In bài viết

Khẩn thiết đề nghị tăng lương tối thiểu vùng

18:28 - 17/05/2023

(Chinhphu.vn) - Người lao động khẩn thiết đề nghị điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và có chính sách bình ổn giá cả thị trường nhằm đảm bảo mức sống cơ bản hiện nay; kiến nghị Quốc hội sớm nghiên cứu thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm; xây dựng chính sách tiền lương tối thiểu vùng hướng tới lương đủ sống, có tích lũy.

Khẩn thiết đề nghị tăng lương tối thiểu vùng; sớm thực hiện trả lương theo vị trí việc làm - Ảnh 1.

Ngày 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định đã tiếp xúc cử tri là đoàn viên, người lao động trên địa bàn tỉnh.

Các cử tri là công nhân, người lao động rất phấn khởi, bày tỏ sự tin tưởng, đồng thuận cao với các chính sách, đường lối của Đảng, Nhà nước khi kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, đảm bảo an sinh xã hội, giữ vững trật tự an ninh xã hội; quan tâm thực hiện đầy đủ chế độ, môi trường làm việc, nhất là khi đại dịch COVID-19 bùng phát, qua đó, phát huy được sự chung sức, đồng lòng của cả hệ thống chính trị.

Theo TTXVN, buổi tiếp xúc có 23 ý kiến, 28 vấn đề được các cử tri nêu ra liên quan đến hoạt động Công đoàn, quyền và lợi ích của đoàn viên Công đoàn, một số vấn đề kinh tế - xã hội hiện nay ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống, sinh hoạt của công nhân, người lao động.

Chị Trang Thanh Vy (làm việc tại Siêu thị Go Quy Nhơn, thành phố Quy Nhơn) phản ánh, hiện tại chưa có quy định cụ thể nào về đơn giá bữa ăn ca nên nhiều doanh nghiệp tổ chức ăn ca chưa đảm bảo nhu cầu dinh dưỡng tối thiểu. 

Cử tri đề nghị các đại biểu Quốc hội nghiên cứu góp ý để có quy định theo hướng ăn ca là một chế độ của người lao động được hưởng và có sự thống nhất về mức ăn ca để bảo đảm dinh dưỡng (quy định gắn với mức tiền lương tối thiểu vùng).

Xây dựng chính sách tiền lương tối thiểu vùng hướng tới lương đủ sống, có tích lũy

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Định thông tin, tại một số doanh nghiệp, công nhân lao động gặp nhiều khó khăn do doanh nghiệp không có đơn hàng, giảm giờ làm kéo theo công nhân làm việc không ổn định, ngày làm hàng tháng không đủ, thu nhập giảm đáng kể trong khi giá cả các mặt hàng thiết yếu tăng (điện, xăng dầu, thức ăn…).

Trước tình trạng đó, người lao động khẩn thiết đề nghị điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng và có chính sách bình ổn giá cả thị trường nhằm đảm bảo mức sống cơ bản hiện nay.

Cùng với đó, người lao động mong muốn được đào tạo nghề, tiếp cận với công nghệ hiện đại để có cơ hội làm việc ở doanh nghiệp thu nhập tốt hơn.

Ngoài ra, cách thức trả lương hiện nay không đánh giá được đúng năng lực, vị trí của người làm; không tạo động lực cống hiến cho những người thật sự có tài, cũng như không khuyến khích, thu hút được những người giỏi về công tác cho nên người lao động kiến nghị Quốc hội sớm nghiên cứu thực hiện việc trả lương theo vị trí việc làm (Nghị quyết số 27-NQ/TW); xây dựng chính sách tiền lương tối thiểu vùng hướng tới lương đủ sống, có tích lũy.

Một số vấn đề như "tín dụng đen", nhà ở xã hội, chế độ Bảo hiểm xã hội, Luật An ninh mạng, Luật Đất đai (sửa đổi)… cũng được đại diện công nhân, người lao động đề cập đến.

Tập hợp ý kiến, đề xuất tăng lương tối thiểu vùng

Sau khi lắng nghe các ý kiến của cử tri công nhân, ông Lê Kim Toàn, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bình Định ghi nhận, tiếp thu những ý kiến, kiến nghị và cho biết sẽ trình Quốc hội, các bộ, ngành liên quan; yêu cầu lãnh đạo Liên đoàn Lao động tỉnh, các sở, ngành của tỉnh theo thẩm quyền giải đáp thắc mắc, làm rõ những vấn đề cử tri đang quan tâm cũng như trình bày những giải pháp, chủ trương về quan tâm phát triển nhà ở xã hội, xem xét hoán đổi năm đóng bảo hiểm xã hội thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu để đảm bảo quyền lợi cho người lao động…

Đối với kiến nghị, sớm điều chỉnh tăng lương tối thiểu vùng đảm bảo mức sống cơ bản cho người lao động, đồng chí Lê Kim Toàn đề nghị các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với cơ quan Trung ương tập hợp ý kiến và có đề xuất điều chỉnh mức lương tối thiểu vùng trong đó có tỉnh Bình Định một cách hợp lý, phù hợp với mức sống, thu nhập, tình hình phát triển của tỉnh so với các địa phương khác.

Đối với mong muốn của người lao động được đào tạo nghề, tiếp cận với công nghệ hiện đại để có cơ hội làm việc ở doanh nghiệp có thu nhập tốt hơn, đồng chí Lê Kim Toàn đề nghị các sở, ban, ngành liên quan rà soát lại chính sách hỗ trợ dạy nghề, phục vụ nhu cầu phát triển KT-XH tỉnh, hỗ trợ thêm cho người lao động khi đi học nghề….

Kiến nghị nới lỏng hạn mức tín dụng; ưu đãi lãi suất đổi với doanh nghiệp nông sản

Ngày 16/5, Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Long An đã có buổi tiếp xúc chuyên đề trước Kỳ họp thứ 5 (Quốc hội khóa XV) với UBND tỉnh và các sở, ngành địa phương.

Tại buổi tiếp xúc, Đoàn đại biểu Quốc hội đã nghe UBND tỉnh và đại diện các sở, ngành báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội và nêu ý kiến về các khó khăn, vướng mắc tại địa phương; đề xuất, kiến nghị với Quốc hội, Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương về việc sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách pháp luật.

Theo đó, Long An kiến nghị Quốc hội xem xét điều chỉnh một số điều khoản của Luật Đấu thầu, Luật Đất đai, Luật Đầu tư, Luật Đầu tư công; sớm ban hành Luật Bảo hiểm xã hội sửa đổi...

Đồng thời, cần có chính sách nới lỏng hạn mức tín dụng, tăng vốn tín dụng đối với các doanh nghiệp xuất khẩu nông sản để hỗ trợ xuất khẩu; hỗ trợ lãi suất ưu đãi đối với các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản.

Tỉnh cũng kiến nghị Chính phủ cho phép địa phương thực hiện một số cơ chế đặc thù trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng nhằm tạo điều kiện cho người dân có đất bị thu hồi sớm ổn định cuộc sống và đẩy nhanh công tác giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội.

Chính phủ và các bộ, ngành sớm bố trí vốn thực hiện một số dự án đầu tư công trên địa bàn như: đầu tư trạm y tế tuyến xã; nâng cấp, mở rộng Quốc lộ 62...; sớm thẩm định, phê duyệt dự án Nhà máy điện LNG Long An; cập nhật Cảng quốc tế Long An vào danh sách các cảng làm hàng quá cảnh...

Phát biểu tại buổi tiếp xúc, ông Nguyễn Thanh Hải, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh cho rằng, ý kiến, đề xuất, kiến nghị của các sở, ngành là trách nhiệm, khách quan, phù hợp với điều kiện đặc thù của địa phương và phục vụ đắc lực cho nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh sẽ tiếp thu các ý kiến, tổng hợp để tiếp tục xem xét, lựa chọn trình Quốc hội và các cơ quan liên quan xem xét, giải quyết./.