Tại Chương IV, đơn vị dự thảo đã đề xuất các quy định về bổ nhiệm, sử dụng, thôi giữ chức danh Chỉ huy trưởng, Phó Chỉ huy trưởng và thực hiện chế độ, chính sách đối với các chức vụ Chỉ huy của Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.
Cụ thể, Điều 19 về bổ nhiệm Chỉ huy trưởng đã đề xuất điều kiện, tiêu chuẩn, thẩm quyền bổ nhiệm chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã.
Theo đó, điều kiện để xem xét, bổ nhiệm là: Trong nguồn quy hoạch chức danh Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này, có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp ngành quân sự cơ sở trở lên.
Trong đó, Điều 5. Đối tượng quy hoạch, dự thảo quy định là: "Cán bộ, công chức và những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã;
Người đã hoàn thành nhiệm vụ phục vụ tại ngũ trong lực lượng Quân đội nhân dân và Công an nhân dân;
Dân quân hoặc người đã hoàn thành nghĩa vụ tham gia dân quân;
Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam, đoàn viên Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đang công tác tại cơ sở;
Người có hộ khẩu thường trú ở địa bàn sở tại đã có bằng đại học, cao đẳng, trung cấp".
Điều 6. Tiêu chuẩn quy hoạch, dự thảo quy định: "Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi đến 30 tuổi đối với người chưa qua đào tạo, không quá 35 tuổi đối với người đã có bằng trung cấp ngành quân sự cơ sở trở lên;
Lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt; bản thân và gia đình chấp hành tốt đường lối, chủ trương của đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; Là Đảng viên hoặc đoàn viên Đoàn thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh có đủ điều kiện phát triển thành Đảng viên Đảng Cộng sản Việt Nam;
Tốt nghiệp trung học phổ thông hoặc tương đương trở lên; Có đủ sức khỏe hoàn thành nhiệm vụ được giao".
Về tiêu chuẩn chung dự thảo đề xuất: Thực hiện theo quy định tại Điều 7 Mục 2Chương II Nghị định số 33/2023/NĐ-CP ngày 10 tháng 6 năm 2023 của Chính phủ quy định về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố.
Về tiêu chuẩn cụ thể đối với Chỉ huy trưởng, dự thảo nêu rõ: Phải có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp ngành quân sự cơ sở trở lên.
Có năng lực tham mưu cho cấp ủy, Ủy ban nhân dân cấp xã ban hành các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện công tác quốc phòng, công tác dân quân tự vệ, giáo dục quốc phòng - an ninh và phòng thủ dân sự; xây dựng nền quốc phòng toàn dân và thế trận an ninh nhân dân trên địa bàn cấp xã.
Tham mưu có hiệu quả cho cấp ủy, chính quyền cấp xã trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chế độ, chính sách đối với lực lượng dân quân tự vệ, dự bị động viên, chính sách hậu phương quân đội. Xây dựng và tổ chức thực hiện hoàn thành các nhiệm vụ công tác quốc phòng, quân sự ở cấp xã.
Về thẩm quyền bổ nhiệm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện.
Về bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã, tại Điều 20, dự thảo đề xuất: Người được bổ nhiệm phải là người trong nguồn quy hoạch Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo quy định tại Điều 5, Điều 6 Thông tư này.
Trong quy hoạch nguồn cử đi đào tạo trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở hoặc đã có bằng tốt nghiệp trình độ trung cấp, cao đẳng, đại học ngành quân sự cơ sở.
Về thẩm quyền bổ nhiệm: Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định bổ nhiệm Phó Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp xã theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã sau khi thống nhất với Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự cấp huyện./.