Sinh ra trong giai đoạn này là may mắn
Sáng 22/3 tại Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính dự và chủ trì Hội nghị đối thoại với thanh niên năm 2023 với chủ đề "Xây dựng nguồn nhân lực trẻ chất lượng cao đáp ứng kỷ nguyên 4.0".
Chia sẻ với thanh niên về chuyển đổi số, cách mạng lần thứ 4, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Thường khi có một cuộc cách mạng công nghiệp mới thì nhiều thứ đảo ngược lại. Đó là Cách mạng công nghiệp lần thứ ba với công nghệ thông tin. Công nghệ thông tin hơi giống như tự động hóa, tức là nó thay những việc chúng ta đang làm một cách tự động, thay chứ không giúp nhiều đâu.
Đến chuyển đổi số là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và liên quan nhiều đến trí tuệ nhân tạo (AI). Ứng dụng của nó giống như là mỗi người có một trợ lý, khi mình làm việc, mình cần gì thì AI giúp, nó con người nhiều hơn là thay con người.
So sánh thì giống như Bộ trưởng hoặc Thứ trưởng có 1 trợ lý, 1 thư ký. Bây giờ mỗi người Việt Nam có thể có 1 trợ lý ảo để giúp mình học tập hoặc làm việc. Tức là 100 triệu người Việt Nam trở thành 100 triệu Bộ trưởng, chúng ta tưởng tượng sức mạnh lớn như thế nào.
Thời kỳ chuyển đổi số cũng xuất hiện nhiều cái rất khác. Ví dụ trước đây chúng ta dạy học, phải thầy và trò cùng ở một chỗ. Bây giờ thì có thể dạy mà thầy và trò không cùng một chỗ.
Trước đây một thầy có 30 trò, bây giờ một thầy có thể dạy nhiều trò hơn rất nhiều. Trước đây, nghề giáo thì dạy chữ là chính, bây giờ giáo viên có thể dùng công nghệ số để dạy nhiều hơn. Và vì thế giáo viên có nhiều thời gian hơn để dạy người, quan tâm đến các con, gia đình, bố mẹ, thu nhập, tức là có rất nhiều thay đổi.
Theo Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng, khi cái mới xuất hiện thì thường rất nhiều cơ hội, tất nhiên đi kèm với những thách thức. Nhưng với thanh niên sẽ là phù hợp nhất. Thanh niên nhiều năng lượng, không sợ sai. Khi cái mới đến, tất cả chúng ta đều chưa biết là cái gì cả thì phải thử, tuổi trẻ có năng lượng rất mạnh mẽ với cái mới.
Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng, lúc này cơ hội hàng trăm năm, vì thường cuộc cách mạng công nghiệp xảy ra phải 100 năm, ngắn cũng phải 50 năm, nên tự nhiên các bạn bây giờ được sống trong thời kỳ đấy, thời kỳ chuyển đổi, do đó các bạn nên đi đầu.
Đi đầu thì chúng ta mới thay đổi được thứ hạng quốc gia bởi thứ hạng quốc gia chỉ thay đổi khi có xuất hiện một cuộc cách mạng công nghiệp mới. Còn nếu chúng ta đi sau thì chúng ta đứng đâu vẫn đứng đấy.
"Tôi rất mong muốn các bạn thanh niên hãy coi mình sinh ra vào giai đoạn này là may mắn, khi xảy ra một cuộc cách mạng công nghiệp mới và đặc biệt là chuyển đổi số và do đó các bạn nên đi đầu", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng bày tỏ.
Trao đổi về các giải pháp ngăn chặn thông tin xấu độc trên không gian mạng, Bộ trưởng Bộ TT&TT Nguyễn Mạnh Hùng cho rằng: Trên không gian mạng có cái tốt và cái xấu. Chúng ta tạm gọi tin sai sự thật, tin xấu độc trên không gian mạng là rác thì chúng ta sẽ tìm ra cách tiếp cận. Rác là một khái niệm khá gần gũi với chúng ta trong đời thực. Vậy chúng ta sẽ xử lý rác như thế nào? Xử lý rác đầu tiên là xử lý người xả rác. Rác có người cố ý xả ra. Chúng ta đã ban hành một Nghị định xử lý hành chính các vi phạm này, cao hơn là xử lý hình sự.
Nhưng rác cũng có người vô tình lan truyền do không biết đấy là tin sai sự thật. Cái này phải đào tạo. Bộ TT&TT đã ban hành bộ quy tắc ứng xử trên không gian mạng, cẩm nang về phòng chống tin giả và đã cho ra mắt một nền tảng trực tuyến cho người dân về những kỹ năng số cơ bản, trong đó có cách phân biệt tin giả.
Xử lý rác thì có vấn đề dọn rác. Muốn dọn rác thì đầu tiên là phát hiện ra là rác. Bộ ngành nào, địa phương nào quản lý cái gì trong đời thực thì lên không gian mạng quản lý đúng cái đấy, phát hiện ra rác, dọn rác trong lĩnh vực của mình, địa phương mình. Nếu gặp khó khăn thì Bộ TT&TT sẽ là đơn vị hỗ trợ, nhất là các nền tảng xuyên biên giới.
Không gian mạng lành mạnh nếu nó là nơi tỉ lệ tin xấu độc thấp. Nếu chúng ta đưa được nhiều tin tốt đẹp trong cuộc sống lên không gian mạng thì tỉ lệ xấu này giảm đi. Đây là việc của tất cả chúng ta, đặc biệt là thanh niên, vốn là công dân số từ khi sinh ra. Làm cho không gian mạng lành mạnh, trong sạch thì não người được "thở" thứ không khí trong lành. Khi chúng ta đọc tin tức giống như là chúng ta thở, não chúng ta thở.
Sau cùng là vấn đề trách nhiệm của các công ty vận hành các nền tảng số. Các nền tảng số giống như cái chợ, nên chủ của công ty vận hành phải chủ động rà quét và loại bỏ. Các công ty này đang thu được rất nhiều tiền từ Facebook, Youtube..., nhưng thiếu trách nhiệm.
Sau nữa là trách nhiệm của chúng ta, tức là người dùng. Đưa rác lên mạng chủ yếu là người dùng. Một phần chúng ta nghĩ lên mạng là vô danh, và vì thế có thể vô trách nhiệm. Chính phủ sắp ban hành một Nghị định về trách nhiệm của các công ty vận hành nền tảng số và trách nhiệm của người sử dụng, trong đó có cả vấn đề định danh người dùng.
"Tóm lại không gian mạng là một không gian sống của chúng ta, vậy thì tất cả chúng ta, cả Nhà nước và người dân, phải chung tay làm cho không gian này lành mạnh, trong sạch. Không có ai ngoài chúng ta có thể làm được việc này", Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh./.