In bài viết

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Mong sớm có hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh cho dân

16:48 - 23/02/2023

(Chinhphu.vn) - Bệnh viện Bạch Mai mong các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp cho ngành y tế và các bệnh viện có các quy định hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh cho người bệnh.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Mong sớm có hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh cho dân - Ảnh 1.

Mong sớm có hành lang pháp lý chuẩn để các thầy thuốc tự tin khám chữa bệnh

Bệnh viện Bạch Mai gặp rất nhiều khó khăn khi thí điểm tự chủ toàn diện

Chia sẻ về những khó khăn, tại Tọa đàm "Ngành y vượt khó", PGS.TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cho biết: Bệnh viện Bạch Mai thực hiện Nghị quyết 33 của Chính phủ về việc thí điểm tự chủ toàn diện. Thực tế thời gian thí điểm cũng đã hết và Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện tự chủ 3 năm chứ không phải 2 năm.

Qua 3 năm thực hiện thí điểm tự chủ toàn diện đồng nghĩa với việc Bệnh viện Bạch Mai gặp rất nhiều khó khăn trong nội tại.

Ví dụ như vấn đề vướng vào pháp lý của các lãnh đạo tiền nhiệm và sau đó là dịch bệnh giống như tất cả các bệnh viện khác. Một câu chuyện nữa là vấn đề giá viện phí, Bạch Mai được tự chủ toàn diện nhưng thực tế giá viện phí vẫn tuân thủ quy định của luật pháp hiện hành. Bởi hiện tại chúng ta chỉ có một quy định về giá khám chữa bệnh bằng giá của bảo hiểm y tế.

Với Bệnh viện Bạch Mai, hiện tại số lượng bệnh nhân rất đông, mỗi ngày có thể đến 8.000-10.000 người dân đến khám. Số lượng bệnh nhân điều trị nội trú khoảng 4.000 người/ngày. Tuy nhiên, tất cả các dịch vụ khám chữa bệnh của Bạch Mai chưa được tính đúng, tính đủ mà đang được thu bằng giá của bảo hiểm y tế.

Hiện tại Bệnh viện Bạch Mai vẫn đang chờ quyết định của cấp có thẩm quyền về việc phân nhóm tự chủ.

Bệnh viện Bạch Mai đã thực hiện tự chủ hơn 10 năm nay, nhưng giai đoạn 2016-2019 thực hiện tự chủ theo Nghị định 43, tức là chỉ tự chủ chi thường xuyên, còn từ năm 2020 đến nay  thì tự chủ toàn diện theo Nghị quyết 33. Mặc dù đã có công văn của Chính phủ chỉ đạo dừng thực hiện, nhưng hiện tại bệnh viện vẫn đang phải chờ quyết định phân nhóm để tiếp tục thực hiện theo nguyện vọng.

Theo tính toán, Bệnh viện Bạch Mai chỉ vào nhóm 2, tức là mức độ chi thường xuyên. Vì vậy, 3 năm vừa qua, đặc biệt do tác động của dịch COVID-19 và các biến cố của bệnh viện nên Bạch Mai vô cùng khó khăn về tài chính.

Hiện tại, Bệnh viện Bạch Mai đã phải sử dụng nguồn quỹ phát triển sự nghiệp tiết kiệm được trong hơn 10 năm qua để chi thường xuyên cho cán bộ, nhân viên. Vấn đề này, Bệnh viện Bạch Mai đã báo cáo Bộ Y tế và các bộ, ban ngành liên quan.

Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai: Mong sớm có hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh cho dân - Ảnh 2.

Bệnh viện Bạch Mai khẩn cấp xin kinh phí sửa chữa nhà cửa, mua sắm máy móc khám chữa bệnh cho dân

Thứ hai, về cơ sở vật chất, các tòa nhà của Bệnh viện Bạch Mai đã trải qua 2 cuộc chiến tranh. Và trong nhiều năm, nhất là trong 3 năm qua, không được đầu tư chút nào về xây dựng cơ sở vật chất cũng như mua sắm thiết bị. Ba năm qua, do thực hiện tự chủ toàn diện, nên các tòa nhà xuống cấp hết sức trầm trọng, không thể khắc phục, duy tu bảo dưỡng được nữa.

Bệnh viện Bạch Mai "đang khẩn cấp xin đầu tư khẩn cấp để nâng cấp các tòa nhà này vì không đảm bảo công tác khám chữa bệnh nữa".

Về mặt thiết bị y tế, đây là vấn đề vô cùng khó trong giai đoạn hiện nay. Khi các bệnh viện tuyến dưới thiếu vật tư, thiếu thuốc thì họ rất "tín nhiệm Bệnh viện Bạch Mai". Người dân cũng như vậy, chuyển lên Bệnh viện Bạch Mai rất nhiều.

Ngay sau Tết, số lượng bệnh nhân tăng đột biến. Không giống như mọi năm thường bước vào quý II hoặc tháng 2, tháng 3 âm lịch thì số lượng bệnh nhân mới đông. Năm nay số lượng bệnh nhân tăng đột biến ngay từ mùng 6 Tết. Sau khi đi làm ngày đầu tiên, số lượng bệnh nhân đến khám ngoại trú đã là 6.000 bệnh nhân.

Do vậy thiết bị để phục vụ khám chữa bệnh của Bệnh viện Bạch Mai đang thiếu trầm trọng.

Hầu hết các thiết bị của Bệnh viện Bạch Mai 10 năm qua thực hiện liên doanh liên kết. Khi hết hợp đồng và các Thông tư về liên doanh, liên kết cũng đã hết hiệu lực, đang chờ các Thông tư mới, quy định mới nên hiện tại Bệnh viện Bạch Mai không thể tái ký hợp đồng cũng như không thể ký các hợp đồng mới được.

Về đầu tư, mua sắm các thiết bị mới thì Bệnh viện Bạch Mai không có nguồn ngân sách nào. 

Do vậy, Bệnh viện Bạch Mai đang đề xuất khẩn cấp được đầu tư ngân sách để bệnh viện sớm có các thiết bị phục vụ công tác khám chữa bệnh khẩn cấp cho người bệnh.

Mong sớm có hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh cho dân

Theo PGS.TS Bùi Xuân Cơ, hiện tại Luật Khám bệnh, chữa bệnh đã được thông qua. Tuy nhiên chúng ta cần nhanh chóng ban hành các văn bản hướng dẫn để khi Luật có hiệu lực sẽ sớm đi vào cuộc sống. Quan trọng nhất là phải tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế.

Thời gian qua, Bệnh viện Bạch Mai đã hết sức nỗ lực trong điều kiện khó khăn, thiếu trang thiết bị, thiếu vật tư, thiếu thuốc.

Cả tập thể bệnh viện đã tập trung ngày đêm vào công tác mua sắm thuốc men để phục vụ khối lượng bệnh nhân hết sức lớn đến từ các tuyến.

Vướng chỗ nào thì làm văn bản báo cáo Bộ Y tế và các cấp có thẩm quyền đề xuất sửa đổi nhằm kịp thời phục vụ công tác mua sắm thuốc, đấu thầu thuốc, trang thiết bị vật tư phục vụ người dân.

Bệnh viện Bạch Mai mong các cấp, các ngành chức năng sớm vào cuộc giúp cho ngành y tế, các bệnh viện có các quy định hợp lý, tạo hành lang pháp lý chuẩn để tự tin khám chữa bệnh cho người dân.