Nhìn nhận về thị trường bất động sản những tháng cuối năm, TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia cho biết, cách đây một năm rưỡi đã có cảnh báo trên các phương tiện thông tin đại chúng và trong hệ thống chính sách của Chính phủ để có thể chuẩn bị cho tình huống đối phó với thị trường bất động sản, chứng khoán cùng với thay đổi nhanh chóng của tình hình thế giới.
Gần đây, Chính phủ đã tổ chức các hội nghị chuyên đề về chính sách tài chính hỗ trợ thị trường bất động sản.
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, kinh tế Việt Nam có tăng trưởng tốt khiến cho lo ngại về thị trường bất động sản, chứng khoán giảm đi.
Nói về thị trường bất động sản Việt Nam hiện nay, ông Lê Xuân Nghĩa cho rằng thị trường đang ở mức "chân không tới đất, đầu không tới trời".
Phần lớn giao dịch bất động sản trong 2 năm vừa qua đều là giao dịch của nhà đầu tư, ít giao dịch mua để ở.
"Số lượng giao dịch mua để ở chỉ chiếm 0,26 phần nghìn. Thị trường bất động sản hiện nay là sân chơi của nhà phát triển dự án và nhà đầu tư thứ cấp", TS. Lê Xuân Nghĩa chỉ rõ.
Nhận định về thị trường bất động sản thời gian tới, ông Lê Xuân Nghĩa chia sẻ nhận định của một nhóm chuyên gia về thị trường bất động sản: Giá sẽ giảm đi khoảng 30% nhưng không sụp đổ và sau đó sẽ phục hồi.
"Chúng ta đang có nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát thấp, tăng trưởng kinh tế cao, lãi suất tăng ít.
Nền tảng này giúp cho nhận định giá bất động sản có thể giảm 30% và sau đó có thể phục hồi trở lại như trên là đúng", ông Lê Xuân Nghĩa nhận định.
Nhìn nhận về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam, lượng cung và giao dịch bất động sản nhà ở tại các dự án 6 tháng đầu năm 2022 đạt hơn 22.700 sản phẩm, giao dịch đạt xấp xỉ 11.500 sản phẩm.
Trong khi đó giá bất động sản liên tục tăng, cấu trúc thị trường phân bố mạnh vào bất động sản đầu cơ, giá cao. Dòng tiền đổ mạnh cho nhu cầu trú ẩn và đầu cơ, nhiều hơn phục vụ nhu cầu thực. Sự phân ly mạnh mẽ giữa giá đất nền và giá căn hộ.
Trong 6 tháng cuối năm, ông Nguyễn Văn Đính cho rằng, thị trường bất động sản đang trải qua thời kỳ tái cân bằng. Giá nhà sẽ chịu áp lực tăng do chi phí tăng, lạm phát, nhu cầu nhà ở cao và nguồn cung thấp tiếp tục khiến chi phí tăng vọt.
"Thanh khoản sẽ giảm, dòng tiền dễ không còn. Các nhà đầu tư cũng có xu hướng cho dòng tiền nghỉ ngơi và trở nên thận trọng hơn", Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam nhận định và kiến nghị cần có các chính sách hỗ trợ để quá trình tái cân bằng của thị trường diễn ra "mềm" hơn.
Dưới góc nhìn của một người làm trong lĩnh vực bất động sản, lãnh đạo 1 doanh nghiệp cho biết, nhiều vấn đề liên quan đấu giá đất đã được các cơ quan chức năng xử lý trong thời gian qua, sắp tới sẽ có những vấn đề tái cơ cấu, sửa luật đất đai, bỏ khung giá đất áp theo giá sát giá thị trường…
Việc này sẽ giúp thanh lọc thị trường, các đơn vị kinh doanh bất động sản, các chủ đầu tư yếu sẽ phải rời cuộc chơi, còn đối với các đơn vị có năng lực tài chính, kinh nghiệm phát triển dự án thì đây sẽ là cơ hội để phát triển.
Đề cập đến tiềm năng của thị trường bất động sản 6 tháng cuối năm và tương lai, vị này cho rằng, nên có tầm nhìn dài hạn hơn chứ không phải 3-5 năm mà phải là 10-15-20 năm. Bởi với tốc độ gia tăng dân số, sự thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang tăng mạnh thì thị trường bất động sản Việt Nam vẫn còn rất nhiều tiềm năng để phát triển so với các quốc gia khác./.