In bài viết

Học dân, hỏi dân để chính sách, pháp luật gần với người dân hơn, sát hơn với thực tế

17:12 - 27/06/2022

(Chinhphu.vn) - Việc Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa vào vận hành chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn với nhiều chuyên mục hữu ích chính là hiện thực hóa lời dạy của Bác: "Chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng". Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là kênh truyền thông hai chiều, đưa chính sách gần hơn với người dân, sát hơn với thực tế.

Đưa chính sách, pháp luật gần với người dân hơn

Bày tỏ quan điểm về sự kiện Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa vào vận hành chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn, bà Trần Kim Dung, một người dân luôn quan tâm tới việc xây dựng, thực thi chính sách, sống tại Quận 7 (TPHCM) chia sẻ, công tác xây dựng thể chế, pháp luật luôn được Đảng, Nhà nước xác định là một trong ba khâu đột phá chiến lược. Trên thực tế, ngay khi được kiện toàn (tháng 4/2021), Chính phủ đã tập trung ngay cho công tác xây dựng chính sách, pháp luật, coi đó là công tác trọng tâm và có những giải pháp cụ thể.

Tôi cho rằng, là cơ quan truyền thông chủ lực của nhà nước, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ, Báo Chính phủ phải là các đơn vị đi đầu trong thực hiện các chủ trương này cùng một số cơ quan báo chí chủ lực. Những năm gần đây, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Báo điện tử Chính phủ đã có những chuyển biến đáng kể về nghiệp vụ, về nội dung, về ứng dụng thành tựu của thời đại 4.0… Sâu sát hơn với người dân.

Tuy nhiên, để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao, ngày càng đa dạng của người dân, đáp ứng yêu cầu về xây dựng chính sách, không né tránh những vấn đề nhạy cảm nhưng bức thiết… để thực hiện tốt nhiệm vụ được Thủ tướng Chính phủ giao, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ vẫn cần có sự đổi mới mạnh mẽ, nâng cao hơn nữa chất lượng truyền thông xây dựng pháp luật.

Tin rằng việc Cổng thông tin điện tử Chính phủ đưa vào vận hành chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn với nhiều chuyên mục hữu ích sẽ thu hút sự quan tâm của độc giả cả trong và ngoài nước. Người dân và doanh nghiệp kỳ vọng đây sẽ là kênh truyền thông hai chiều, đưa chính sách gần hơn với người dân, sát hơn với thực tế; mong muốn chuyên trang sẽ tuyên truyền kịp thời, chính xác, sâu rộng các chính sách của Đảng và Nhà nước, nhất là những chính sách liên quan đến đời sống của người dân, doanh nghiệp.

Hy vọng diễn đàn này sẽ trở thành "Cuốn cẩm nang luật pháp" cho mỗi người dân

Bà Trương Thị Hằng Nga (cán bộ hưu trí) cho rằng việc ra đời chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn là một sự kiện có ý nghĩa, đáp ứng các nhu cầu chính đáng của người dân. Trong đó, có nhu cầu cấp bách được tiếp cận các thông tin về chính sách, pháp luật, đặc biệt là được trực tiếp tham gia góp ý, phát biểu ý kiến trong quá trình đề xuất các chính sách. 

"Với những mục tiêu mà chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn đặt ra, với những nội dung ban đầu mà chúng tôi được giới thiệu… một cán bộ nhà nước đã về hưu như tôi rất mừng vì có điều kiện nghiên cứu, tham khảo nhanh chóng, thuận tiện thông tin qua mạng. Khi còn làm việc, chúng tôi có rất nhiều điều kiện để cập nhật thông tin, nhất là thông tin về luật pháp. Có tài liệu tham khảo, có các loại báo chí đọc, có các cuộc họp chuyên đề để trao đổi… Đối tượng cán bộ, công nhân viên hưu trí như chúng tôi không ít, nhu cầu biết thông tin pháp luật thì nhiều và đa dạng", bà Nga nói.

Qua chuyên trang này, người dân được trực tiếp theo dõi, cập nhật thông tin chính xác, nhanh chóng về chính sách, pháp luật hiện hành hoặc đang dự kiến được thông qua trên các trang thông tin của các cơ quan ngôn luận uy tín của Chính phủ. Điều này không chỉ là được tiếp cận nguồn thông tin uy tín và tin cậy. Trên trang này, người dân còn có diễn đàn nêu ý kiến đóng góp, trao đổi, bàn bạc trong xây dựng  và thực thi chính sách, pháp luật. Có nghĩa là thực thi quyền dân chủ. Như vậy, việc tìm hiểu, cân nhắc, nêu ý kiến đề xuất và giám sát việc triển khai các chính sách, pháp luật vừa là quyền lợi, vừa là nghĩa vụ của mỗi công dân.

"Chúng tôi mong muốn diễn đàn này sẽ trở thành cuốn cẩm nang pháp luật không thể thiếu cho mọi lứa tuổi, mọi thành phần xã hội. Đó là nhu cầu cuộc sống. Từ góc độ người dân, chúng ta cũng cần tích cực tham gia đóng góp, tìm hiểu kiến thức luật pháp. Đó cũng là để được thụ hưởng những lợi ích thiết thực mà các chính sách đúng đắn mang lại và cùng nhau xây dựng một xã hội công bằng, văn minh", bà Nga chia sẻ.

Học dân, hỏi dân trước khi ban hành chính sách

Nhà báo Vũ Ngọc Lân, nguyên Phó Tổng biên tập Tạp chí Dân vận đánh giá cao việc Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 407/QĐ-TTg về việc phê duyệt Đề án "Tổ chức truyền thông chính sách có tác động lớn đến xã hội trong quá trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật giai đoạn 2022-2027". 

Theo ông, việc Cổng thông tin điện tử Chính phủ và một số cơ quan báo chí chủ lực được giao nhiệm vụ xây dựng chuyên mục, chiến dịch truyền thông dự thảo chính sách đối với nhân dân, doanh nghiệp thể hiện sự tin tưởng vào các cơ quan truyền thông này. Điều này cho thấy, Chính phủ đã đánh giá đúng và tin tưởng giao phó trọng trách đó cho báo chí, cho Cổng thông tin Chính phủ.

Ra đời chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn trong một thời gian chuẩn bị không nhiều đòi hỏi sự cố gắng rất lớn của đội ngũ cán bộ, phóng viên. Đồng thời, cũng cho thấy khả năng và sự vững vàng của cơ quan ngôn luận của Chính phủ trong hiện thực hóa quan điểm "lấy dân làm gốc".

Kể từ khi bản Hiến pháp đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời (năm 1946).  Trong 76 năm, chúng ta đã đạt nhiều thành tựu về ban hành và thực thi pháp luật. Đồng thời, cũng còn những hạn chế, bất cập. Có Luật ban hành, chưa thi hành đã vấp phải sự phản ứng của người dân. Thí dụ như  Điều 60 của Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Những sai sót như vậy đã được Bác Hồ chỉ ra trong tác phẩm "Sửa đối lối làm việc" xuất bản năm 1947. Bác nói rằng: "Chúng ta phải học dân chúng, phải hỏi dân chúng, phải hiểu dân chúng". Do đó, việc ra đời chuyên trang xaydungchinhsach.chinhphu.vn chính là hiện thực hóa yêu cầu đó của Bác.

Chúng ta phấn đấu xây dựng Nhà nước pháp quyền XHCN của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân, cho nên những chính sách, pháp luật phải đem lại lợi ích cho đại đa số người dân. Cơ quan báo chí chính thống của Chính phủ trực tiếp phổ biến pháp luật dân sẽ tin tưởng hơn.

Báo chí thành diễn đàn trực tiếp đối thoại và lắng nghe người dân. Đó là một bước đổi mới đáng kể. Rất đáng khích lệ. Tuy nhiên, cũng cần đổi mới cách thức tuyên truyền, vận động quần chúng, nhân dân. Theo đó, báo chí cần đơn giản và đại chúng hóa trong phổ biến các dự án luật, văn bản pháp quy của Nhà nước; đồng thời, cũng phải nắm bắt dư luận, thăm dò  ý kiến nhân dân trong quá trình chuẩn bị, khảo sát trước khi ban hành luật, pháp lệnh, các văn bản quy phạm pháp luật và kịp đưa ra những sửa đổi phù hợp.

Việc triển khai tuyên truyền cần chú ý tới thực tế: Các phương tiện thông tin đại chúng hiện khá nhiều, nhưng không ít các thông tin cần thiết, nhất là phổ biến pháp luật, lại mờ nhạt, chưa đến được những người có nhu cầu thực sự. Người lao động - đối tượng "khát" thông tin về pháp luật, nhưng không phải ai trong số họ cũng có điều kiện dễ dàng tiếp cận thông tin. Với họ, cần có những cách tiếp cận phù hợp và thấu hiểu.

"Tôi rất mừng và tin tưởng vào những nỗ lực của các đồng nghiệp Cổng Thông tin điện tử Chính phủ và Báo Chinhphu.vn. dù "vạn sự khởi đầu nan". Chúc các bạn thành công", nhà báo Vũ Ngọc Lân nói./.

Mạnh Hùng