Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ phát biểu thảo luận tại tổ, chiều 20/5.
Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự, Bộ luật Tố tụng hình sự, Thượng tướng Trần Quốc Tỏ, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an, đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh đã góp ý về quy định liên quan đến thẩm quyền của Điều tra viên được bố trí là Trưởng, Phó Trưởng Công an cấp xã.
Cụ thể, theo Báo CAND, đại biểu Trần Quốc Tỏ cho rằng, để Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an cấp xã có thể thực hiện đầy đủ các thẩm quyền, đề nghị sửa đổi các quy định Điều 110 về giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Điều 113 về bắt bị can, bị cáo để tạm giam để bổ sung thẩm quyền giữ người trong trường hợp khẩn cấp, tạm giữ, tạm giam và các biện pháp ngăn chặn khác cho Điều tra viên của Cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng, Phó trưởng Công an cấp xã.
"Dự thảo luật đang giao thẩm quyền và Điều tra viên được bố trí là Trưởng, Phó trưởng Công an cấp xã nên được giao nhiệm vụ này để phù hợp, bởi từ xã đến tỉnh tới đây có thể rất xa", đại biểu Trần Quốc Tỏ nêu quan điểm.
Đại biểu Trần Quốc Tỏ đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, cân nhắc để khi vận dụng, tiến hành quy định này, tránh trường hợp bị suy diễn.
"Với góc độ Cơ quan điều tra trong Công an nhân dân, tôi khẳng định, Công an cấp xã không phải là một cấp điều tra.
Mà đây là Điều tra viên thuộc Cơ quan điều tra được bố trí là Trưởng hoặc Phó trưởng Công an cấp xã.
Điều tra viên này thuộc Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh, thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong tố tụng, dưới chức danh tư pháp là Điều tra viên, không phải chức danh hành chính là Trưởng, Phó trưởng Công an cấp xã", Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ lý giải, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ, tránh trường hợp hiểu rằng, Công an xã cũng là một cấp điều tra.
Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ đề nghị sửa quy định về dẫn độ trong BLTTHS.
Về vấn đề số hoá hoạt động của Cơ quan điều tra, Thứ trưởng Trần Quốc Tỏ thông tin, ngày 22/2/2024, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 57-NQ/TW về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. Trong đó, mục 5 phần III nghị quyết yêu cầu các cơ quan trong hệ thống chính trị phải có kế hoạch và lộ trình đưa tất cả hoạt động lên môi trường số, bảo đảm liên thông, đồng bộ.
Bộ Công an đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số quy định của Bộ luật tố tụng hình sự: bổ sung 1 khoản vào Điều 131- Hồ sơ vụ án, quy định số hoá hồ sơ vụ án.
Đồng thời, bổ sung vào Điều 132 - Văn bản tố tụng, quy định người có thẩm quyền tiến hành tố tụng có thể ký số trong các văn bản tố tụng và chữ ký số có giá trị pháp lý như chữ ký trực tiếp.
Liên quan đến dẫn độ, hiện Bộ Công an đang được giao chủ trì xây dựng Luật Dẫn độ để Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 9, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10.
Đại biểu Trần Quốc Tỏ cho hay, việc bổ sung một số quy định mới về dẫn độ tại dự thảo Luật Dẫn độ, nhất là quy định bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ có liên quan trực tiếp đến quy định về các biện pháp ngăn chặn trong Bộ luật Tố tụng hình sự.
Nên việc sửa đổi là cần thiết và cấp thiết vì: Phù hợp với Thông báo số 1128 ngày 18/4/2025 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Báo cáo thẩm tra của Uỷ ban Pháp luật và Tư pháp cũng tán thành nội dung của chủ trương trên.
Về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ là chính sách quan trọng, ảnh hưởng quyền con người, quyền công dân, nên quy định biện pháp này trong Bộ luật Tố tụng hình sự là cần thiết, phù hợp.
Việc sửa đổi, bổ sung quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ là triển khai chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Dẫn độ.
Các đại biểu thảo luận tại Tổ, chiều 20/5.
Theo đại biểu Trần Quốc Tỏ, việc sửa đổi, bổ sung quy định về bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ trong Bộ luật Tố tụng hình sự sẽ khắc phục hạn chế, bất cập trong giải quyết yêu cầu về dẫn độ, tạo cơ sở pháp lý cho các cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam có thể áp dụng biện pháp bắt tạm giam người bị yêu cầu dẫn độ ngay sau khi nhận được yêu cầu của phía nước ngoài, tránh tình trạng người nước ngoài bị yêu cầu dẫn độ bỏ trốn, ảnh hưởng đến quan hệ đối ngoại của Việt Nam, nhất là hiện nay, trong xu thế toàn cầu hoá, đối tượng phạm tội có xu hướng di chuyển nhanh, xuyên biên giới, xuyên lãnh thổ.
Đại biểu Trần Quốc Tỏ cho rằng, quy định pháp luật hiện hành mất rất nhiều thời gian, thủ tục về dẫn độ, phải sau khi Toà án ra quyết định xem xét, yêu cầu dẫn độ mới có thể thực hiện bắt tạm giam, trong khi nhiều trường hợp biết yêu cầu dẫn độ, đối tượng bỏ trốn sang nước thứ ba...
Bên cạnh đó, Luật Dẫn độ đang dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 10, nếu không sửa đổi, bổ sung quy định này trong Bộ luật Tố tụng hình sự (dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9) sẽ dẫn đến vướng mắc, bất cập với Luật Tương trợ tư pháp trước đây, nhất là việc bắt người trong trường hợp khẩn cấp để dẫn độ sẽ không được kịp thời giải quyết, dẫn đến khó khăn trong hợp tác quốc tế về dẫn độ...
Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng hình sự đề xuất sửa đổi, bổ sung các điều liên quan đến sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, trong đó đề xuất Trưởng, Phó Công an cấp xã được khởi tố điều tra một số vụ án hình sự.
Cụ thể, trên cơ sở đề nghị của Bộ Công an, cơ quan soạn thảo bổ sung quy định Điều tra viên trung cấp trở lên (của Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh) là Trưởng Công an, Phó Trưởng Công an cấp xã được Thủ trưởng Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh phân công có thẩm quyền tiến hành khởi tố, điều tra vụ án hình sự về tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, có mức cao nhất của khung hình phạt đến 7 năm tù xảy ra trên địa bàn cấp xã, để đáp ứng yêu cầu thực tiễn khi không tổ chức Công an cấp huyện.
Thẩm tra nội dung bổ sung nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã), Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật và Tư pháp của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng cho biết, việc dự thảo luật đề xuất bổ sung quy định này là rất cần thiết nhằm chỉ đạo, giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án về tội ít nghiêm trọng và tội nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Tuy nhiên, cơ quan thẩm tra đề nghị cơ quan chủ trì soạn thảo rà soát kỹ lưỡng các quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự để sửa đổi, bổ sung các nội dung liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Điều tra viên thuộc cơ quan Cảnh sát điều tra Công an cấp tỉnh được bố trí là Trưởng Công an cấp xã (hoặc Phó Trưởng Công an cấp xã), bảo đảm chặt chẽ, thống nhất, khả thi, đáp ứng yêu cầu giải quyết kịp thời các vụ việc, vụ án xảy ra trên địa bàn cấp xã.
Dự thảo luật cũng bổ sung quy định Cơ quan điều tra có thể kết luận điều tra đề nghị truy tố, Viện Kiểm sát có thể quyết định truy tố bị can khi đã có đủ căn cứ và bảo đảm quyền bào chữa cho bị can trong 2 trường hợp sau:
Một là, bị can bỏ trốn và việc truy nã không có kết quả.
Hai là, bị can đang ở nước ngoài mà không thể triệu tập để phục vụ các hoạt động điều tra hoặc phục vụ các hoạt động nhằm quyết định việc truy tố.
Dự thảo luật giao Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao, Bộ trưởng Bộ Công an chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Chánh án Tòa án nhân dân Tối cao quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành các quy định này.
Cơ quan thẩm tra đánh giá, việc bổ sung quy định cơ quan điều tra kết luận đề nghị truy tố, Viện Kiểm sát quyết định truy tố bị can trong 2 trường hợp nêu trên là phù hợp.
Dự thảo còn quy định các trường hợp này phải bảo đảm đầy đủ quyền bào chữa cho bị can theo quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự, như vậy là bảo đảm chặt chẽ.