Theo Ủy viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga, cải cách tiền lương là việc làm rất ý nghĩa, nhân văn, đảm bảo đời sống cho người lao động, có ý nghĩa then chốt trong nâng cao năng suất lao động khu vực công.
Một điểm nhấn quan trọng trong năm 2024 là sẽ thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp từ ngày 1/7/2024. Bà có đánh giá thế nào về ý nghĩa của việc cải cách chính sách tiền lương lần này?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Tôi cho rằng, việc cải cách tiền lương mang ý nghĩa rất lớn trong thời điểm hiện nay.
Thứ nhất, cải cách tiền lương không chỉ đơn thuần là việc tăng lương cho người lao động hưởng lương từ ngân sách nhà nước mà là thay đổi cách tính lương cho người lao động.
Cách tính lương mới theo vị trí việc làm, chức trách, nhiệm vụ được giao sẽ khắc phục được những điểm lạc hậu, hạn chế, bất hợp lý của cách tính lương chúng ta đang áp dụng (tính lương theo hệ số, lương tăng dần theo số năm công tác khiến cho cùng một vị trí việc làm, người công tác lâu năm có thể có mức lương cao hơn rất nhiều so với sinh viên mới ra trường vào làm việc, không tính đến năng lực, khả năng hoàn thành công việc...).
Với cách tính lương mới, sẽ có sự công bằng, hợp lý hơn khi cùng một vị trí việc làm sẽ được hưởng mức lương như nhau; tách tiền công của bộ phận làm công việc phục vụ (lái xe, nhân viên phụ trách điện nước, lao công, tạp vụ...) ra khỏi thang bảng lương của hệ thống công chức, viên chức.
Tất cả mọi chi phí (phụ cấp, các chế độ họp, khoán công tác phí...) đều được tính vào lương, rất rõ ràng, rành mạch. Và với sự cải cách tiền lương này, về cơ bản, lương của công chức, viên chức đều được tăng lên.
Thứ hai, với việc cải cách tiền lương có dành một số phần trăm nhất định từ quỹ lương cho công tác khen thưởng những người có thành tích, có nỗ lực, chất lượng làm việc tốt... sẽ tránh được trạng thái "cào bằng" khi hưởng lương từ ngân sách; động viên kịp thời người lao động và khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm. Chất lượng công việc, theo tôi vì vậy cũng sẽ được nâng cao hơn.
Thứ ba, chúng ta đã có kế hoạch cải cách tiền lương cách đây vài năm, tuy nhiên do dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp, chính phủ phải dồn mọi nguồn lực tập trung cho công tác phòng chống dịch, và ngay sau dịch là dồn tiềm lực để khôi phục và phát triển kinh tế.
Đến thời điểm này, khi dịch bệnh đã được khống chế; khi các biện pháp khôi phục và phát triển kinh tế - xã hội đã và đang phát huy hiệu quả; một trong những khó khăn mà chúng ta phải đối mặt là tình trạng thiếu hụt nhân sự trong một số ngành (giáo dục, y tế) mà một trong những nguyên nhân cơ bản là do tiền lương còn quá thấp, tỷ lệ nghịch với những áp lực công việc nên rất khó thu hút nhân lực, khó giữ chân người có năng lực.
Nhìn rộng ra, toàn bộ khu vực công hiện nay, mức lương của người lao động còn rất khiêm tốn so với mặt bằng cuộc sống. Với sự biến động rất mạnh mẽ của tình hình kinh tế thế giới theo xu hướng khủng hoảng toàn cầu thì mức lương hiện tại của công chức viên chức là điểm nghẽn cho việc thu hút người tài làm việc cho khu vực công.
Do vậy, cải cách tiền lương lúc này là việc làm ý nghĩa và nhân văn, không những đảm bảo đời sống cho người lao động, tạo sự công bằng hơn trong chi trả lương mà còn có ý nghĩa then chốt với việc nỗ lực nâng cao năng suất lao động khu vực công.
Lần điều chỉnh lương lần này không chỉ đơn thuần là tăng lương, tăng thu nhập mà việc điều chỉnh này mang tính cải cách. Chính phủ đến nay đã tiết kiệm được hơn 53.000 tỷ đồng dành cho cải cách tiền lương. Tuy vậy, để cải cách tiền lương mang tính khả thi và đạt hiệu quả, đại biểu lưu ý những vấn đề gì, thưa bà?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: Theo tôi, để cải cách tiền lương mang tính khả thi và đạt hiệu quả, cần có mấy lưu ý sau:
Thứ nhất, về nguồn cải cách tiền lương. Tuy hiện nay, theo báo cáo của Chính phủ, chúng ta đã có nguồn lực dành cho cải cách tiền lương giai đoạn đầu. Tuy nhiên về lâu dài chúng ta cần tính toán đến nguồn lực vững chắc để cải cách tiền lương.
Nguồn lực ấy không chỉ đơn thuần dựa vào việc tiết kiệm ngân sách mà còn phải nỗ lực để phát triển kinh tế- xã hội sao cho GDP hàng năm tăng trưởng đạt và vượt kế hoạch đề ra.
Muốn vậy, cải cách tiền lương phải đi đôi với nỗ lực điều hành kinh tế vĩ mô của Chính phủ, nỗ lực nâng cao năng suất lao động.
Bởi lẽ năng suất lao động vẫn là "điểm trừ" của chúng ta khi nhiều năm liền chỉ tiêu tăng năng suất lao động xã hội chúng ta chưa hoàn thành. So với nhiều nước trên thế giới và trong khu vực, năng suất lao động của Việt Nam còn thấp; dẫn đến sự lãng phí trong đầu tư, nắm bắt cơ hội...
Song song với đó, cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc tinh giản biên chế, sắp xếp lại bộ máy sao cho thực sự hiệu lực, hiệu quả. Tránh việc giảm biên chế một cách cào bằng, máy móc, cơ học dẫn đến việc chỗ thiếu người làm việc vẫn thiếu trầm trọng, nơi thừa vẫn thừa.
Bên cạnh đó, việc đẩy mạnh chống tham nhũng, lãng phí, thất thoát cũng là một trong những giải pháp lâu dài, bền vững để có thêm nguồn lực cải cách tiền lương.
Trên nghị trường Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội đề nghị cần quy định lương của giáo viên ở mức cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp khi thực hiện cải cách tiền lương. Bà có đề xuất và kỳ vọng gì về câu chuyện tăng lương giáo viên?
Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga: "Có thực mới vực được đạo" là câu tục ngữ rất thấm thía của ông cha ta. Chúng ta khó có thể đòi hỏi đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo nếu như không đổi mới tiền lương cho giáo viên theo hướng tăng lên.
Tôi cho rằng, lương giáo viên thấp và chưa tương xứng với trọng trách nghề nghiệp cũng như công sức của giáo viên là một thực trạng đáng trăn trở hiện nay.
Đây cũng là nguyên nhân cơ bản dẫn đến nhiều hệ luỵ: Giáo viên bỏ nghề, chuyển nghề do áp lực cơm áo gạo tiền mà đồng lương không đáp ứng, việc lạm dụng tổ chức dạy thêm tràn lan, ép buộc học sinh không có nhu cầu, nguyện vọng buộc phải đi học thêm; sự chểnh mảng trong nghề nghiệp vì phải dành nhiều thời gian lo công việc "tay trái" để có thêm thu nhập…
Việc khó tuyển sinh ở khối các trường sư phạm, khó thu hút, giữ chân nhân tài, khó động viên đội ngũ giáo viên toàn tâm toàn ý, dồn hết tâm huyết cho công việc... Thậm chí thu nhập ít ỏi từ lương giáo viên cũng phần nào ảnh hưởng đến vai trò và vị thế nhà giáo trong xã hội... Tất cả những điều đó đều ảnh hưởng tiêu cực đến chất lượng giáo dục và đào tạo.
Do vậy, việc tăng lương cho giáo viên có ý nghĩa rất lớn lao; không chỉ cải thiện thu nhập cho nhà giáo mà còn mang ý nghĩa quyết định trong thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao vào ngành giáo dục. Đây cũng là nhân tố cốt lõi, quan trọng để nâng cao chất lượng giáo dục đào tạo, nhất là trong bối cảnh chúng ta đang thiếu giáo viên và ngành giáo dục đang đẩy mạnh việc đổi mới căn bản toàn diện giáo dục.
Cho nên, không chỉ đội ngũ công tác trong ngành giáo dục mong chờ việc cải cách tiền lương của ngành giáo dục mà xã hội đều kỳ vọng đây là một trong những giải pháp hiệu quả và nhân văn để phát triển giáo dục trong thời gian tới./.
(Theo Quochoi.vn)