch bất động sản.

GS.TS Phan Trung Lý, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội đề nghị ban soạn thảo và các cơ quan có liên quan cần rà soát lại hệ thống pháp luật, nhất là Luật Đất đai, Luật Kinh doanh BĐS, Luật Nhà ở, Luật Công chứng nhằm bảo đảm pháp lý, bảo vệ quyền tài sản, quyền con người và quyền công dân, bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp của pháp luật, tính công bằng giữa các chủ thể tham gia giao dịch bất động sản, cũng là bảo vệ bên yếu thế trong giao dịch bất động sản.

"Không nên biến sàn giao dịch bất động sản làm thay cho công chứng, chứng thực", GS.TS. Phan Trung Lý nói.

Lê Sơn