In bài viết

Chúng ta đã không để lạm phát 'thổi bay nồi cơm, túi tiền' của người dân, doanh nghiệp

07:56 - 31/05/2023

(Chinhphu.vn) – Trong bối cảnh bề bộn khó khăn của kinh tế toàn cầu, việc Việt Nam giữ được ổn định kinh tế vĩ mô, duy trì đà tăng trưởng, kiềm chế lạm phát, bảo đảm thu – chi,… là những kết quả rất đáng trân trọng.

Không để lạm phát "thổi bay nồi cơm, túi tiền" của người nghèo - Ảnh 1.

Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp". Ảnh VGP

Chiều 28/5, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức Tọa đàm trực tuyến với chủ đề "Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp" để thảo luận về các biện pháp tiếp tục ổn định và giúp thị trường hoạt động đúng khuôn khổ pháp luật, góp sức cho nền kinh tế.

Điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát

Trước tình hình thế giới biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều vấn đề phát sinh chưa có tiền lệ, vượt khỏi dự báo. Nhiều thách thức đặt ra cho các nước như suy thoái kinh tế, gia tăng lạm phát, mất an ninh năng lượng, an ninh lương thực toàn cầu… Các yếu tố bên ngoài, môi trường quốc tế ảnh hưởng ảnh hớn lớn tới nỗ lực ổn định vĩ mô cũng như quá trình phát triển kinh tế của đất nước.

Nêu quan điểm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương cho rằng: Qua thực tế diễn ra, có thể gói gọn về bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới năm 2022, những tháng đầu năm 2023 như sau: Khó khăn, thách thức nhiều hơn thuận lợi; biến động nhanh; rất khó lường, khó dự báo, có những thực tiễn xảy ra còn vượt quá dự báo và độ phức tạp của tình hình thế giới tác động đến các nền kinh tế.

Nền kinh tế nước ta có quy mô còn khiêm tốn trong khi độ mở lớn (gần 2 lần so với GDP). Như vậy, sự tác động của ngoại cảnh đối với kinh tế nước ta rất lớn. Cuối năm 2021 và năm 2022, chúng ta kỳ vọng là sau khi vượt qua dịch COVID-19, các nền kinh tế sẽ đến thời kỳ phục hồi mạnh mẽ. 

Tuy nhiên, thực tiễn không như dự báo, thậm chí có những yếu tố như những cuộc xung đột chính trị, tài chính - tiền tệ… đã làm chậm đi quá trình phục hồi, thậm chí đẩy nền kinh tế đến nguy cơ suy thoái.

Một số nhân tố trên thế giới ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế vĩ mô của các nước, trong đó yếu tố lạm phát là yếu tố lớn, xuất phát từ Mỹ, châu Âu, tác động lan toả trên toàn cầu. 

Nhiều nước phải bung ra các giải pháp ứng phó với tình hình lạm phát gia tăng, đặc biệt là giải pháp tài khoá, tiền tệ. 

Fed liên tục tăng mức lãi suất ở biên độ lớn, các ngân hàng Trung ương của châu Âu và các nền kinh tế lớn đều có động thái tăng mạnh lãi suất để kiềm chế lạm phát. Các giải pháp nêu trên khiến chúng ta phải đối mặt với giảm sút về tăng trưởng kinh tế.

Mặc dù trong bối cảnh khó khăn, nhưng kết quả điều hành kinh tế vĩ mô và tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn, kiểm soát lạm phát của nền kinh tế nước ta vẫn đạt được kết quả đáng khích lệ. 

Qua nhận xét của các chuyên gia và cơ quan quản lý Nhà nước về kinh tế vĩ mô, điều quan trọng nhất chúng ta đạt được chính là giữ ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát dưới mục tiêu Quốc hội giao, cũng như đảm bảo các cân đối lớn, điều hành giải pháp tiền tệ, tài khoá ở mức hợp lý. Đơn cử như vấn đề tỉ giá, lãi suất, chúng ta có điều chỉnh nhưng ở biên độ phù hợp, không tạo ra các cú sốc lớn với kinh tế vĩ mô.

Không để lạm phát "thổi bay nồi cơm, túi tiền" của người nghèo - Ảnh 2.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương: Kết quả kiểm soát lạm phát là rất đáng ghi nhận!

Khó khăn còn rất lớn, nhưng chúng ta có thể tin tưởng

Bên cạnh đó, chúng ta vẫn phải tiếp tục đối diện với áp lực gia tăng từ bên ngoài và phải tìm cách vượt qua trong thời gian tới, như: Cầu thế giới giảm mạnh; lĩnh vực sản xuất chế biến, chế tạo và một vài lĩnh vực động lực bị ảnh hưởng nặng nề; thiếu đơn hàng, thu hẹp sản xuất… Đó là khó khăn trước mắt chúng ta phải đối diện từ nay đến cuối năm.

Để so sánh với các nước trên thế giới và khu vực, qua các con số tổng hợp – thống kê, bối cảnh vĩ mô của chúng ta vẫn ở mức khá tích cực. 

Ví dụ như sau khi hết quý I, tốc độ tăng trưởng GDP nước ta đạt 3,32%, trong khi các đối tác chính, nền kinh tế lớn có tốc độ tăng trưởng thấp như Mỹ đạt 1,6%; EU đạt 1,3%; Nhật đạt 1,3%; Hàn Quốc đạt 0,8%. 

Khi tăng trưởng thấp, cầu tiêu dùng của những nền kinh tế này cũng giảm theo, dẫn tới đơn hàng của doanh nghiệp và sản phẩm đầu ra của chúng ta bị ảnh hưởng. Trong quý I/2023, tăng trưởng của lĩnh vực chế biến, chế tạo giảm đáng kể.

Nhưng mức tăng trưởng 3,32% so với dự báo của World Bank và IMF trong năm 2023 là hơn 2% cho thấy chúng ta vẫn ở mức khá tích cực, tạo tiền đề để phấn đấu trong các tháng cuối năm.

Bên cạnh đó, sau 4 tháng, chúng ta đạt chỉ số lạm phát dưới 4% theo chỉ tiêu Quốc hội đề ra. Các nền kinh tế khác đều ở mức khá cao như: Singapore (5,5%); Indonesia (khoảng 5%), Eu (khoảng 7%); Mỹ (khoảng 5%). Đây là các nền kinh tế đối tác của chúng ta và họ đều đang chống đỡ với tình trạng lạm phát gia tăng. 

Với phân tích như vậy, chúng ta hoàn toàn có cơ sở để tin tưởng vào các chính sách, điều hành của chúng ta từ năm ngoái cũng như đầu năm này để đạt mục tiêu đã đề ra. 

Kết quả kiểm soát lạm phát là rất đáng ghi nhận!

Theo Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Trần Quốc Phương, về tầm quan trọng của lạm phát, chúng ta có thể nhìn nhận một cách dễ dàng, cả ở khía cạnh lý luận lẫn khía cạnh thực tiễn. 

Ông nhấn mạnh 2 ý về thực tiễn: Thứ nhất, trong quá khứ, chúng ta cũng từng chứng kiến những lúc phải gánh chịu hậu quả của lạm phát cao như những năm 80, 90 của thế kỷ trước hay là giai đoạn 2008-2011 với sự tác động của khủng hoảng kinh tế thế giới. 

Với tác động của lạm phát như vậy, đúng như vấn đề đã đặt ra là chúng ta sẽ mất rất nhiều thời gian cũng như nguồn lực để khắc phục được hậu quả của nó, cũng như là quay trở lại trạng thái phát triển kinh tế tốt. 

Hậu quả để lại rất nặng nề, tăng trưởng bị suy giảm, thậm chí là suy thoái, cho đến đời sống của người dân bị ảnh hưởng rất nhiều, rồi thất nghiệp, đói nghèo, kể cả việc phá hoạt tài nguyên môi trường. Tất cả những hệ lụy đó chúng ta có thể phân tích được do lạm phát gây ra.

Thứ hai, hiện nay xã hội rất quan tâm đến vấn đề lạm phát. Người dân cũng đã hiểu được rằng lạm phát đánh thẳng vào nồi cơm của gia đình họ, đánh thẳng vào túi tiền của họ. Do vậy, họ rất quan tâm đến vấn đề làm sao kiểm soát lạm phát, vì một khi lạm phát gia tăng, câu chuyện cuộc sống bị đảo lộn, chi tiêu, chi phí tăng lên rất nhiều và sẽ ảnh hưởng đến cuộc sống. Chính vì lẽ đó mà tầm quan trọng của việc kiểm soát lạm phát ngày càng được đặt ở vị trí trọng tâm cao hơn.

Thứ trưởng Trần Quốc Phương nhấn mạnh, kết quả kiểm soát lạm phát của chúng ta trong thời gian qua rất đáng ghi nhận, đặc biệt là trong chính sách điều hành kiểm soát giá,… 

TỔNG THUẬT: Tọa đàm 'Ổn định kinh tế vĩ mô và phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp'