In bài viết

Khởi tố Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng; kế toán Chi cục Thi hành án

11:57 - 07/07/2023

(Chinhphu.vn) - Cơ quan Công an khởi tố vụ án, bắt tạm giam Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đạ Huoai, Lâm Đồng và Phó Giám đốc chi nhánh một ngân hàng ở Bình Dương.

Khởi tố Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng; kế toán Chi cục Thi hành án - Ảnh 1.

Cơ quan Cảnh sát điều tra thực hiện lệnh bắt tạm giam bà Trần Thị Phương Trang.

Khởi tố, bắt giam kế toán Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Trọng

Công an tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt giam kế toán Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Trọng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Ngày 6/7, sau khi được Viện KSND tỉnh Lâm Đồng phê chuẩn, Công an tỉnh Lâm Đồng đã thực hiện lệnh khởi tố bị can, bắt giam bà Trần Thị Phương Trang - kế toán Chi cục Thi hành án dân sự huyện Đức Trọng để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo lãnh đạo Cục Thi hành án dân sự tỉnh Lâm Đồng, bà Trang bị Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng khởi tố, bắt tạm giam để điều tra hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Trước đó, bà Trang đã thực hiện hành vi vay mượn tiền, mua bán tài sản diễn ra ngoài cơ quan Thi hành án huyện huyện Đức Trọng và bị người dân gởi đơn tố cáo.

Sau khi vào cuộc, Cơ quan điều tra Công an tỉnh Lâm Đồng xác định hành vi của bà Trang có dấu hiệu tội phạm hình sự, nên khởi tố vụ án, khởi tố bị can và bắt tạm giam để điều tra làm rõ. 

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai - Ảnh 1.

Công an huyện Bảo Lâm đọc quyết định khởi tố và bắt giam đối với ông Vũ Chí Hữu (bìa phải)

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai huyện Đạ Huoai 

Chiều 5/7, Công an huyện Bảo Lâm có mặt tại nhà riêng để tống đạt các quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh bắt tạm giam ông Vũ Chí Hữu - Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Đạ Huoai (Văn phòng Đăng ký đất đai tỉnh Lâm Đồng) để điều tra tội nhận hối lộ liên quan đến đất đai.

Cùng với đó, lúc 17 giờ 30 phút cùng ngày, Công an huyện Bảo Lâm và Viện Kiểm sát Nhân dân cùng cấp đã tiến hành khám xét nhà riêng của ông Vũ Chí Hữu trên đường Huỳnh Thúc Kháng, Phường 2, TP Bảo Lộc.

Ông Hữu bị khởi tố vì những sai phạm trên lĩnh vực đất đai trong giai đoạn làm Giám đốc Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm. Trong thời gian này, ông Hữu đã cấu kết với ông Tạ Duy Phước (39 tuổi, ngụ Phường 2, TP Bảo Lộc) là cán bộ phụ trách đo đạc thuộc chi nhánh của đơn vị này để làm sai lệch nhiều hồ sơ đăng ký tách thửa, biến động trong cấp đổi và cập nhật đường giao thông. 

Trong quá trình này, ông Hữu đã nhận hối lộ của một số người dân đến thực hiện các thủ tục liên quan đến đất đai.

Trước đó, chiều ngày 18/4, Công an huyện Bảo Lâm đã công bố quyết định khởi tố bị can, khám xét chỗ ở và nơi làm việc của ông Tạ Duy Phước (39 tuổi, ngụ Phường 2, TP Bảo Lộc) là cán bộ Chi nhánh Văn phòng Đăng ký Bảo Lâm để điều tra hành vi giả mạo trong công tác.

Theo điều tra, trong quá trình công tác tại chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai huyện Bảo Lâm, ông Phước đã lợi dụng chức vụ để làm sai lệch hồ sơ đăng ký tách thửa, biến động trong cấp đổi và cập nhật đường giao thông.

Liên quan đến vụ án này, trước đó, sau quá trình điều tra, làm rõ, Công an huyện Bảo Lâm đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lê Văn Sáng (44 tuổi, ngụ quận Hoàng Mai, TP Hà Nội) và ông Đỗ Ngọc Châu (38 tuổi, ngụ huyện Thường Tín, TP Hà Nội) và Lương Công Vũ (38 tuổi, ngụ thị trấn Lộc Thắng, huyện Bảo Lâm, là cán bộ địa chính thị trấn Lộc Thắng). Cả 3 người này đều bị Công an huyện Bảo Lâm bắt tạm giam 3 tháng để điều tra hành vi nhận hối lộ.

Thông tin từ Công an huyện Bảo Lâm, trong quá trình thực hiện công tác đo vẽ để cập nhật, chỉnh lý bản đồ sử dụng và quản lý đất đai cũng như các hồ sơ biến động ở huyện Bảo Lâm, các bị can Sáng, Châu đã câu kết với Vũ để làm sai lệch hồ sơ địa chính, cập nhật biến động hồ sơ đất sai quy định.

Khởi tố, bắt tạm giam Giám đốc Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Phó Giám đốc chi nhánh ngân hàng - Ảnh 2.

Bị can Trần Viết Kiều. Ảnh TTXVN

Khởi tố, bắt tạm giam Phó Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng làm giả giấy tờ

Ngày 5/7, Công an tỉnh Bình Dương cho biết đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành lệnh khởi tố, bắt bị can để tạm giam và khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với Trần Viết Kiều (sinh năm 1980, thường trú Thành phố Hồ Chí Minh) là Phó Giám đốc Chi nhánh một ngân hàng trên địa bàn tỉnh để điều tra về hành vi Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức.

Qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an các đơn vị, địa phương phát hiện nhóm đối tượng có hành vi cấu kết nhân viên ngân hàng tìm kiếm các khách hàng cá nhân có nhu cầu vay số tiền lớn trong thời gian ngắn để đáo hạn ngân hàng.

Nhân viên ngân hàng giả vờ tiếp nhận hồ sơ và đồng ý giải ngân trước một phần tiền nhưng thực chất là chuyển tiền từ các đối tượng cho vay sang cho họ. Sau một thời gian, nhân viên ngân hàng thông báo hồ sơ vay ngân hàng không thể thực hiện được, yêu cầu cá nhân phải trả nợ gốc và tiền lãi từ 0,4 - 0,5%/ngày.

Trường hợp các cá nhân không trả tiền nợ gốc và lãi, nhóm đối tượng đến nhà ép buộc cá nhân viết giấy nợ và chiếm đoạt các tài sản khác của họ để cấn trừ nợ.

Hoạt động của nhóm đối tượng gây bức xúc trong quần chúng nhân dân. Bên cạnh đó, nhân viên ngân hàng còn sử dụng thủ đoạn làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của cá nhân để đưa vào ngân hàng làm thủ tục vay vốn.

Qua điều tra ban đầu, Trần Viết Kiều khai nhận đã cùng đồng bọn thực hiện hành vi làm giả ba giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của các cá nhân với mục đích làm thủ tục vay vốn tại ngân hàng nhưng chưa kịp vay, đã bị cơ quan Công an phát hiện.

Trước đó, Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương phối hợp với Công an thành phố Thuận An và các đơn vị chức năng khám xét nơi ở của một số đối tượng có liên quan, thu giữ nhiều tài liệu thể hiện hoạt động cho vay lãi nặng và cưỡng đoạt tài sản. Nhóm đối tượng nêu trên cho vay nhiều tỷ đồng, thu lợi bất chính số tiền rất lớn.

Phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Bình Dương tiếp tục điều tra, làm rõ hành vi cho vay lãi nặng, cưỡng đoạt tài sản và các hành vi vi phạm pháp luật khác của nhóm đối tượng để xử lý theo đúng quy định của pháp luật.

Khởi tố 3 bị can về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ

Ngày 6/7, Công an thành phố Cao Bằng cho biết, vừa khởi tố vụ án, khởi tố bị can đối với 3 đối tượng gồm: Bùi Văn Hiệp (sinh năm 1975, trú tại tổ 9, phường Sông Hiến), Tuấn Hoàng (sinh năm 1990, trú tại tổ 7, phường Ngọc Xuân); Nông Thu Hương (sinh năm 1977, trú tại tổ 7, phường Hợp Giang) vì hành vi Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ.

Những sai phạm của 3 đối tượng trên xảy ra trong thời gian Bùi Văn Hiệp còn là Chủ tịch UBND phường Sông Bằng, kiêm Tổ trưởng Tổ quản lý chợ tạm Sông Bằng; Đặng Tuấn Hoàng và Nông Thu Hương đều là công chức địa chính phường Sông Bằng, kiêm thành viên Tổ quản lý chợ tạm Sông Bằng.

Quá trình điều tra, Cơ quan Công an thành phố Cao Bằng phát hiện, trong thời gian công tác tại Tổ quản lý chợ tạm Sông Bằng, từ tháng 11/2020 đến đầu tháng 7/2023, ba đối tượng trên đã vi phạm các quy định trong công tác quản lý nhà nước, không thực hiện đúng theo các chủ trương mà chính quyền địa phương đã ban hành, vi phạm nguyên tắc quản lý tài chính, gây thất thoát tài sản của Nhà nước.

Ngày 5/7/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố đã thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Bùi Văn Hiệp, đồng thời áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Đặng Tuấn Hoàng và Nông Thu Hương.

Vụ án đang được Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an thành phố Cao Bằng tiếp tục điều tra làm rõ.

Bộ Công an khuyến cáo người dân thận trọng trước khi ký kết hợp đồng “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”

Theo Cổng TTĐT Bộ Công an, hoạt động mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” (Timeshare) đã xuất hiện từ lâu và phổ biến trên thế giới. Thời gian gần đây, mô hình này được triển khai tương đối phổ biến tại Việt Nam, trong quá trình hoạt động, một số công ty đã đưa ra nhiều chiêu thức để mời chào khách hàng, lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết, nhắm vào tâm lý thích được tặng quà…của người dân để lừa đảo, trục lợi.

Mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là mô hình du lịch cung cấp dịch vụ mua trước quyền nghỉ dưỡng tại một hoặc một số khách sạn, khu resort trong khoảng thời gian nhất định (thường là 07 ngày/1 năm) theo mùa hoặc liên tục trong nhiều năm liền tùy theo thỏa thuận ký kết giữa các bên.

Mô hình này được triển khai tại Việt Nam và thu hút sự quan tâm của dư luận, thậm chí được giới thiệu như một giải pháp kích cầu du lịch với các ưu điểm so với du lịch thông thường, như: Chi phí tiết kiệm hơn, chỉ vài trăm nghìn đồng/đêm nghỉ tại khách sạn cao cấp bất kỳ trong hệ thống bất động sản doanh nghiệp, tiết kiệm 70% so với việc mua kỳ nghỉ thông thường; các dịch vụ tiện nghi được cung cấp nhiều hơn và hoàn toàn miễn phí; khách hàng có toàn quyền sử dụng và quyết định đối với gói lưu trú mình đang sở hữu, bao gồm trao đổi, mua bán, cho thuê… khi không có nhu cầu sử dụng, coi đây là một kênh đầu tư sinh lợi nhuận.

Thời điểm hiện tại đang là cao điểm mùa du lịch hè, nhu cầu nghỉ dưỡng, nghỉ mát của người dân tăng cao, một số doanh nghiệp, chủ đầu tư, tư vấn viên bán sản phẩm dịch vụ chủ động gọi điện thoại thông báo chương trình “tri ân khách hàng”, với những lời mời chào hấp dẫn, đưa ra chính sách khuyến mãi, chiết khấu hấp dẫn, tặng voucher ưu đãi… để lôi kéo người dân tham gia. 

Ngay khi tư vấn thành công, họ đưa hợp đồng cho khách hàng ký trong khoảng thời gian nhanh chóng. Trong khi hợp đồng với số lượng lớn trang giấy A4 nên nhiều người không đọc kỹ hoặc không hiểu rõ, ký các điều khoản không rõ ràng, trong hợp đồng “cài” nhiều điều khoản bảo vệ lợi ích đơn phương cho bên cung cấp dịch vụ, gây bất lợi cho khách hàng… gây khó khăn cho cơ quan chức năng trong việc xác định dấu hiệu tội phạm và bảo vệ nạn nhân khi xảy ra tranh chấp, khiếu nại.

Thời gian qua, cơ quan Công an nhận được nhiều đơn của người dân khiếu nại, tố giác một số công ty kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” về việc tham gia hợp đồng chia sẻ kỳ nghỉ nhưng không được hưởng đúng quyền lợi như bên cung cấp dịch vụ đã cam kết hoặc quảng cáo, phát sinh thêm nhiều chi phí; khách hàng không thể bán lại cho người khác cũng như không thể đòi lại được tiền…

Trước tình hình trên, Bộ Công an khuyến cáo người dân:

Nâng cao cảnh giác với hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, tìm hiểu kỹ về tư cách pháp lý và khả năng cung ứng dịch vụ của doanh nghiệp trước khi mua gói dịch vụ “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”.

Nghiên cứu kỹ hợp đồng trước khi ký kết, đặc biệt chú ý đến các điều khoản liên quan đến quyền lợi của khách hàng, trách nhiệm của doanh nghiệp, giá trị hợp đồng và các loại chi phí liên quan, cũng như điều khoản chấm dứt hợp đồng và xử lý vi phạm.

Người dân cần kịp thời phản ánh, tố giác đến cơ quan Công an các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân lợi dụng hoạt động “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” để thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật.

Đề nghị cơ quan chức năng có liên quan tăng cường công tác quản lý nhà nước, tiến hành kiểm tra, giám sát hoạt động của các tổ chức, doanh nghiệp kinh doanh “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền và lợi ích chính đáng của người dân.

Khi tham gia mô hình “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch”, khách hàng sẽ đối mặt với một số rủi ro:

Hầu hết hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng không có trong danh mục hàng hóa, dịch vụ thiết yếu phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung theo Quyết định số 01/2012/QĐ-TTg ngày 13/01/2012 của Thủ tướng Chính phủ. 

Vì vậy, việc kiểm soát các hợp đồng kinh doanh loại này gặp rất nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, hợp đồng mua bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” là hợp đồng dài hạn (có thể kéo dài hàng chục năm), khách hàng phải trả số tiền lớn (từ vài trăm triệu đến hàng tỷ đồng) ngay từ đầu khi chưa biết rõ khả năng và hiệu quả sử dụng dịch vụ trong tương lai.

Tại thời điểm ký hợp đồng sở hữu kỳ nghỉ, có thể các căn hộ, khách sạn nghỉ dưỡng mới chỉ nằm trên dự án, chưa được xây dựng. Bên bán “Sở hữu kỳ nghỉ du lịch” có thể không sở hữu bất kỳ khu dự án hoặc khách sạn nào; chỉ là đơn vị trung gian hợp tác với chủ sở hữu dự án/khách sạn để bán dịch vụ cho khách hàng. Do đó, khi xảy ra vướng mắc, khiếu nại trong quá trình sử dụng dịch vụ, bên bán khó đảm bảo được quyền lợi cho khách hàng.

Đối với khách hàng đầu tư vào mô hình sở hữu kỳ nghỉ để bán lại hưởng lợi nhuận, việc chuyển nhượng thành công kỳ nghỉ cho người khác phụ thuộc nhiều vào yếu tố thị trường, cũng như các điều khoản liên quan đến chuyển nhượng được ký kết với doanh nghiệp cung cấp dịch vụ. Nhiều khách hàng sau khi mua dịch vụ sở hữu kỳ nghỉ không thể bán lại cho người khác do không có người mua hoặc chi phí chuyển nhượng quá cao.

Bộ Công an truy tìm các tổ chức, cá nhân đã nhận được tài liệu bị làm giả

Ngày 05/7/2023, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an có thông báo về việc truy tìm các tổ chức, cá nhân đã nhận được tài liệu bị làm giả lấy danh nghĩa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam để phục vụ công tác điều tra, xác minh.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đang thụ lý điều tra, xác minh nguồn tin về tội phạm liên quan đến hành vi “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan tổ chức”, nội dung vụ việc: Các đối tượng đã lấy danh nghĩa Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam làm giả Công văn số 134/TƯHCTĐ về “Thư kêu gọi ủng hộ Tháng Nhân đạo cấp quốc gia năm 2023” đề ngày 12/5/2023 để gửi đến các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân nhằm ủng hộ tiền nhân kỷ niệm 160 năm ra đời của Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam.

Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đề nghị các cơ quan, doanh nghiệp, cá nhân đã nhận được Công văn giả số 134/TUHCTĐ nêu trên gửi thông tin, tài liệu gốc (Công văn giả số 134/TUHCTĐ có dấu đỏ hình tròn đề Trung ương Hội Chữ thập đỏ Việt Nam) về Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an, số 7 Nguyễn Đình Chiểu, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội để phục vụ công tác điều tra, xác minh.